Đôi bạn chuyển vào TP.HCM sống: Tháng đầu tiên tiêu hết 20 triệu
Hai cô bạn rủ nhau “đánh liều” cùng chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM lập nghiệp chỉ sau một lần tâm sự. Họ đã trải qua những cảm xúc gì cho chuyến đi thoát khỏi vùng an toàn?
- 22-05-20231% người giàu nhất Hàn Quốc "khủng" đến mức nào? Hàng tháng chi tiêu tối thiểu 63 triệu đồng, tích cực làm giàu bằng lĩnh vực này
- 22-05-2023Cưới nhau vẫn không biết thu nhập thì quản lý chi tiêu thế nào?
- 12-05-2023Từng lương 5 triệu không cần vay ai mà vẫn đủ sống: Cách cô nàng 26 tuổi chi tiêu khiến ai cũng nể
TP.HCM như gia đình. Có lẽ không chỉ một, hai người nghĩ vậy.
Nhiều năm trôi qua, đã có nhiều người tứ xứ đến mảnh đất này lập nghiệp. Có người ở lại thật lâu nhưng cũng có người chỉ trụ lại được vài ba năm. Điểm chung của họ là đều được thành phố này vỗ về, đem lại cảm giác được sống là chính mình giữa mảnh đất đông đúc nhưng cũng yên bình.
Nếu hỏi cuộc sống chuyển từ nơi xa đến TP.HCM lập nghiệp có khó khăn không, chắc hẳn phải lắng nghe tâm sự từ những người trong cuộc.
Cách đây nửa năm, hai cô bạn Hà Nội dưới đây đã cùng nhau đi tìm việc mới rồi dọn vào TP.HCM lập nghiệp chỉ sau một buổi tâm sự. Và cuộc sống có màu hồng như cả hai đã từng mường tượng về thành phố này?
“Đánh liều” vào miền Nam chỉ sau 1 lần tâm sự
Đối với nhiều người, quyết định rời xa gia đình chuyển đến thành phố mới sinh sống đôi khi là lựa chọn khó khăn. Tuy nhiên, Vân Trang và Thanh Phương (23 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông) đều không mấy e ngại khi cùng nhau dọn đến TP.HCM sinh sống. Họ nghĩ bản thân còn trẻ, chưa có gia đình, có nhiều thời gian nên thỏa sức trải nghiệm và học hỏi từ sai lầm.
Trước khi nảy sinh ý tưởng xách vali lên và đi, Thanh Phương chỉ quen một vài người bạn, chứ không có người thân hay công việc ổn định ở TP.HCM. Trong khi đó, bạn cùng phòng của cô - Vân Trang chỉ mới đến chơi thành phố này một lần.
Nói về hành trình của mình, Vân Trang cho hay: “Mình và bạn bắt đầu vào TP.HCM cuối năm ngoái. Từ khoảng 2 năm trước, mình đã luôn nghĩ đến ngày vào đây làm việc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là suy nghĩ chứ chưa lúc nào thực hiện được vì còn dang dở công việc ở Hà Nội.
Còn bạn mình thì từ năm nhất đã ấp ủ dự định sau khi tốt nghiệp sẽ thử chuyển vào TP.HCM sinh sống. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mong muốn thôi vì thành phố này lúc chúng mình 18 tuổi như một ‘mảnh đất hứa’ mà bản thân luôn muốn đặt chân tới”.
Vân Trang
Trước khi quyết định đến TP.HCM lập nghiệp, Vân Trang từng có quãng thời gian hoang mang trong công việc. Điều này khiến cô càng quyết tâm chuyển vào Nam sinh sống để thay đổi môi trường và tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
“Trong một lần tâm trạng stress, mình tính chuyển vào sống ở thành phố mới. Cả quá trình từ lên ý tưởng đến chính thức đặt chân lên sân bay diễn ra trong khoảng 2-3 tháng. Trước đó, mình nói chuyện với bạn về mong muốn đến TP.HCM. Và thật mừng vì cả hai cùng chung ý tưởng với nhau”.
Trước khi chuyển đến TP.HCM, cả hai đã bắt tay tìm chỗ ở và nhờ người quen đi xem nhà hộ. Họ tìm thông tin trên mạng xã hội và nhanh chóng thuê được một căn hộ chung cư nằm ở trung tâm thành phố. Tháng đầu tiên tốn kém nhất khi cả hai phải chi tiêu nhiều khoản để ổn định cuộc sống như mua vé máy bay, tiền cọc thuê nhà, sắm đồ nội thất mới…
Vân Trang nhớ lại: “Mình tốn khoảng 15-20 triệu đồng cho tháng đầu tiên. Mình may mắn khi được công ty hỗ trợ vé máy bay, nhà ở (nếu chưa tìm được nhà) nên tốn kém nhất cho việc sắm sửa đồ đạc và ổn định nơi ở mới.
Mình đặt cọc tiền thuê nhà khoảng 6 triệu đồng, sau đó tốn 3-5 triệu đồng mua đồ nội thất. Ngoài ra, mình còn chi thêm 1.5 triệu đồng cho việc vận chuyển xe máy từ Hà Nội vào TP.HCM. Cũng trong tháng này, mình cần quen với đồng nghiệp và chỗ làm mới nên mạnh tay hơn trong việc ăn uống và đi chơi. Tháng đầu tiên bạn cùng phòng cũng chi tương đương mình nhưng sẽ mất thêm 2 triệu tiền vé máy bay”.
Bạn cùng nhà của Vân Trang - Thanh Phương
So với thời điểm sống ở Hà Nội, Vân Trang nhận định mức chi tiêu ở thành phố mới sẽ nhỉnh hơn khá nhiều. Điều này không chỉ đến từ việc giờ cô phải độc lập tài chính với gia đình mà cũng vì mức phí sinh hoạt tăng lên.
Vân Trang chia sẻ: “Mỗi tháng mình dành ra khoảng 20% thu nhập cho việc thuê nhà. Khi vào TP.HCM, mình cũng đi chơi cuối tuần ở các địa phương xung quanh thành phố nên thỉnh thoảng dành ra thêm 20 - 40% cho việc đi du lịch. Còn lại tháng khác, tùy vào thu nhập và chi phí sinh hoạt, mình sẽ có điều chỉnh trong chi tiêu để dành ra khoảng 30-40% tiền tiết kiệm”.
Còn về phần Thanh Phương, cô thấy mức chi tiêu ở Sài Gòn và Hà Nội không quá chênh lệch. Song từ khi chuyển nơi ở mới, cô đã biết tiết kiệm tiền và học quản lý chi tiêu. Vì khác ở Hà Nội, cô không còn nhà riêng và bố mẹ hỗ trợ tài chính nên nhiều khi không dám tiêu xài quá tay.
“Từ khi ở TP.HCM, mỗi tháng mình mất 30% tiền nhà, 20% tiền sinh hoạt phí và 20% tiền ăn uống. Có những tháng mình sẽ chi tiêu cẩn trọng và tiết kiệm được tầm 30% nếu tháng đó không đi du lịch”, Phương nói.
Thanh Phương đã học cách tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu sau khi chuyển đến thành phố mới
Chuẩn bị 6 tháng lương để cuộc sống mới không chật vật
Nói về quá trình từ khi tâm sự với bạn cho đến chính thức đặt chân lên vùng đất mới, Vân Trang vẫn thấy mọi thứ diễn ra trong thời gian chớp nhoáng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cô không có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tài chính hoặc cân nhắc hết rủi ro.
“Trước khi đi, mình thấy lĩnh vực truyền thông trong TP.HCM có nhiều cơ hội tốt hơn so với vị trí tương đương ở Hà Nội. Mình cũng biết môi trường trong này thoải mái và thân thiện nên cũng muốn thử sức ở thành phố này.
Khi nhận công việc ở TP.HCM, mình đã làm ở công ty cơ sở Hà Nội trong 1 tháng, đã quen được đồng nghiệp hai miền nên cũng nhận được nhiều hỗ trợ trước khi vào đây. Trong thời gian đầu bay vào Sài Gòn, mình được công ty hỗ trợ vé máy bay và chỗ ở miễn phí trong 2 tháng đầu.
Dù khi quyết định vào ở Sài Gòn là bản thân khá stress và muốn nhanh chóng đến thành phố mới, nhưng mình luôn cam kết phải tìm được công việc thì mới dọn vào. Bởi vừa đến thành phố mới, chi tiêu nhiều thứ mà lại thất nghiệp thì càng dễ căng thẳng hơn”, Vân Trang kể.
Dù quyết định Nam tiến trong thời gian ngắn, song Vân Trang đã cố gắng cân nhắc kỹ các rủi ro có thể xảy đến
Về vấn đề kinh tế, Vân Trang cho biết mình cũng đã chuẩn bị kỹ càng. Bởi cô không muốn thời gian đầu chuyển vào thành phố mới, bản thân phải sống chật vật, cân đo đong đếm từng đồng một.
“Mình đã chuẩn bị trước 6 tháng lương cho chuyến đi này. Ngoài ra, gia đình cũng hỗ trợ khoản kha khá khi thấy con quyết định sống tự lập. Tất nhiên, hầu hết chi phí ở TP.HCM đều do mình tự trả, nhưng có sự bảo đảm đằng sau của bố mẹ thì cũng đỡ lo lắng hơn”, Vân Trang nhớ lại.
Trong khi đó với Thanh Phương, cô nàng chỉ tìm được công việc mới sát ngày phải lên máy bay vào TP.HCM. Tuy nhiên, cô cho biết bản thân đã chuẩn bị trước một khoản tiết kiệm để sống được ít nhất trong 3 tháng phòng trường hợp rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tính đến hiện tại, cả Thanh Phương và Vân Trang mới ở TP.HCM hơn nửa năm song cả hai đều thấy gắn bó với vùng đất này.
Câu hỏi mà hai cô nàng nhận được nhiều nhất khi quay về Hà Nội là cuộc sống ở đây có tốt không. Bởi, trong suy nghĩ của nhiều người thân, việc hai người con gái cùng nhau Nam tiến, rời xa gia đình đã gắn bó hơn hai chục năm vẫn là một quyết định gì đó… liều lĩnh và nguy hiểm.
“Nếu mọi người hỏi mình có gặp khó khăn gì không, câu trả lời là KHÔNG (cười). Thật ra bản thân mình cũng sẽ giống nhiều người vào Nam lập nghiệp thôi. Thời gian đầu hoang mang vì không quen ai, lo lắng ổn định cuộc sống mới. Đôi lúc sẽ thấy nhớ nhà một chút, sợ người thân gặp vấn đề gì thì mình không thể ở ngay cạnh mà giúp đỡ.
Nhưng khi gặp khó khăn, nếu mình bình tĩnh giải quyết thì cái gì cũng sẽ qua. Quan trọng là sau khi vào TP.HCM, con người và nhịp sống nơi đây, cả bạn cùng phòng nữa giúp mình chữa lành tâm hồn rất nhiều. Đôi khi mình thấy bản thân sinh ra là để dành cho thành phố này vậy”.
Vân Trang cũng gửi một vài lời khuyên cho những ai có dự định Nam tiến: “Bạn nên chuẩn bị sẵn tài chính và cố gắng có công việc trước khi vào TP.HCM. Bởi, việc chuyển đến thành phố mới để sinh sống không hề dễ dàng. Bạn cũng mất thời gian đầu làm quen môi trường nên hãy cố gắng chuẩn bị nhiều thứ nhất cho bản thân”.
Trong khi đó, vốn là người yêu gia đình song Thanh Phương cho biết bản thân muốn tận hưởng thêm cuộc sống ở TP.HCM ít nhất 2 năm. Và cô cũng không định bắt mình tuân theo một nguyên tắc nào vì muốn tận hưởng tự do của tuổi trẻ.
“Mình nghĩ tuổi trẻ thì cứ liều đi, mạnh dạn bước đi để sau này không hối tiếc. Còn với các bạn dự định chuyển vào miền Nam sống, mình nghĩ nên có sự chuẩn bị kỹ về mặt kinh tế và cảm xúc, vì đi xa gia đình đôi lúc cũng cô đơn lắm”, Thanh Phương tâm sự.
Ảnh: NVCC
Trí thức trẻ