MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân Nguyễn Thành Nam kể chuyện khởi nghiệp: "Nếu coi Việt Nam là đầm lầy thì mình phải là cá sấu"

“Tham” là điều cần thiết với giới trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp, “đa cấp” thực ra rất tốt nếu như tận dụng được nó... là những bài học được doanh nhân Nguyễn Thành Nam, nguyên CEO FPT chia sẻ tại toạ đàm mới đây.

Khởi nghiệp là khởi...cái gì?

“Khởi nghiệp tức là làm cái gì? Tôi đã nghe tranh luận rất nhiều, bán cà phê, bán phở có được coi là khởi nghiệp không?”, doanh nhân Nguyễn Thành Nam bắt đầu bài nói chuyện của mình với một câu hỏi.

Trên thực tế, dù khởi nghiệp đang là phong trào của cả xã hội, nhưng định nghĩa về “khởi nghiệp” vẫn chưa thật sự được thống nhất. Nhiều bạn trẻ hăm hở lao đầu vào startup mà chưa thật sự hiểu về nó.

“Chúng ta đã cãi nhau rất nhiều về định nghĩa này, thậm chí là định nghĩa thế nào là doanh nghiệp cũng chưa thống nhất được. Trong 7 – 8 năm tôi phải đi dạy, tôi đã tìm kiếm nó, cuối cùng, tôi đọc được từ cuốn Chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản có một ý kiến mà tôi tin là đúng”, ông Nam cho biết.

Theo đó, doanh nghiệp là nơi sử dụng vốn để tạo ra lợi nhuận, lợi nhuận đó phải đáp ứng được nhu cầu xã hội, doanh nghiệp cũng đồng thời phải thể hiện được tham vọng cá nhân của mình.

“Trả lời được doanh nghiệp là gì thì ít nhất phải nói được tham vọng cá nhân của người làm chủ là gì. Tương tự như thế, ít nhất, khởi nghiệp cũng phải nói được bạn muốn làm gì, tham vọng như thế nào, rồi mới đi tiếp được các bước khác”, vị doanh nhân này nhấn mạnh.

Bởi lẽ, khởi nghiệp, phần nào đó là thuyết phục người khác tin vào cái bạn đang làm, nếu không đủ tham vọng, khát vọng và niềm tin thì sẽ không thể thuyết phục được ai cả.

Cựu CEO của The Kafe Đào Chi Anh đã từng nói, trong quá trình đi gọi vốn của cô, cô đã gặp hàng chục, hàng trăm người, có những tuần, lịch gặp gỡ kín đặc. Mỗi lần gặp là một lần cô nói về giấc mơ của mình, lặp đi lặp lại hàng trăm lần như thế, và lần nào cũng đầy hào hứng, đầy sự đam mê.

“Bạn không đủ tham vọng, bạn chẳng thuyết phục được ai cả. Hồi chúng tôi thành lập FPT, tham vọng của chúng tôi là không để chết đói”, ông Nam cho biết.

Ông bảo, nghe có vẻ “tầm thường” nhưng thực chất nó là điều thiết thực, là động lực mạnh mẽ để từng ấy con người vươn lên. Bởi lẽ, nếu cao quá, dễ nảy sinh tâm lý nhanh chán dẫn đến nguỵ biện “không làm được hôm nay thì để đời sau nó làm”.

Doanh nghiệp khởi nghiệp ông cho rằng cũng cần phải có một cái văn hoá cốt lõi từ khi mới thành lập. Mỗi doanh nghiệp tồn tại bởi thứ mà nó tin vào, không doanh nghiệp nào giống nhau, giống như nếp nhà, mỗi nhà mỗi kiểu.

“Khởi nghiệp doanh nghiệp phải có khát vọng cá nhân, phải biết quan sát, đáp ứng nhu cầu xã hội, biết gọi vốn... nhưng trong quá trình đó cũng phải hình thành giá trị riêng của doanh nghiệp”, cựu TGĐ FPT kết luận.

Bài học từ những lần khởi nghiệp thời trai trẻ

“Năm 1996, tôi đã mở quán cafe Internet đầu tiên. Tên quán là Emotion cafe”, doanh nhân Nguyễn Thành Nam kể.

“Nó thất bại thảm hại, chỉ tồn tại được 1 năm rưỡi”, ông nói tiếp.

Ông cho biết, hồi đấy Internet chưa được phổ cập, ông mở quán với tham vọng cá nhân tạo sân chơi, dẫn dắt giới trẻ. Vốn là huy động từ bạn bè và vay trả góp thêm 10 cái máy tính. Nhưng những tính toán “chưa đến nơi đến chốn”, không thực sự hiểu nhu cầu của người dùng đã khiến cho quán chỉ toàn bọn “góp vốn” hay bạn bè thân thiết rồi cuối cùng đóng cửa.

“Lúc ấy không có ai có nhu cầu vừa gửi mail vừa uống cà phê. Khách đến chơi game là chính. Chơi game thì không uống cà phê, còn uống cà phê thì không thích không khí ồn ào của bọn chơi game”, ông Nam kể.

Tuy nhiên, nhờ thất bại đó ông hiểu được giá trị của tự do thông tin về giá trị của Internet để rất nhiều năm sau, đại học trực tuyến Funix ra đời.

“Lần thứ 2 là làm FPT Software, dự án này tôi thực hiện trong 15 năm”, ông Nam nói.

Bài học thu lượm từ dự án này, theo ông chính là “ra nước ngoài là để kiếm tiền chứ không phải tiêu tiền”, “1 đồng kiếm được ở nước ngoài sẽ thu thêm được 5 đồng tri thức”, về những câu hỏi “ngu” bắt buộc phải hỏi để bớt ngu hơn về sau...

Đến lần khởi nghiệp thứ 3 với CTCP Tái tạo sinh học bán mỹ phẩm năm 2007, ông và những người đồng sự nhận ra được giá trị của bán hàng đa cấp.

“Năm đầu tiên chúng tôi chỉ bán được 5 tỷ đồng vì sản phẩm chưa có thương hiệu. Năm sau bán hàng đa cấp thì bán được 80 tỷ đồng. Đừng bao giờ coi thường các công cụ, miễn là không làm sai pháp luật”, ông nhận xét.

Ngoài bài học về đa cấp, ông còn hiểu được quy luật sinh tồn thích nghi. Ông bảo, nếu coi Việt Nam là “đầm lầy” thì bản thân mình phải là “cá sấu”, “cá vàng” có thể chết nhưng “cá sấu” vẫn sống tốt, sống khoẻ, quan trọng là bản thân phải biết tương thích.

Sau này, đến tuổi 50, doanh nhân Nguyễn Thành Nam tái khởi nghiệp với lĩnh vực giáo dục, khởi đầu là Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT và sau đó khởi xướng dự án Funix, đại học trực tuyến 3 không: không giảng đường, không thầy giáo và không sách giáo khoa.

Những bài học của quá khứ, dù thất bại hay thành công đều đã trở thành kinh nghiệp để thực hiện những dự án mới trong tương lai. Còn tương lai của những dự án này là như thế nào, không ai biết trước được, nhưng chắc chắn, không một cái gì bị bỏ phí.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên