MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân Hoàng Khải: Vertu dùng không hiệu quả, "khoe của lại không tới" thì đóng cửa cũng là điều dễ hiểu

14-07-2017 - 14:58 PM | Doanh nghiệp

Theo doanh nhân Hoàng Khải, ông là người đầu tiên sử dụng Vertu ở Việt Nam và cũng không mấy bất ngờ trước thông tin thương hiệu điện thoại siêu sang này phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ.

Mới đây, chủ sở hữu của hãng sản xuất điện thoại siêu sang Vertu của Anh đã thất bại trong việc đàm phán với các chủ nợ, khi đề nghị thanh toán số tiền 1,9 triệu Bảng (khoảng 2,4 triệu USD) cho khoản nợ khổng lồ 128 triệu Bảng Anh.

Theo báo cáo của The Financial Times và The Telegraph, Vertu sẽ buộc phải đóng cửa nhà máy sản xuất của mình tại Anh, hơn 200 nhân viên của hãng điện thoại này cũng sẽ mất việc.

Thông tin này đã khiến nhiều người dùng di động lâu năm, đặc biệt là những "tín đồ" của Vertu từ những năm đầu thập niên 90, không khỏi "bàng hoàng".

Bình luận về việc Vertu đóng cửa nhà máy, doanh nhân Hoàng Khải cho biết, Vertu là 1 thương hiệu điện thoại hạng sang mà ông là người đầu tiên đã sử dụng ở Việt Nam cách đây hơn chục năm từ khi nó còn là thương hiệu không mấy ai biết đến.

Theo ông Khải, ông đã mua chiếc Vertu của mình ở Singapore, nhưng qua 1 thời gian sử dụng thì thấy không hiệu quả so với những loại điện thoại khác và để "khoe của thì không tới".

Rồi về sau, Vertu xuất hiện hàng nhái, làm cho người tiêu dùng hạng sang cảm thấy thất vọng và gặp phải những chiến dịch cạnh tranh khốc liệt thời hiện đại của smartphone. Đương nhiên Vertu phải đóng cửa sản xuất là chuyện đã dự đoán được.

Ông Khải chia sẻ thêm, việc phải đóng cửa những nhà hàng sang trọng như Tao Ly , Gloria Jeans Coffee , Ming Dynasty của chính doanh nhân này cũng là một trong những chuyện kinh doanh không hiệu quả.

"Bởi thế cho nên trong kinh doanh đừng bao giờ hối tiếc những câu chuyện cắt lỗ và chuyển mô hình kinh doanh cho phù hợp với cấu trúc của công ty", ông Khải kết luận.

Vertu từng có một quá khứ "không yên bình", bắt đầu từ những năm 1998 khi nhà sản xuất Phần Lan cùng với Nokia trượt ngã khỏi ngôi vị số 1 trong làng di động thế giới. Trong khi Nokia sống lay lắt, rồi chuyển qua tay Microsoft, thì Vertu được bán cho nhóm cổ phần tư nhân EQT VI vào năm 2012.

Từ đó tới nay, hãng vẫn tiếp tục kinh doanh, sản xuất các dòng điện thoại sang trọng mang tính thương hiệu, nhưng không gặt hái được mấy thành công vì chậm bắt nhịp với xu thế của công nghệ. Vào tháng 3/2017, thương hiệu Vertu được mua lại bởi một doanh nhân có tên là Murat Hakan Uzan với giá 61 triệu USD.

Thương vụ "trong mơ" này tưởng như sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, khi mà Hakan có trong tay một tập đoàn "gia đình trị" bao gồm nhiều ngân hàng, nhà máy điện, công ty con và thậm chí cả một nhà mạng cung cấp dịch vụ di động.

Tuy nhiên, những tháng ngày yên bình của Vertu nhanh chóng kết thúc khi Hakan bị buộc tội bởi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, tịch thu hơn 200 công ty thuộc tập đoàn Uzan do các hoạt động kinh doanh trái phép. Hakan phải chạy trốn sang Pháp dưới dạng tị nạn chính trị, còn thương hiệu điện thoại đắt giá lâm vào cảnh khốn đốn.

Trước đó, Vertu cũng kinh doanh không thành công, sụt giảm doanh số bán hàng tới 68,5 triệu USD so với năm ngoái, khiến công ty chịu khoản nợ khổng lồ mà không thể hoàn trả.

Mặc dù chủ sở hữu của Vertu cho biết, ông có thể sẽ hồi sinh thương hiệu được nhiều người yêu thích, nhưng chẳng mấy ai tin tưởng vào nỗ lực này. Ngay cả khi bằng một cách nào đó "sống dậy", thì Vertu cũng khó lòng lấy lại được ánh hào quang như những năm đầu của thập niên 90.

Theo Hà My

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên