MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Độc quyền thanh toán điện tử: Bài học từ Alipay và Tenpay

Cả hai ứng dụng này đang thống lĩnh thị trường thanh toán tại Trung Quốc.

Năm 2014, khi Alipay, dịch vụ thanh toán của Tập đoàn Alibaba, bị hàng loạt các ngân hàng quốc doanh ì trệ tấn công, Jack Ma đã tuyên bố: "Hãy để người tiêu dùng quyết định kẻ chiến thắng, chứ không phải là độc quyền và quyền lực". Sáu năm sau đó, người tiêu dùng dùng đã đưa ra lựa chọn, và Aipay cùng với đối thủ của mình, Tenpay – hay còn được biết đến là WeChat Pay, đã chiến thắng. 

Hai ứng dụng này cùng tạo nên một thế độc quyền lưỡng cực tại Trung Quốc, khi Alipay chiếm 54% và Tenpay chiếm 39% thị phần của toàn thị trường thanh toán di động tính về giá trị (số liệu của đơn vị nghiên cứu thị trường Analysys). Và thanh toán di động hiện đang chiếm hơn một nửa giá trị thanh toán bán lẻ không dùng tiền mặt tại Trung Quốc (xem biểu đồ dưới đây).

Độc quyền thanh toán điện tử: Bài học từ Alipay và Tenpay - Ảnh 1.

Không có gì bất ngờ khi những thế lực mới nổi giờ lại phải đối mặt với câu hỏi về sức mạnh thị trường mà các công ty này đang nắm giữ. Theo Reuters, ngân hàng trung ương buộc tội các công ty này đang lạm dụng vị trí thống lĩnh để hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Ngày 31/7 vừa qua, Reuters đưa tin Ủy ban chống độc quyền của chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc việc điều tra các công ty này, mặc dù chưa đưa ra quyết định chính thức.

Alipay và Tenpay chắc chắn sẽ không cảm thấy dễ chịu về sự giám sát chặt chẽ này. Theo các công ty này, những thành công ngày nay của họ dựa trên sự thuận tiện và hiệu quả tốt của các dịch vụ, chứ không phải với các hành vi phản cạnh tranh. Alipay ban đầu chỉ là một dịch vụ cho người mua hàng trên Alibaba, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Còn WeChat Pay là một dịch vụ phái sinh từ WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến của quốc gia này. Các ứng dụng dần được chuyển sang sử dụng ngoại tuyến bằng cách cho phép người dùng quét mã QR bằng điện thoại di động để thanh toán tại các cửa hàng.

Alipay và Tenpay rất được lòng cả người bán lẫn người mua nhờ tính an toàn và đáng tin cậy. Và các ứng dụng này cũng không phải ngoại lệ trong thế giới Internet khi chúng được hưởng lợi lớn từ hiệu ứng mạng lưới: bất cứ ai muốn thực hiện hoặc nhận thanh toán điện tử thường không có lựa chọn nào khác ngoài Alipay hoặc WeChat Pay, vì xung quanh họ ai cũng dùng như vậy.

Với sự thống lĩnh như vậy, việc lạm dụng vị trí thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra. Một ví dụ tương tự cũng tồn tại ở các nước phát triển, khi Visa và Mastercard là hai nền tảng thanh toán chính xử lý các thanh toán bằng thẻ. Các công ty này đã phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền tại Mỹ, Anh và châu Âu.

Alipay và Tenpay đã có một số hành động có dấu hiệu phản cạnh tranh, dù chủ yếu họ thường nhắm tới nhau. Ví dụ, trong ứng dụng WeChat, bạn sẽ không thể mở các đường dẫn tới các sản phẩm đăng tải trên trang mua hàng của Alibaba. Tương tự, trên Alibaba, bạn sẽ không thể thanh toán bằng Tenpay.

Tuy vậy, đối với hệ thống tài chính nói chung, Alipay và Tenpay đã thúc đẩy, thay vì ngăn chặn, sự cạnh tranh. Chỉ cách đây khoảng 10 năm, ngành ngân hàng tại Trung Quốc vẫn còn rất nhiêu khê, đòi hỏi hàng đống thủ tục và giấy tờ phức tạp. Alipay và Tenpay đã buộc các ngân hàng phải bước vào kỷ nguyên trực tuyến. Hai công ty này cũng giúp người dùng tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm tài chính, cho phép họ nhận được lợi nhuận tốt hơn so với các sản phẩm của các ngân hàng.

Nhìn hẹp hơn, Alipay và Tenpay đã giúp cải thiện môi trường thanh toán. Công nghệ phía sau của hai công ty này tương đối đơn giản, chỉ cần có điện thoại di động. Giờ thì cả những cửa hàng bán trái cây nhỏ nhất cũng đã có thể nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Các ứng dụng này cũng giúp cắt giảm chi phí, khi họ chỉ tính một khoản phí 0,6% trên giao dịch đối với người bán, thấp hơn mức phí 1% khi quẹt thẻ thanh toán trả trước trước đây.

Các nhà quản lý đã bắt đầu đặt ra các rào cản đối với Alipay và Tenpay. Ngân hàng trung ương đã giới hạn quy mô các khoản thanh toán họ được phép xử lý. Hai công ty cũng buộc phải giữ tiền của khách hàng trong một tài khoản dự trữ không lãi suất, để làm giảm lợi nhuận đến từ việc gửi tiền. Ngân hàng trung ương cũng xây dựng một nền tảng bù trừ tập trung mang tên NetsUnion, và bắt buộc Alipay và Tenpay phải sử dụng nền tảng này để tránh việc sở hữu các dữ liệu giao dịch độc quyền của hai công ty này.

Một số chuyên gia trong ngành thanh toán có lời giải thích khác cho việc điều tra chống độc quyền này. UnionPay, một doanh nghiệp quốc doanh, từng là công ty duy nhất xử lý các khoản thanh toán bằng thẻ tại Trung Quốc. Khi thị trường phát triển, công ty này phải vật lộn để theo kịp Alipay và Tenpay, và chỉ là một bên không đáng kể trong ngành thanh toán di động. 

Rất nhiều cán bộ cấp cao tại UnionPay, bao gồm các giám đốc bộ phận, là những cựu quan chức tại ngân hàng trung ương. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính công bằng của ngân hàng trung ương khi quản lý các đối thủ cạnh tranh của UnionPay.

Hiện vẫn chưa có thông tin về thời gian bắt đầu cuộc điều tra nói trên. Thông báo về cuộc điều tra được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Ant Group, công ty mẹ của Alipay, công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đây là một sự kiện đã được mong chờ từ lâu, giúp công ty này có thể huy động tới 30 tỷ USD và trở thành đợt bán cổ phiếu lớn nhất thế giới từ trước đến nay. 

Nếu không phải là một âm mưu phá đám sự kiện nói trên, thì cuộc điều tra sẽ là một lời nhắc nhở đối với các công ty rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ đối các ông lớn công nghệ.

Thư Thư

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên