MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân Minh Đỗ: “Đạo Phật giúp ích cho mình nhiều nhưng không giống như kiểu đọc một quyển sách”

10-09-2016 - 00:00 AM | Sống

Bố của Totti trong “Bố ơi mình đi đâu thế?” là một người theo Phật pháp nhưng không đi lễ chùa nhiều. Trải nghiệm của anh với đạo Phật cũng đến từ từ, cùng với những va vấp và thay đổi trong cuộc sống.

- Anh làm quen với đạo Phật như thế nào?

Hầu hết người Việt Nam trong đó có tôi thì ai cũng đi chùa từ bé, ai cũng biết nhà sư, ai cũng biết là có Phật rồi. Tuy nhiên, mình để ý đến đạo Phật nhiều hơn khi tình cờ đọc các cuốn sách của đức Dalai Lama.

Tôi thấy đó là một nhân vật rất hay không chỉ về mặt tâm linh huyền bí mà về mặt con người. Đọc các quyển sách của vị ấy thì thấy cách diễn giải đạo Phật của Dalai Lama rất dễ hiểu, gần gũi với đời sống, cảm thấy nó như là khoa học, triết học nhiều hơn là thuần tuý tôn giáo. Phật giáo dối với tôi là một lối sống.


Đỗ Ngọc Minh trải qua nhiều vấp vấp mới ngộ ra được những chân lý đơn giản. Ảnh: Thái Phạm. Đồ hoạ: Hương Xuân.​

Đỗ Ngọc Minh trải qua nhiều vấp vấp mới ngộ ra được những chân lý đơn giản. Ảnh: Thái Phạm. Đồ hoạ: Hương Xuân.​

- Thời điểm anh đọc nhiều câu chuyện của Dalai Lama có liên quan đến biến cố gì trong cuộc sống cá nhân không?

Bản thân đức Phật cũng nói là nghe lời ta nói muốn biết đúng sai cũng luôn phải thử nghiệm bằng thực tế, như dùng lửa thử vàng, chứ đừng tin mù quáng vào lời ta. 10 năm trước và bây giờ, dù cùng đọc một thứ như nhau về triết học Phật giáo thì cảm nhận chắc chắn vẫn khác nhau.

Như với bản thân tôi, trải qua mười mấy năm từ khi vào đời, lấy vợ, có con, làm ăn kinh doanh lúc lên lúc xuống, va vấp rất nhiều; nhiều thứ trong Phật Pháp lúc trẻ mình đọc thì hiểu nhưng là hiểu vậy thôi, phải đến khi trải qua nhiều chuyện được mất thì mới cảm nhận những điều Phật dạy một cách sâu sắc.

- Sau khi tiếp xúc nhiều với đạo Phật, cuộc sống của anh có gì thay đổi?

Nó đến dần dần và đến cùng với kinh nghiệm. Va đập sau những chuyện không thành công, đổ vỡ thì tôi hiểu ra là có những thứ không thể như mình muốn.

Khi còn trẻ tôi cứ nghĩ là mọi thứ phải theo ý mình mới là hay. Mình phải làm được mọi thứ như kỳ vọng nếu không thì không còn gì đáng để sống nữa. Nhưng đến tuổi này thì tôi thấy là chuyện gì xảy ra đều có lý do của nó. Qua tất cả, nếu được chọn lại, thì tôi vẫn chọn là những kinh nghiệm đã có.

- Khi đi làm kinh doanh, đạo Phật giúp anh được điều gì?

Đạo Phật giúp ích rất nhiều, nhưng không phải là kiểu đọc một quyển sách và áp dụng được ngay đâu, mà bạn phải để tự nó ngấm dần dần theo trải nghiệm của bạn.

Như tôi chẳng hạn, cách hành xử của tôi khác rất nhiều so với trước đây: bớt nóng nảy, bớt đòi hỏi cao, bớt cầu toàn, bớt áp lực với bản thân và những người xung quanh, dần dần hiểu người khác tốt hơn…

Trước đây tôi nhìn một người thì thường đánh giá người ta bởi những cái hay, thành tựu gì đó mà tôi thấy là đáng ngưỡng mộ. Bây giờ nếu gặp một người thất bại hay có những chuyện thế này thế kia thì cũng không vội phán xét. Cách mình nhìn một người dù là ai cũng sẽ khác đi khi đặt địa vị của mình vào người ta nhiều hơn.


Đỗ Ngọc Minh sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, lấy vợ cũng thuộc một gia đình nổi tiếng nhưng không đi theo nghiệp của 2 ông bố mà chọn con đường riêng của mình. Ảnh: Thái Phạm. Đồ hoạ: Hương Xuân.

Đỗ Ngọc Minh sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, lấy vợ cũng thuộc một gia đình nổi tiếng nhưng không đi theo nghiệp của 2 ông bố mà chọn con đường riêng của mình. Ảnh: Thái Phạm. Đồ hoạ: Hương Xuân.

- Sùng đạo Phật nhưng anh có đi lễ chùa nhiều không?

Tôi đã trải qua hầu hết những gì mà một người có điều kiện ở Việt Nam quan tâm đến tâm linh nói chung và đến cuộc sống không chỉ thuần tuý vật chất. Lúc mới đầu kinh doanh thì mình cũng nghe lời khuyên của mọi người đi lễ đền, phủ mong cầu tài lộc. Nhưng mà sau thời gian vài năm thì tôi không theo cái đó nữa, vì Phật pháp giúp mình hiểu là mọi thứ may mắn tốt đẹp không đến từ cầu cúng mà đến từ những thiện nghiệp mình làm. Kể cả việc đi chùa lễ Phật, tôi nghĩ quan trọng là giữ Phật ở trong tâm và trong cách mình sống, mình hành xử. Không nhất thiết phải đi chùa nhiều mới là Phật tử.

- Tiếp xúc nhiều với đạo Phật, anh có thấy mâu thuẫn gì với việc làm kinh doanh không?

Tôi thấy những triết lý Phật giáo và làm kinh doanh chẳng có gì mâu thuẫn với nhau. Thậm chí triết lý Phật giáo còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình rất nhiều và theo hướng tốt. Thay vì chỉ chăm chăm cho mình được lợi thì nên nghĩ sao cho cả mình cả đối tác cùng được lợi thì việc mới bền. Thay vì chỉ muốn thành công bằng mọi giá thì phải hiểu và chấp nhận có thắng có thua, và không có gì là mãi mãi dù là thành công hay thất bại.

Có thể nếu không theo Phật pháp thì tôi sẽ máu lửa hơn trong kinh doanh và quyết chiến, ăn thua hơn. Nhưng để chọn lựa giữa việc phải thành công bằng mọi giá và một tinh thần thoải mái thì tôi chọn cái thứ hai.

- Điều này có phải do anh sinh ra trong một gia đình có điều kiện nên không nhất thiết phải “quyết chiến” như những người khác?

Tôi thấy một người có “quyết chiến” hay không phụ thuộc nhiều vào tính cách cũng như nhận thức của mỗi người hơn là hoàn cảnh xuất thân của người đó.

Việc sinh ra trong một gia đình có điều kiện giúp một người có nhiều lựa chọn. Nhưng ngược lại, người đó cũng sẽ được trông chờ nhiều, có nhiều nghĩa vụ phải làm hơn, ít nhất là cho mọi người thấy là mình xứng đáng với những gì được số phận ưu ái, sắp đặt. Chưa kể ở điều kiện tốt sẽ có nhiều cám dỗ dễ khiến mình ảo tưởng hoặc đi sai đường. Con nhà nghèo thì thì ít bị kỳ vọng, dễ có động lực vươn lên vượt hoàn cảnh cũng như ít cám dỗ và thực tế hơn. Cuối cùng thì cuộc đời cũng khá công bằng.

Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên