Doanh nhân Việt cần tiên phong đột phá
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, trong thời đại hiện nay, Việt Nam muốn vươn mình, thể hiện mình với thế giới, chỉ có cách là phát triển kinh tế mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi sự tiên phong của các doanh nghiệp, doanh nhân, tập trung phát triển thương hiệu hàng hóa Việt chất lượng cao, “thể hiện” với thế giới như nhiều quốc gia đã từng làm.
- 13-10-2024Doanh nhân Việt vươn mình cùng dân tộc
- 13-10-2024Tăng gần 70% từ đầu năm, tài sản của ông Trương Gia Bình và các lãnh đạo chủ chốt FPT cán mốc 1 tỷ USD
- 13-10-2024Làm chủ sân nhà: Ông Phạm Nhật Vượng và Trần Đình Long 'bá chủ' 2 ngành công nghiệp nặng tại miền bắc, các doanh nhân miền nam ‘chiếm lĩnh’ thị trường bán lẻ
Phải tự đứng trên đôi chân của mình
Thưa ông, trong những phát biểu chỉ đạo, lãnh đạo mới đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh định hướng phát triển kinh tế - xã hội đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ông nghĩ chúng ta cần làm gì để thực hiện điều đó, đặc biệt là với các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân ?
Nói đến chuyện “vươn mình” thì việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một yêu cầu bắt buộc. Trong thời đại hiện nay, chúng ta có vươn mình, thể hiện mình ra với thế giới được hay không thì chỉ có cách là phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Chúng ta cần tập trung phát triển hàng hóa, thương hiệu của mình, để từ đó thể hiện mình với thế giới như các quốc gia Nhật Bản, Đức... đã từng làm. Như vậy, rõ ràng, trọng trách này đặt lên vai các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân của cả nước.
Vừa qua, tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn các doanh nghiệp có những đề xuất, đóng góp để nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Các doanh nghiệp phải đi đầu, tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng, có thương hiệu để cạnh tranh với các sản phẩm tinh túy của thế giới. Đây là một trong những điều chúng ta đang mong muốn. Rõ ràng, các doanh nghiệp lớn phải là những cánh chim đầu đàn tạo ra liên kết, chuỗi sản xuất, tận dụng được năng lực sẵn có, cải tiến mạnh mẽ để khẳng định mình với thế giới.
"Các doanh nghiệp, doanh nhân cần có sự liên kết, phối hợp để tạo ra các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới mang tính thuần Việt để tự tin, “tự chủ đứng trên đôi chân của mình”, sánh bước với cộng đồng quốc tế".
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Chúng ta đã trải qua gần 40 năm đổi mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm định hướng, hiện nay, chúng ta phải tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển đất nước. Rõ ràng, thế và lực của Việt Nam đã khác nhiều so với trước đây, thưa ông?
Có một thực tế không ai có thể phủ nhận được, kinh tế xã hội Việt Nam từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay đã có bước phát triển rất mạnh mẽ. Mức phát triển đó không chỉ thể hiện ở con số tăng trưởng GDP, mà nó còn thể hiện ở thu nhập bình quân đầu người tăng gấp nhiều lần so với thời điểm đó. Năm 1986, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam rất thấp, hiện đã tăng rất nhiều, lên tới hơn 4.000USD. Rõ ràng, chúng ta tăng trưởng rất tốt.
Một kết quả khác, chúng ta xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả. Thời điểm trước đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, dù mức chuẩn nghèo thấp. Hiện nay, chuẩn nghèo theo tiêu chí mới đã cao hơn nhiều, nhưng số lượng hộ nghèo giảm nhanh. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chúng ta là điểm sáng, dẫn đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên thế giới. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội cũng được thu hẹp, đó là thành tựu rất lớn, thể hiện sự công bằng xã hội.
Những thành tựu đó chứng tỏ sự phát triển toàn diện của nền kinh tế. Cùng với nội lực, chúng ta đã thu hút được rất lớn nguồn lực từ vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng hiện nay, đã đến lúc chúng ta dần dần phải “tự đứng trên đôi chân của mình”. Đó là việc đương nhiên. Quốc gia nào cũng vậy, chỉ có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong một thời gian nhất định. Khi lợi ích bão hòa, nếu không phát triển tự thân, mà “vẫn đi làm thuê” thì không được.
Nói điều này để thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp , đội ngũ doanh nhân phải phát huy vai trò của mình, tiên phong trong việc tạo ra các giá trị hàng hóa mới, đi vào những lĩnh vực mới.
Các doanh nghiệp, doanh nhân cần có sự liên kết, phối hợp để tạo ra các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới mang tính thuần Việt để tự tin, “tự chủ đứng trên đôi chân của mình”, sánh bước với cộng đồng quốc tế. Nếu không làm được điều đó, chúng ta không thoát khỏi kiếp làm thuê.
Đột phá từ chuyển đổi số
Trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghệ đang phát triển như hiện nay, rõ ràng có nhiều thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tận dụng cơ hội phát triển, thưa ông?
Cách mạng công nghệ, chuyển đổi số không những là nguồn lực cho phát triển mà nó còn tạo ra bước đột phá để chúng ta có thể chuyển sản xuất tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu bằng việc tăng năng suất lao động, sản xuất các mặt hàng tinh xảo và có giá trị cao để xuất khẩu ra thế giới. Đó chính là cơ hội của chúng ta cần phải tận dụng.
Vì thế, phải nắm bắt xu thế phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, từ đó có những bước tiến nhanh chóng với công nghệ cao, hướng tới năng suất lao động cao để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Chúng ta cũng cần thích ứng với các ngành sản xuất công nghệ số, kỹ thuật cao, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân phải hướng đến điều này, phải có sự liên kết chặt chẽ. Dù Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, nhưng so với thế giới vẫn còn khiêm tốn, còn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Cho nên, doanh nghiệp Việt cần liên kết, phối hợp với nhau để tận dụng cơ hội đang rất lớn hiện nay.
Nhưng hiện nay, theo đánh giá, vẫn còn một số rào cản nhất định để doanh nghiệp “vươn mình”, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục cải cách hành chính, thưa ông?
Cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính chúng ta đã và đang làm. Hiện nay, trong bối cảnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính đi liền với số hóa. Điều này thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi, áp dụng số hóa, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các kho dữ liệu lớn phục vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Rõ ràng nếu thực hiện số hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp giảm các chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, liên doanh, liên kết với đối tác trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả hơn.
Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chúng ta thấy rằng, việc số hóa sẽ giúp cho các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp minh bạch hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tiền Phong