Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn: “Đã mất công mơ thì hãy mơ hoang cho đáng…”
“Tôi muốn mái nhà Việt Nam sẽ là nguồn tài nguyên để trở thành hệ sinh thái làm ra điện, mỗi gia đình trở thành 1 nhà máy điện siêu nhỏ. Nếu con đường đúng, tôi sẵn sàng chờ 10 năm để có lãi. Năng lượng sạch là đầu tư bền vững và dài hạn, không thể ăn xổi hay nóng lòng…” Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn - ông chủ Tập đoàn Sơn Hà nói về giấc mơ đang dần hiện hữu…
Mở đầu năm mới tập đoàn Sơn Hà đã có tin vui: ngày 25/1/2019 CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE) chính thức niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội, và là mã cổ phiếu đầu tiên của ngành sản xuất năng lượng tái tạo. Ông có thể chia sẻ về sự kiện này?
SHE là thành viên thuộc Tập đoàn Sơn Hà (SHI) với ngành nghề hoạt động sản xuất khai thác các thiết bị năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Được thành lập cách đây 15 năm, SHE hiện đang vận hành một nhà máy quy mô lớn, trong cơ cấu doanh thu thì dòng sản phẩm Thái Dương Năng đang chiếm tỷ trọng cao nhất (hơn 70% doanh thu). Nhưng trong dự đoán xu hướng của Sơn Hà thì các sản phẩm mới như Pin năng lượng Mặt Trời, Máy nước nóng Heat Pump, Hệ thống lọc nước tổng Euro Fill, Bể nước ngầm bằng vật liệu phức hợp GRP…sẽ là các sản phẩm tăng trưởng lợi nhuận đột biến cho SHE trong 1-2 năm tới.
SHE là công ty con luôn vượt đích ngoạn mục về đóng góp doanh số cho Tập đoàn Sơn Hà, với tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng (khoảng 190% năm 2018). SHE đang sở hữu thương hiệu Thái Dương Năng số 1 thị trường máy nước nóng năng lượng mặt trời kể cả về thị phần, uy tín, lịch sử, chất lượng... Chúng tôi gọi SHE là “cổ phiếu nhỏ sinh lời to” vì lợi nhuận ngành tương đương vốn, có cam kết về lợi nhuận doanh thu cao, chỉ số PE không có đối thủ để so sánh vì khi niêm yết SHE sẽ là công ty đầu tiên có ngành hàng là năng lượng tái tạo.
Trong những chia sẻ của ông về hướng phát triển của Sơn Hà, có nhắc nhiều đến ước vọng Tập đoàn Sơn Hà sẽ trở thành nhà cung cấp giải pháp về năng lượng mới. Có mạo hiểm không khi Sơn Hà lại quyết định “khởi nghiệp” sau 20 năm đã được định vị là “vua bồn inox”?
Nếu tinh thần khởi nghiệp là không sợ thất bại, thấy ức chế muốn thay đổi khi thị trường đã trở nên quen thuộc và an toàn, lấy sáng tạo và hăm hở chinh phục miền đất mới làm động lực – thì Tập đoàn Sơn Hà luôn ở chặng đường khởi nghiệp. 20 năm qua, Sơn Hà đã từng tiên phong và đưa ra những khái niệm sản phẩm mới cho thị trường: Bồn nước inox Sơn Hà ra đời vào thập kỷ 1990 khi giải pháp bể treo tại đô thị của Việt Nam đang là bể tôn gò; Thái Dương Năng được ra đời khi chưa ai có khái niệm về năng lượng mặt trời; Bể phốt thông minh Septic – giải pháp an toàn và tiết kiệm thay thế bể phốt truyền thống đã được Sơn Hà giới thiệu cách đây 3 năm, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn đang phải giải thích cho người tiêu dùng hiểu “sản phẩm này để làm gì”?
Nghĩa là Sơn Hà đã quá quen với việc xác lập thị trường, tạo xu hướng và nhu cầu tiêu dùng cho những dải sản phẩm có tính mới. Chúng tôi không sốt ruột, lấy những sản phẩm truyền thống để nuôi sản phẩm tương lai, và xác định đầu tư thời gian dài mới có lãi. Quan trọng là phải rất bình tĩnh và kiên định với sự lựa chọn của mình, đừng tính chuyện ăn xổi.
Tại sao Sơn Hà đầu tư vào năng lượng tái tạo? Nhiệt điệt và thuỷ điện không thể phát triển thêm nữa vì gây tổn hại cho môi trường sống và quỹ tài nguyên cũng đã hết. Trong khi đó, Việt Nam là đất nước tiêu thụ điện năng lớn thứ 3 Châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Sơn Hà đã rất thành công với Thái Dương Năng, chúng tôi nhìn ra cơ hội của một đất nước nhiệt đới được thiên nhiên ưu đãi với phía nam quanh năm nắng chói. Từ 2019, Sơn Hà sẽ phát triển các nhà máy điện năng lượng mặt trời, đối tác đồng hành là những tập đoàn quốc tế có công nghệ tiên tiến đến từ Pháp và Đức.
Mỗi lần “mở đường” đều đối diện với rất nhiều thách thức, “thắng” hay “thua” phải chờ nhiều năm mới được trả lời. Trong khi tiền bỏ ra đầu tư là theo thời gian thực, ngay và luôn. Ông có bao giờ “run” trước những dự án liều lĩnh đã từng quyết định? Làm sao để vượt qua nỗi sợ “nhỡ đâu mình thua”?
Tôi bước chân vào đời với khát khao chinh phục, cũng có lúc hoang mang nhưng chưa bao giờ run sợ. Tôi luôn giữ lòng tò mò khôn cùng: “cái miền đất mình chưa đặt chân đến, nó là thế nào?”, và điều ấy thôi thúc tôi đánh cược cuộc đời mình trên những chặng đường chinh phục. Khi tôi đặt mục tiêu, mục đích, thì tôi rất kiên trì và tin rằng thể nào mình cũng sẽ nhìn thấy cánh cổng. Khi tuyệt vọng, tôi sẽ thả lỏng để tư duy và bản năng thính nhạy của mình dẫn đường tìm giải mã cho vấn đề đó. Tôi không tin là có những bế tắc, bởi cái gì cũng sẽ có giải pháp của nó. Giải pháp chắc chắn sẽ đến, mọi thứ đều trả công cho mình xứng đáng nếu quyết liệt và nhẫn nại đi tới cùng con đường mình lựa chọn.
Nhưng đôi khi quay đầu hoặc đặt mục tiêu khiêm tốn hơn cũng là một giải pháp… dễ thở?
Mỗi người sẽ có một lựa chọn, tất nhiên rồi. Dễ thở không phải là lựa chọn của tôi, cuộc sống không áp lực nó rất buồn chán. Với tôi, quay đầu là chết – vậy thì chỉ có cách đi tiếp bằng mọi cách kể cả là cặm cụi. Mục tiêu là gì nếu không phải là giấc mơ về điều chúng ta sẽ làm được, sẽ chạm tới, sẽ biến nó thành hiện thực? Đặt mục tiêu đi bộ vài km thì sao không để đích đến là stận biên giới phía xa? Đằng nào cũng ước ao thì đừng tằn tiện ước ao, đã mất công mơ thì hãy mơ hoang cho đáng…
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.