MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh thu FDI tại Hà Tĩnh giảm 80% 9 tháng đầu năm

Formosa một trong những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất tại Hà Tĩnh. Ảnh Trương Hoa

Formosa một trong những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất tại Hà Tĩnh. Ảnh Trương Hoa

Doanh thu của khu vực FDI đến tháng 9/2022 tỉnh Hà Tĩnh đạt 3 tỷ USD, tương đương 70.270 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tương đương 25.247 tỷ đồng, giảm 17,7%.

Đây là số liệu từ báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 17/9.

Hà Tĩnh hiện có 68 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 16 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… với đa dạng các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, thương mại dịch vụ…

Cho dù 9 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng tích cực. Kim ngạch nhập khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tương đương 55.000 tỷ đồng (tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021); vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 280 triệu USD, tương đương 6.530 tỷ đồng, (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021).

Tuy nhiên, doanh thu của khu vực FDI đến tháng 9/2022 chỉ đạt 3 tỷ USD, tương đương 70.270 tỷ đồng (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021); xuất khẩu chỉ đạt 1,1 tỷ USD, tương đương 25.247 tỷ đồng (giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2021).

Về nguyên nhân là do một số doanh nghiệp FDI như Formosa Hà Tĩnh có tỷ trọng giá trị công nghiệp cao gặp khó khăn trong sản xuất từ đầu năm đến nay.

Thế nhưng phải khẳng định một điều rằng, sự "đổ bộ" một lượng vốn lớn từ doanh nghiệp FDI thời gian qua, nhất là Formosa đã làm đầu kéo vận hành tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh lên tầm cao mới. Trong đó, đã có sự "dịch chuyển" đáng kể dòng vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ các nhà đầu tư như: Tập đoàn Vingroup, T&T, Hoành Sơn... nhằm phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại, tạo điều kiện để Hà Tĩnh đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh lập Quy hoạch tổng thể tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những định hướng điều chỉnh lớn là tăng cường thu hút đầu nguồn vốn từ doanh nghiệp FDI, nhằm phát huy tối đa hiệu quả và khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh.

Để tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tỉnh Hà Tĩnh đang áp dụng chính sách ưu đãi cụ thể cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các vấn đề quan trọng nhất là thuế và đất cho thuê trong một số lĩnh vực đặc biệt như ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao…

Chia sẻ về chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án có sản phẩm chứa hàm lượng giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các dự án sản xuất điện gió, điện quang, điện sinh học; các dự án xử lý rác thải, nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Trong đó, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo Trương Hoa

Nhà đầu tư

Trở lên trên