MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Doanh nhân tuổi Canh Tý] Ông Dương Công Minh: Một đời ‘chọn’ - ‘bỏ’

28-01-2020 - 10:40 AM | Doanh nghiệp

Đến năm 2020 là ông Dương Công Minh chạm mốc 60 tuổi. Với một công chức, đây là độ tuổi để họ có thể nghỉ ngơi, về vui vầy bên con cháu nhưng với một doanh nhân bản lĩnh như ông Minh con đường phía trước hãy còn rất dài.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam sinh năm 1960 (Canh Tý) –  theo lá số tử vi là thông minh, thành thạo nhiều thứ và rất chí thú.

Không biết lá số có ứng với tính cách, con người của ông Minh thật không, nhưng riêng việc vừa điều hành một Tập đoàn lớn như Him Lam lại vừa làm chủ một ngân hàng như ông Minh mà không tài, không thông thạo nhiều thứ thì chắc cũng chịu.

Cũng theo lá số tử vi tuổi này thì từ lúc nhỏ đến trung niên có rất nhiều sóng gió, phải vượt qua nhiều trở ngại khó khăn trong cuộc đời. Nếu ứng vào phần cuộc đời đã được ông Dương Công Minh kể lại có thể thấy cũng có nhiều phần đúng, với chuỗi quyết định lớn giữa "chọn" và "bỏ".

[Doanh nhân tuổi Canh Tý] Ông Dương Công Minh: Một đời ‘chọn’ - ‘bỏ’ - Ảnh 1.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank

 

Chọn vợ bỏ làm quan

"Chọn" và "bỏ" thực chất là 2 mặt của một vấn đề, là nguyên nhân và hệ quả trong các quyết định. Đầu tiên là ông Minh đã chọn vợ mà bỏ làm quan.

Tại một sự kiện, ông Dương Công Minh cho biết, đáng nhẽ ông đã được sắp xếp vào một vị trí để làm quan, ông hội đủ các tố chất như có người đỡ đầu làm trong ngành quân đội, tốt nghiệp đại học chính quy, gia đình cách mạng, học hết đại học thì đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng cuối cùng vì chọn vợ nên ông đã từ bỏ sự nghiệp làm quan.

Ông yêu vợ bây giờ là con gái của một quan chức thuộc chế độ cũ ở Sài Gòn. Trước sự can ngăn của đơn vị, cơ quan, ông vẫn quyết cưới bằng được người mình yêu, đồng nghĩa với việc không thể thăng tiến trên con đường sự nghiệp.

Sự quyết liệt, dấn thân ấy không chỉ thể hiện trong cách ông Minh chọn vợ, mà nó làm nên bản lĩnh của ông trên thương trường, là nền tảng của những thương hiệu như "Minh Xoài", "Minh Him Lam" hay bây giờ là "Minh Sacombank".

Chọn làm bất động sản, bỏ buôn xoài

Ông Dương Công Minh có biệt danh "Minh Xoài" vì từng đi buôn xoài. Ban đầu, ông làm quản lý toàn bộ công việc xuất khẩu hàng của quân đội ở phía Nam, các mặt hàng lâm sản, thủy sản, nông sản như xoài đi Pháp, chuối đi Anh, tôm cá đi Nhật... Hết nghĩa vụ quân sự ông quay về quê mình là Bắc Ninh thì gặp người bạn ở công ty xuất nhập khẩu Hà Bắc rủ làm kinh doanh xuất khẩu chuối, xoài, thanh long sang Trung Quốc.

Ông Minh kể ngày xưa xoài rất hiếm nên khi đó chỉ xuất đi Pháp chừng 5-10 tấn, nhưng phía Trung Quốc lại có nhu cầu rất lớn nên mỗi năm ông xuất từ 2-3 xe. Việc kinh doanh xem ra phát đạt bởi lãi nhiều, thậm chí 1 lời 1. Dần dần làm ăn lớn, ông Minh phụ trách 10 xe, những năm 1989 mỗi xe xoài lời khoảng 100 triệu đồng và ông có lãi chừng 2 tỷ đồng – con số rất lớn khi đó. Nhưng đúng lúc quyết làm ăn lớn thì ông bị phá sản vì xoài bởi dính lô hàng xoài non, mất hết cả vốn lẫn lãi.

Vì thua lỗ, ông Minh đã phải bán nhà lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, khi đó dịch vụ làm thủ tục pháp lý chuyển nhượng căn nhà phải trả chi phí rất cao mất tới 1/7 căn nhà. Vì thế, ông Minh đã tự tìm hiểu và nhờ bạn bè giúp đỡ làm thủ tục, chỉ mất 1/10 chi phí. Cũng từ đó, ông Minh quyết định bỏ buôn xoài, nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp lần 2, lập trung tâm dịch vụ nhà đất vào khoảng những năm 1991.

"Khi lập nghiệp có thể bạn âm về tiền nhưng chúng ta cần phải có dương về kiến thức, dương về bản lĩnh…tức là phải có gan làm giàu" ông Dương Công Minh chia sẻ.

Sau đó, ông Minh tiếp tục thành lập Him Lam vào hồi năm 1994, là doanh nghiệp tư nhân ngoài quốc doanh đầu tiên ở TP. HCM kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ông Minh sở hữu tới 99% vốn của Him Lam. Sau này, Tập đoàn Him Lam không chỉ đầu tư nhà để ở, mà có hơn 20 công ty con, công ty liên kết đủ lĩnh vực, từ bất động sản, tài chính ngân hàng, viễn thông, xây dựng đến sản xuất, thương mại dịch vụ, nhân lực, khai khoáng...

Chọn Sacombank, "bỏ" Him Lam

Ông Dương Công Minh chính thức tham gia thị trường tài chính khi thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008, với vốn điều lệ ban đầu là 3.300 tỷ đồng.  Đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp Nhà nước là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỷ đồng. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Nhờ vậy, ngân hàng LienVietPostBank đã rất thành công so với các ngân hàng khai sinh cùng thời. Và cũng vì vậy ông Minh từng nói làm ngân hàng dễ hơn làm bất động sản. Tại LienVietPostBank, Him Lam là cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%.

Khi ông Minh ở LienVietPostBank có một sự việc hy hữu đã xảy ra, trên trang web của Hội đồng dòng họ Dương Việt Nam có thông báo LienVietPostBank ưu tiên tuyển dụng cán bộ nhân viên họ Dương vào làm việc tại các phòng giao dịch mới ở các huyện trên các tỉnh thành. Thông báo này do ông Dương Công Minh - Phó chủ tịch Hội đồng dòng họ Dương Việt Nam, cũng là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank ký. Dù việc ưu ái này gây ra nhiều tranh cãi, trong cũng cho thấy vai trò của ông Minh ở LienVietPostBank là rất lớn.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2017 ông Dương Công Minh đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT LienVietPostBank để tham gia tái cơ cấu Sacombank. Đến cuối tháng 6/2017 ông Dương Công Minh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phước Thanh, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc Sacombank mời ông Dương Công Minh tham gia vào quá trình tái cơ cấu - một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản là một lựa chọn tốt với kỳ vọng ngân hàng sẽ gỡ được nút thắt nợ xấu vốn gắn chặt với khối lượng tài sản thế chấp khổng lồ là bất động sản.

Khi chọn về làm Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh đã làm được những việc tưởng chừng như không thể là xử lý nợ xấu và đưa ngân hàng có lãi trở lại.

Theo cập nhật mới nhất của Sacombank, kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 3.217 tỷ đồng, vượt 21,4% so với kế hoạch đã cam kết tại ĐHĐCĐ. Sacombank cũng đã ứng dụng Basel II vào hoạt động từ ngày 01/01/2020 theo đúng lộ trình của thông tư 41. Mục tiêu trọng tâm trong năm 2020 là gia tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển quy mô và thị phần, cải thiện các chỉ số tài chính, quyết liệt xử lý nợ xấu và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng...

Dường như Sacombank đang trở lại. Cũng vì những cống hiến ấy của ông Minh mà cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới doanh nhân cùng tuổi (1960) khi đã làm chủ tịch Sacombank, tái cơ cấu ngân hàng thành công tại hội nghị tổng kết ngân hàng mới đây.

Ngày 15/8/2017, khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội có hiệu lực, yêu cầu một người không được vừa làm chủ ngân hàng lại vừa làm chủ doanh nghiệp đã đặt ông Dương Công Minh trước lựa chọn hoặc là ngân hàng hoặc là doanh nghiệp. Vì thế, ông Minh đã quyết định chọn làm ngân hàng, "bỏ" Him Lam.

Về mặt hình thức tưởng rằng đây là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên, dường như thương hiệu "Minh Him Lam" vẫn còn nguyên giá trị.

Nếu theo sát các hoạt động của Him Lam sẽ thấy ông Minh chưa bao giờ đánh mất vai trò với Tập đoàn. Cùng với đó, theo cập nhật tin tức sự kiện của himlam.com (trang web chính thức của Tập đoàn Him Lam) không khi nào thiếu hình ảnh của ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch Him Lam, Chủ tịch Sacombank.

Nói về vai trò của mình tại Him Lam, ông Minh từng cho biết: "Him Lam một tay tôi làm nên, từ tiền của tôi vay nặng lãi, từ cái đầu của tôi, từ tính cách của tôi. Mỗi sản phẩm Him Lam là do chính tay tôi xem bản vẽ, thi công" và "Tôi đã đào tạo và chuẩn bị sẵn một hệ thống cùng điều hành Him Lam. Sẽ đến lúc con trai tôi trưởng thành và tự điều hành được Him Lam". Có thể thấy vai trò lãnh đạo, sắp xếp, tổ chức hoạt động ở Him Lam của ông Minh là không thể thay thế và nếu có thay thế thì đó cũng là bởi con trai của ông.

Đến năm 2020 là ông Dương Công Minh chạm mốc 60 tuổi. Với một công chức, đây là độ tuổi để họ có thể nghỉ ngơi, về vui vầy bên con cháu nhưng với một doanh nhân bản lĩnh như ông Minh con đường phía trước hãy còn rất dài. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Sacombank, ông Dương công Minh đã cam kết với cổ đông rằng "5 năm không tái cơ cấu xong Sacombank tôi sẽ ra đi" cùng với đó là lời hứa sẽ cố gắng trả cổ tức sau 5 năm tái cơ cấu ngân hàng.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

Trở lên trên