Dồi dào đơn hàng, xuất khẩu dệt may dự kiến tăng trưởng 8 - 10%
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xuất khẩu dệt may đã có nhiều khởi sắc, 6 tháng đầu năm nay, dệt may là một trong số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng trong top đầu cả nước với hơn 16 tỷ USD, hầu hết doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu hết quý IV năm nay, thậm chí đã có đơn hàng đến quý I/2025.
- 14-07-2024Một số mặt hàng xuất khẩu có khả năng bị Indonesia áp thuế phòng vệ thương mại
- 13-07-2024Xuất khẩu phân bón của Việt Nam bất ngờ tăng mạnh
- 13-07-2024Một mặt hàng Việt Nam đứng top thế giới, năm nay xuất khẩu có thể đạt 27 tỷ USD, Mỹ cực kỳ đón nhận
So với cùng kỳ năm 2023 đơn hàng đầu năm 2024 đã nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Đa phần các công ty may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đủ đơn hàng đến cuối năm và đang đàm phán đơn hàng đầu năm 2025. 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may thu về khoảng 16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt Việt Nam (Vinatex) nhận định, bức tranh dệt may năm nay có nhiều triển vọng tươi sáng hơn năm 2023. Tuy vậy, đơn giá nhìn chung vẫn thấp, nhiều mã hàng giảm 20%, thậm chí có mã hàng giảm đến 50% so với trước dịch Covid-19 do đã được thiết lập mặt bằng giá mới từ năm 2023.
The ông Hiếu: "Diễn biến thị trường rất nhanh và khó lường, đặc biệt là xung đột địa chính trị tại nhiều khu vực. Tuy nhiên, dựa trên những kết quả đã có, tín hiệu đơn hàng của ngành may, sợi, dệt nhuộm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt mong muốn là tăng 8-10% so với năm 2023. 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5%, đây là tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, những tháng cuối năm kết quả sản xuất-kinh doanh sẽ tốt hơn".
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển hướng sản xuất từ chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm. Doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh.
Đồng thời, doanh nghiệp thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức mới.
"Thị trường đã trở lại, đơn hàng cũng quay lại, sân chơi toàn cầu được mở ra toàn diện, ngành dệt may Việt Nam sẽ lan tỏa theo thị trường, theo Hiệp định thương mại. Tôi tin ngành dệt may sẽ đạt kỳ vọng tăng trưởng năm 2024" - ông Giang chia sẻ.
Để tham gia vào chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp dệt may cần thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng tự động hóa các khâu sản xuất.
Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn bởi doanh nghiệp dệt may đang đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc quản lý chất thải, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Đặc biệt vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.
VOV