MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh thu giảm chục tỷ đồng, đóng 30 nhà hàng, đến "đại gia" Golden Gate cũng "đau đầu" vì cơn địa chấn Covid-19, tương lai ngành F&B Việt Nam sẽ ra sao?

20-03-2020 - 15:45 PM | Doanh nghiệp

Covid-19 được xem như bài kiểm tra sức khỏe và khả năng đề kháng của các doanh nghiệp F&B. Những cái tên còn lại trên thị trường lúc này đều đang tìm mọi giải pháp để trụ lại như thắt lưng buộc bụng, giảm chi phí gián tiếp như điện nước, hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên.

Cơn địa chấn với ngành F&B

Nhiều chuyên gia gọi Covid-19 là cơn địa chấn và ngành dịch vụ nhà hàng và ăn uống (F&B) có thể xem là ở tâm chấn khi chịu tác động nặng nhất. Hàng loạt nhà hàng, cửa hàng ăn uống không thể trụ lại và rời khỏi thị trường khi xuất hiện hàng loạt mặt bằng trống tại các vị trí đắc địa tại Hà Nội hay Tp. HCM. Rất nhiều khó khăn đang đè nặng lên doanh nghiệp.

Mặc dù có nội lực mạnh hơn các hàng quán nhỏ lẻ, nhưng nhiều chuỗi cửa hàng ẩm thực lớn cũng đang có dấu hiệu xuống sức vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

"Để thuê trong khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội thì trung bình tiền thuê mỗi mặt bằng rơi vào khoảng 200 đến hơn 200 triệu đồng. Vốn mình chuẩn bị cũng đã cạn kiệt rồi", ông Bùi Tuấn- Đại diện công ty TNHH Thương mại dịch vụ Golden bell Hà Nội trả lời phỏng vấn VTV.

Một số nhà hay chuỗi khác như Bếp Cụ Nho, Viva Star Coffee cho biết, doanh thu hàng này không đủ để chi trả tiền mặt bằng, thậm chí giảm 60%. Những nhà hàng này buộc phải cắt giảm chi phí nhân sự, điện nước, thậm chí nếu dịch kéo dài sẽ buộc phải đóng cửa, chuyển đổi mô hình kinh doanh.

"Trong trường hợp xấu nhất không thể thương lượng với chủ nhà thì bài toán bây giờ làm sao để trụ lại, hạn chế các chi phí", chị Đặng Thị Hồng Ngọc - Giám đốc điều hành nhà hàng Pachi Pachi cho biết.

Với những gã khổng lồ như Golden Gate hay Redsun cũng không ngoại lệ thậm chí cũng phải chọn hướng đóng cửa một số địa điểm. Cụ thể "đại gia" F&B Golden Gate với kinh nghiệm 14 năm trên thị trường cũng không tránh khỏi thiệt hại.

Ngày 12/3 trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Hà Thúc Tú, Giám đốc chi nhánh miền Nam của Golden Gate Group, chia sẻ, tại Hà Nội, Golden Gate chỉ đóng tạm vài nhà hàng ở các trung tâm thương mại, có thể cuối tuần ổn hơn thì mở lại. "Lý do chúng tôi đóng cửa là do quá ít khách. Miền Nam thì chưa đóng cửa hàng nào. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình kinh doanh", ông Tú cho biết. Tuy nhiên đến ngày 16/3, trên trang Fanpage của tập đoàn này tiếp tục thông báo đóng cửa thêm nhiều nhà hàng.

Doanh thu giảm chục tỷ đồng, đóng 30 nhà hàng, đến đại gia Golden Gate cũng đau đầu vì cơn địa chấn Covid-19, tương lai ngành F&B Việt Nam sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Golden Gate thông báo tạm dừng hoạt động một số nhà hàng.

Thông tin từ VTV cho biết, doanh thu trên toàn hệ thống Golden Gate sụt giảm lên tới hàng chục tỷ đồng, hơn 30 nhà hàng trong hệ thống phải dừng hoạt động.

Các doanh nghiệp tìm cách cứu mình

Từ một đại gia cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tiếp tại nhà hàng, trước đây chẳng mấy khi mang đến phục vụ khách ship đồ mang đi, đợt dịch này đã khiến Golden Gate phải thay đổi hẳn chiến lược kinh doanh, bước đầu tìm đến bán hàng trực tuyến. Đội ngũ nhân sự trước kia phục vụ hệ thống nhà hàng giờ phải học lại những bước để giao hàng online. Doanh thu từ kênh mới chưa phải là lớn nhưng cũng đủ dòng thu để duy trì cho giai đoạn khó khăn.

"Chúng tôi cũng đã bắt đầu từng bước chuyên nghiệp hóa dịch vụ delivery (giao hàng) bằng cách tạo ra những menu, combo với giá hợp lý để phục vụ đến tận các gia đình. Chúng tôi cũng đã chuyên nghiệp hóa tất cả các công cụ dụng cụ vận chuyển và đây cũng sẽ là kênh chúng tôi sẽ đẩy mạnh sau khi hết dịch. Và sẽ là một trong những kênh phát triển ngoài các nhà hàng hiện tại đang phục vụ khách hàng", ông Hoàng Quốc Khánh - Giám đốc vận hành Golden Gate trả lời về cách ứng phó của tập đoàn này trước Covid-19.

Những hệ thống nhà hàng khác ít tiềm lực hơn lựa chọn cách tận dụng tối đa nền tảng đặt đồ ăn của các đối tác trực tuyến như Now, GrabFood, Gofood. Do đó khách đến quán có giảm nhưng lượng khách đặt qua kênh này với nhà hàng thuộc công ty Kamo tăng tới 20%.

"Đẩy mạnh delivery. Ngoài ra bên mình tự làm tặng nước ép tăng sức đề kháng trong mùa dịch, liên kết hệ thống giao hàng lớn để khuyến khích khách hàng sử dụng app giao hàng đó. Giao hàng đến tận nhà, khuyến mãi với mức hợp lý ", bà Cung Thị Thùy Linh - Quản lý thương hiệu công ty Kamo cho biết.

Theo hãng nghiên cứu tư vấn Savills Việt Nam, dịch Covid-19 là một trong những yếu tố thúc đẩy nhiều hơn cho việc mua hàng, mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm cho người sử dụng đánh giá được sự tác động của công nghệ đối với cuộc sống của mọi người và doanh nghiệp.

Dù vậy mức chiết khấu cho mỗi đơn hàng phải trả cho các doanh nghiệp đặt đồ ăn hiện khá cao ở mức 12-15% chưa kể đến khoảng vài chục phần trăm nữa để khuyến mãi thu hút người dùng đặt món online. Với các doanh nghiệp nhỏ không đủ tiềm lực xây kênh online cho mình mà phải phụ thuộc vào các nền tảng trực tuyến thì chuyển qua online chưa hẳn đã là phao cứu sinh.

Cú huých lớn về chuyển đổi mô hình kinh doanh

Với cơn địa chấn covid-19 nhiều người cho rằng đây như là một đợt chọn lọc tự nhiên. Với cuộc chọn lọc tự nhiên này kẻ tồn tại chưa chắc là kẻ mạnh nhưng chắc chắn là người có mô hình kinh doanh hiệu quả. Kịch bản của kinh doanh F&B sau cơn địa chấn này cũng đã được dự báo.

Khi thị trường thanh lọc sẽ chỉ còn lại một số cái tên. Thống kể của D’corp R-Keeper Việt Nam cho thấy, cả nước có 540.000 cửa hàng ăn uống nhưng 80% thị trường vẫn nằm ở mảng thức ăn đường phố với khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ. Mô hình chuỗi, có đầu tư chỉ chiếm 15%. Và dự báo thị trường sẽ có sự sắp xếp lại sau khi dịch đi qua bởi các quán ăn nhỏ lẻ đã đóng cửa rất nhiều.

Doanh thu giảm chục tỷ đồng, đóng 30 nhà hàng, đến đại gia Golden Gate cũng đau đầu vì cơn địa chấn Covid-19, tương lai ngành F&B Việt Nam sẽ ra sao? - Ảnh 2.

"Những người nhỏ, mô hình nhỏ khác họ sẽ tham gia vào tuy nhiên thị trường sẽ phân cực rõ nét hơn. Những công ty rất lớn và những người làm nhỏ lẻ vẫn tồn tại song song nhưng tỷ trọng sẽ được phân bổ lại", ông James Dương Nguyễn - Tổng giám đốc D’corp R-Keeper Việt Nam phân tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng với Covid-19 các doanh nghiệp F&B sẽ phải học cách thích ứng nhanh - hồi phục nhanh, và không nơi đâu giải quyết vấn đề này tốt hơn môi trường số. Những mô hình mới với ngành F&B Việt Nam cũng sẽ thể hiện rõ hơn.

"Những mô hình hồi đó đến giờ mình nói rất nhiều về mô hình sử dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh, mô hình nhà hàng ảo, mô hình phục vụ tận nhà InHome Delivery, mô hình nhận dịch vụ hàng hóa định kỳ… Những mô hình mới này trên thế giới đã chuyển động rất hot trong nhiều năm qua, mọi người có biết đến nhưng coi nó như là một món quà đẹp họ sẽ đụng vào khi có thời gian. Thì bây giờ nó bị lật ngược, những mô hình này sẽ trở thành những mô hình cứu sống họ trong cơn khủng hoảng này. Sau cơn khủng hoảng sẽ là sự chuyển đổi rất ngoạn mục về mô hình kinh doanh ", bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia trả lời phỏng vấn VTV.

Cũng theo chuyên gia, những chuỗi lớn tuy có lợi thế về dữ liệu khách hàng nhưng với quy mô cồng kềnh quá trình chuyển đổi từ offline lên online cũng sẽ gian truân hơn các doanh nghiệp nhỏ hay cửa hàng nhỏ lẻ hơn rất nhiều.

Tuy nhiên đổi lại, một trong những yếu tố thành công của các chuỗi F&B là khả năng nhanh nhạy, nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng vốn thay đổi thường xuyên. Cũng chính sự linh hoạt thích nghi này cũng là tiêu chí quan trọng để giúp các chuỗi F&B tồn tại qua đợt chọn lọc khắc nghiệt mang tên Covid-19 lần này.

Doanh thu giảm chục tỷ đồng, đóng 30 nhà hàng, đến đại gia Golden Gate cũng đau đầu vì cơn địa chấn Covid-19, tương lai ngành F&B Việt Nam sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên