Đọc tin nhắn con trai gửi phụ huynh của bạn, bà mẹ Hà Nội xúc động, "thầm cảm ơn" đối phương
"Nuôi dạy con thành công là đây", "Người mẹ tốt sẽ tạo nên những người con tuyệt vời"... là những bình luận mà dân tình để lại sau khi chứng kiến câu chuyện.
- 16-05-2024Con làm "4x5=20" bị cô gạch sai và sửa lại thành "5x4=20", phụ huynh đòi kiện nhưng nhận được câu nói bẽ mặt: Xem lại kiến thức đi
- 15-05-2024Lén chụp ảnh giáo viên rồi đăng lên MXH, phụ huynh vô tình khiến cô giáo bị phạt nặng, ai nghe xong cũng nhận xét: Thật quá đáng!
- 15-05-2024Ông bố đi họp phụ huynh bị chụp ảnh đăng lên mạng, chỉ 1 chi tiết nhỏ mà gây tranh cãi: Sao không nghĩ cho con?
Được chia sẻ trên mạng xã hội, câu chuyện của chị N.T.L (36 tuổi, Long Biên, Hà Nội) và cậu con trai nhỏ của chị đã trở thành chủ đề được đông đảo người đọc quan tâm. Chị N.T. L kể, mới đây, trong một lần tìm địa chỉ liên lạc trong zalo của cậu con trai lớp 6, chị tình cờ đọc được đoạn nói chuyện giữa con trai với phụ huynh một bạn học cùng lớp.
Nội dung câu chuyện xoay quanh sự việc con trai chị L. vô tình làm rơi, vỡ kính mắt của bạn. Sau đó, cậu bé không kể với mẹ mà bí mật tìm số điện thoại mẹ của bạn để nhắn tin xin lỗi và xin được đền bù chi phí làm lại kính mắt.
Khi mẹ của bạn đáp lại rằng cậu bé chỉ vô tình làm hỏng kính của bạn, không cần phải đền bù tiền mua kính, bởi đây là rủi ro không ai mong muốn, cậu bé liên tục năn nỉ được đền bù:
"Kính của bạn dù sao cũng không dùng được, con áy náy lắm ạ", "Bác cho con gửi tiền kính cho bạn ạ vì con cũng đeo kính và con biết là kính đắt lắm ạ"...
Tâm sự với chúng tôi, chị L. cho biết: "Tôi hỏi con vì sao không thấy kể với mẹ thì anh chàng ngớ ra rồi nói: "Con không kể vì hôm ấy mẹ bị Covid, nằm riêng trong phòng ho khụ khụ. Con mở máy tính mẹ để lấy danh sách số điện thoại của các bác phụ huynh rồi nhắn cho mẹ bạn.
Con định sẽ lấy tiền trong quỹ tiết kiệm của con để đền cho bạn. Nếu thiếu thì xin mẹ. Nhưng mẹ bạn không lấy dù con đã năn nỉ xin được trả.
Câu chuyện ngay sau khi được chị N.T.L chia sẻ đã gây "bão" mạng với gần 30.000 lượt tương tác.
Ai nấy đều gật gù trước cách hành xử lễ phép, tử tế, có trách nhiệm của cậu bé đang ở độ tuổi "ẩm ương". Đồng thời cũng không quên ngợi khen vị phụ huynh tốt bụng, vị tha.
Được biết, cháu bé trong câu chuyện trên là Long Hải (Tên thường gọi: Tý Hải), 12 tuổi, hiện đang học tại một trường THCS tại Hà Nội. Tý Hải là con trai lớn của chị N.T.L. Theo chị, thường ngày cháu được mọi người xung quanh nhận xét là hiền, ngoan, lễ phép.
Mẹ Long Hải cho hay, anh chị chọn cách làm gương cho con để dạy bé cách cử xử với mọi người
Chia sẻ về cách dạy dỗ con, chị N.T.L nói: "Các con còn nhỏ, khó tránh khỏi những lúc hành xử không đúng. Thường thì bố mẹ sẽ ở bên cạnh động viên, chia sẻ và giải thích
Mình nghĩ trong giáo dục con, không ai dám vỗ ngực. Nhưng môi trường sống, cách sống, cách đối xử của bố mẹ với người xung quanh sẽ ảnh hưởng một phần đến con. Và một phần nằm ở tính cách con nữa.
Ở nhà mình, bố mẹ từ bỏ rất nhiều cơ hội của bản thân để dành thời gian cho con. Cả mình và chồng đều thống nhất hoặc bố, hoặc mẹ phải chọn công việc phù hợp để có thời gian chăm sóc con cái.
Gia đình mình thì mình là người đảm nhiệm việc đó nhiều hơn. Tất cả mọi dấu ấn của Hải khi lớn lên đều có mẹ bên cạnh dạy dỗ, chăm sóc và chia sẻ.
Trước khi cho con dùng mạng xã hội Zalo để kết nối với bạn bè, mình luôn dạy con cách viết tin nhắn trả lời, cách nói chuyện với người lớn, cách ứng xử phù hợp.
Đặc biệt là trước khi gửi tin nhắn cho người lớn thì phải đọc thật kỹ xem mình đã viết gì, hạn chế tối đa viết sai chính tả.
Nhà mình ở chung cư, bố mẹ rất chan hòa với hàng xóm, hay chào hỏi mọi người nên con làm theo. Cách nói chuyện lễ phép của bố mẹ như dùng kính ngữ, hay có ạ, dạ vâng... chắc con cũng có ảnh hưởng."
Chị L. kể, câu chuyện xảy ra cách đây đã hơn 2 tháng, nhưng vì cảm giác có chút đáng yêu nên chị quyết định chia sẻ lên mạng xã hội. Chị L. khá bất ngờ khi câu chuyện được nhiều người quan tâm. Theo chị, những em bé có hành động và suy nghĩ như vậy không hiếm, thậm chí nó xuất hiện hàng ngày quanh chúng ta.
Trước cách xử lý của con khi vô tình phạm lỗi, chị L. cho hay chị đã khen ngợi và ghi nhận con làm đúng, dù theo chị đây là việc hết sức bình thường mà bất cứ bạn nhỏ nào cũng nên làm.
Được biết, sau khi nghe con kể lại câu chuyện, dù sự việc đã từ 2 tháng trước, chị L. vẫn liên lạc với mẹ của bạn con mình để xin được đền bù tiền mua kính.
Nhưng vị phụ huynh tâm lý, vị tha vẫn nhất quyết không nhận vì "bạn không cố ý, chỉ là chuyện không may và cháu đã biết rút kinh nghiệm".
Câu chuyện và hành động tuy nhỏ bé nhưng khiến nhiều người cảm thấy ấm áp và nể phục cách dạy dỗ con cái, cách hành xử của hai người mẹ đã góp phần nuôi dạy nên những đứa con ngoan, lễ phép, hiểu chuyện.
Đời sống và pháp luật