Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Trả lại tang vật là hợp lý!
Liên quan vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, các luật sư cho rằng việc tịch thu số kim cương, hột đá của chủ tiệm vàng là sai. Chủ tiệm vàng có thể khởi kiện để đòi lại số tài sản đã bị tịch thu
- 29-10-2018Lãnh đạo Bộ Tư pháp: Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng là đúng quy định
- 29-10-2018Vụ đổi 100 USD: Thẩm tra hoàn cảnh người bị phạt 90 triệu
- 28-10-2018Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Vì sao bắt quả tang mà hơn nửa năm mới phạt?
Sáng 29-10, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã chủ trì cuộc họp liên quan đến việc xem xét miễn giảm nộp phạt cho ông Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) - người đổi 100 USD ở tiệm vàng bị phạt hành chính 90 triệu đồng.
Trao đổi bên lề với phóng viên, ông Thống cho biết đã giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát ngôn; vụ việc sẽ được giải đáp vào cuộc họp báo ngày 30-10 tại Thành ủy Cần Thơ. UBND TP Cần Thơ đã nhận được đơn xin miễn, giảm nộp phạt của ông Rê. Ông Thống đã giao cơ quan chức năng thẩm tra hoàn cảnh của người này và có đề xuất UBND TP để xem xét miễn, giảm.
Liên quan đến việc tịch thu tang vật của tiệm vàng Thảo Lực (Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực), tiệm vàng này từng bị điều tra tội trốn thuế. Sau khi ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, bị bắt quả tang mua 100 USD của ông Rê, công an đã khám xét toàn bộ căn nhà và tịch thu 20 viên kim cương cùng 19.910 viên hột đá. Công an đã 3 lần gia hạn và kéo dài thời gian tạm giữ tang vật. Trong quá trình xử lý, Phòng Cảnh sát Kinh tế nhận thấy tiệm vàng có dấu hiệu trốn thuế nên chuyển sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự. Qua xác minh, đến ngày 18-7, Cơ quan Điều tra Công an TP Cần Thơ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Chủ tiệm vàng Thảo Lực có thể khởi kiện để đòi lại số tang vật bị tịch thu Ảnh: SONG ANH
Luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình (TP HCM), cho biết trong vụ việc này, ngành chức năng tại Cần Thơ chỉ đúng ở một điểm là bắt quả tang doanh nghiệp mua bán 100 USD với ông Rê, từ đây có thể khám xét doanh nghiệp chứ không phải nhà riêng của ông Lực. Nhưng lệnh khám xét nhà ông Lực có trước thời điểm bắt quả tang giao dịch 6 ngày làm dư luận nghĩ rằng công an có chủ đích khám xét nhà ông Lực. "Ông Lực trả lời báo chí rằng 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá để trong tủ chứ không bày bán thì không có liên quan gì tới vụ bắt 100 USD. Thủ tục sai ngay từ đầu nên việc tịch thu tang vật cũng sai" - luật sư Vũ nói rõ.
Theo luật sư Trần Văn Độ (Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang), Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử lý vi phạm là người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Như vậy, trong trường hợp này, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (người ký quyết định xử phạt) phải có trách nhiệm chứng minh Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực đã có vi phạm là kinh doanh số kim cương và đá nhân tạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. "Nếu không chứng minh được mà xử phạt công ty về hành vi kinh doanh số kim cương, hột đá này và tịch thu là chưa phù hợp pháp luật. Công ty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực có quyền khởi kiện để nhận lại số kim cương, hột đá đã bị tịch thu" - luật sư Độ khẳng định.
Cũng nhận định việc khám xét nhà và tịch thu số kim cương mà chủ tiệm vàng khai là tài sản riêng là hoàn toàn sai, luật sư Trần Thị Ánh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết nếu cơ quan chức năng cho rằng chủ tiệm vàng Thảo Lực kinh doanh trái phép kim cương, đá nhân tạo... thì thuộc một chế tài riêng, không liên quan đến vụ mua bán 100 USD.
TS. Nguyễn Thanh Hải, giảng viên Học viện Tư pháp (cơ sở tại TP HCM), cho rằng phương án trả lại số kim cương và hột đá là hợp lý. Kể cả khi chủ tiệm để nó ở nơi kinh doanh nhưng không giao dịch thì việc tịch thu cũng cần phải cân nhắc.
Bộ Tư pháp sẽ góp ý sửa Nghị định 96
Tại cuộc họp báo quý III/2018 của Bộ Tư pháp ngày 29-10, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo làm rõ, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có thông tin vụ đổi 100 USD và bị phạt 90 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, cho biết mức xử phạt trong vụ việc nêu trên là đúng quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp không đánh giá về trình tự thủ tục của vụ việc do không có hồ sơ liên quan.
Theo bà Phương, quy định xử phạt đối với cá nhân bán ngoại tệ không căn cứ vào số lượng, giá trị ngoại tệ bán ra mà chỉ quy định xử phạt chung là 80-100 triệu đồng. Thời gian tới, cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Tư pháp có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước để sửa đổi bổ sung hoặc thay thế Nghị định 96, trong đó, quy định cụ thể mức phạt khác nhau trên cơ sở số lượng và giá trị ngoại tệ mua bán tại nơi không được phép.
M.Chiến
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico:
Một vụ việc, nhiều bất cập
Do bất cập của luật nên việc xử phạt không hợp lý ở chỗ giao dịch số tiền không quá lớn lại bị phạt rất nặng. Vụ việc này cũng làm lộ rõ một bất cập cần phải sớm sửa đổi trong quy định. Đó là việc quyết định khám xét để trống mục "thời gian khám" trong khi lẽ ra đây phải là một nội dung không thể thiếu (cùng với chữ ký, đóng dấu, phát hành lệnh). Việc bỏ trống "thời gian khám" và chỉ được ghi bổ sung bằng chữ viết tay sau đó để hợp thức hóa việc khám xét là không ổn.
T.Phương
Người lao động