MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dốc sức cho các dự án lớn

TP HCM đang gấp rút triển khai hàng loạt dự án lớn, phấn đấu trong quý I/2024 giải ngân 10%-12% trong tổng vốn đầu tư công giải ngân gần 80.000 tỉ đồng của năm 2024.

Trong năm 2024, TP HCM dự kiến chi hơn 24.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn đầu tư công. Nếu làm tốt, làm sớm công tác bồi thường thì sẽ tạo tiền đề thuận lợi để chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt 95% sớm về đích như quyết tâm của lãnh đạo thành phố đề ra.

Tập trung giải phóng mặt bằng

Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố, TP Thủ Đức có số vốn bồi thường lớn nhất - hơn 9.000 tỉ đồng - với nhiều dự án lớn, trong đó có dự án đường Vành đai 2.

Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết Tổ Công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (Tổ Công tác 2591) của TP HCM vừa làm việc với UBND TP Thủ Đức, thống nhất ngày 3-2 sẽ tổ chức lễ phát động triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2; phấn đấu giải ngân đạt 95% trong năm nay.

Dự án đường Vành đai 2 gồm 2 đoạn. Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài 3,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỉ đồng. Theo kế hoạch, từ quý I/2024 đến quý II/2025 sẽ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho khoảng 600 hộ ảnh hưởng bởi dự án. Công trình khởi công từ quý II/2025, hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2026.

Đoạn 2 của dự án từ đường Võ Nguyên Giáp (trước đây là xa lộ Hà Nội) đến Phạm Văn Đồng dài gần 2,5 km, tổng mức đầu tư 4.543 tỉ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng được tách riêng thành dự án độc lập do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí khoảng 1.956 tỉ đồng. Dự án sẽ tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng từ quý II/2024 đến quý II/2025; khởi công trong quý III/2025 và hoàn thành thông xe vào quý II/2027.

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho hay nhiệm vụ trọng tâm của quận năm nay là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án rạch Xuyên Tâm với 350 tỉ đồng. Thường trực UBND quận Gò Vấp cũng vừa thông qua việc ban hành kế hoạch thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, quý I/2024 giải ngân 23,5% và đến quý IV sẽ đạt hơn 97%.

Quận 8 là một trong số những địa phương có vốn bồi thường cao, với hơn 3.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bờ Bắc kênh Đôi dự kiến di dời hơn 1.000 căn nhà với số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng lên đến 2.700 tỉ đồng. Dự án này vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM bổ sung vào danh mục thu hồi đất (4,8 ha). Quận 8 được giao nhiệm vụ quyết liệt triển khai dự án để kịp bàn giao mặt bằng trong giai đoạn quý II/2024.

Dốc sức cho các dự án lớn - Ảnh 1.

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bờ Bắc kênh Đôi (phía quận 8, bên phải) dự kiến di dời hơn 1.000 căn nhà với số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng lên đến 2.700 tỉ đồng

Tăng tốc dự án Vành đai 3

Về tiến độ dự án đường Vành đai 3, theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt là Ban Giao thông; chủ đầu tư dự án), hiện có 10/14 gói thầu xây lắp chính đã đấu thầu xong và đang triển khai.

Còn theo Ban Chỉ huy dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM, đến nay tổng diện tích bàn giao mặt bằng là 403/410 ha, đạt 98,2%. Tại TP Thủ Đức đã có 493/572 trường hợp nhận tiền, còn 79 hộ chưa nhận tiền và 217 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Huyện Củ Chi có 386/391 trường hợp nhận tiền, 5 hộ chưa nhận tiền và 5 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Huyện Hóc Môn có 294/323 trường hợp nhận tiền, 29 hộ chưa nhận tiền. Huyện Bình Chánh có 323/393 trường hợp nhận tiền, 70 hộ chưa nhận tiền và 23 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Như vậy, trong tổng số 1.679 trường hợp bị ảnh hưởng dự án, còn 245 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Ngay sau Tết Nguyên đán 2024, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh công tác này.

Liên quan giải ngân vốn đầu tư công của TP HCM, được biết trong năm 2024, TP HCM dự kiến giải ngân khoảng 80.000 tỉ đồng. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu trong quý I phải giải ngân 10%-12% trong tổng số vốn đầu tư công giải ngân gần 80.000 tỉ đồng của năm 2024 được trung ương giao. Đến tháng 6-2024, các địa phương bàn giao mặt bằng đối với các dự án đã được bố trí vốn thực hiện năm 2024.

Ban Giao thông là đơn vị chiếm số vốn lớn của đầu tư công thành phố trong năm nay - trên 12.800 tỉ đồng. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, song song với tăng tốc dự án đường Vành đai 3, Ban Giao thông phấn đấu giải ngân trên 95% tổng số vốn được giao. Ban sẽ trình phê duyệt và điều chỉnh 26 dự án, khởi công 29 gói thầu. Trong đó, dự án lớn như xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (quận 1, quận 4 qua quận 7); xây dựng đường Vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2, từ Phú Hữu qua đường Phạm Văn Đồng.

Bên cạnh đó, Ban Giao thông cũng sẽ hoàn thành 38 dự án, gói thầu như xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; xây dựng cầu Nam Lý, cầu Rạch Đỉa; mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm; mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Đồng Văn Cống…

Ban Giao thông cũng kiến nghị UBND TP HCM, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ những dự án giao thông trên địa bàn, đặc biệt là dự án xây dựng đường Vành đai 3, đường Vành đai 2, dự án cầu đường Nguyễn Khoái vì có dự án khởi công phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng và bố trí bổ sung vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. 

Phải cam kết giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt 95%

Tổ Công tác 2591 của thành phố vừa triển khai kế hoạch thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2024.

Theo đó, để bảo đảm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm hoàn thành 70% mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30-4-2024 đối với các dự án đã hoàn thành thủ tục chi trả bồi thường cho người dân năm 2023. Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo kế hoạch dự kiến sau khi rà soát và cam kết giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt 95%.

Đối với các dự án thực hiện từ năm 2022 đến nay chưa xong, các địa phương bảo đảm bàn giao 100% mặt bằng cho các chủ đầu tư trước ngày 15-3 để chủ đầu tư khởi công, giải ngân vốn xây lắp trong quý I/2024. Đối với các dự án đã được bố trí vốn thực hiện năm 2024 thì phải hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 6-2024.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM:

Phải kịp thời đề xuất giải quyết vướng mắc

Để tránh vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương cần chú ý: Việc nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án phải bảo đảm đầy đủ, chính xác; tính đúng, tính đủ các khoản chi phí đầu tư theo quy định. Thực tế, có dự án tính toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao so với thực tế phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được duyệt, dẫn đến việc không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các ngành, các cấp trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ kế hoạch đã đề ra; kịp thời báo cáo, đề xuất giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để bảo đảm dự án thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra. Bên cạnh đó, chủ động xác định danh mục dự án ưu tiên đầu tư công từng lĩnh vực; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thực hiện dự án chuẩn bị sẵn sàng các khâu để khi có nguồn vốn là triển khai ngay.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM:

Xây dựng kế hoạch giải ngân theo tháng

Các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án lớn của thành phố cần xác định rõ phần vốn bồi thường cho từng dự án, không nêu chung chung vốn gồm vốn bồi thường và xây lắp để UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch giải ngân cho từng dự án.

Các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư rà soát kỹ vốn bồi thường đủ cho nhu cầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh trường hợp ghi dư vốn hoặc thiếu vốn. Các địa phương phải cam kết số vốn ghi chênh lệch so với thực tế không quá 5%. Đối với trường hợp dư hoặc thiếu vốn thì phải báo cáo, đề xuất ngay với Sở Kế hoạch và Đầu tư để có biện pháp xử lý phù hợp.

H.Bảo ghi

Theo Quốc Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên