MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối đầu Trump, phe Dân chủ ở California sẵn sàng cho "một cuộc chiến chính trị"

22-11-2016 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Chiến thắng vang dội của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước bà Hillary Clinton kết hợp với phe Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ khiến những người Dân chủ lo lắng cho vị thế của mình.

Lần đầu tiên trong một thập kỷ, phe Cộng hòa không chỉ có người là tổng thống Mỹ mà còn kiểm soát lưỡng viện. Người Cộng hòa đang đưa ra chương trình nghị sự đầy tham vọng như cam kết sửa đổi Obamacare, trục xuất người nhập cư không giấy tờ…, những điều khiến người Dân chủ khó cảm thấy hài lòng, đặc biệt là với những người ở California, bang truyền thống của đảng Dân chủ với số đại cử tri nhiều nhất nước Mỹ.

Ngay sau khi ông Donald Trump giành đủ số phiếu đại cử tri, những người Dân chủ Califonia đã ra thông báo gay gắt bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha nhằm đảm bảo 39 triệu người dân của bang sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh chính trị để “bảo vệ người dân và các giá trị cốt lõi”.

Những gì người Dân chủ ở California nói ra không phải là lời đe dọa xuông. Họ không chỉ kiểm soát chính trị mà còn kiểm soát cả kinh tế ở bang đông dân nhất nước Mỹ. Đây cũng là bang có nền kinh tế lớn nhất tại Mỹ và được hưởng sự độc lập nhiều nhất từ Washington D.C. Năm 2002, người California tự đưa ra quy chuẩn riêng về khí thải mà không cần quan tâm tới mong muốn của Quốc hội Mỹ.

California cũng là tiểu bang có số người nhập cư không giấy tờ nhiều nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, những người này vẫn được cấp phép lái xe và hỗ trợ tài chính để theo học đại học. Bang cũng có quy định nghiêm ngặt về việc sở hữu súng đạn và mua bán loại vũ khí này. Các vấn đề phúc lợi xã hội ở California cũng được đánh giá là tương đối toàn diện.

Là bang truyền thống của phe Dân chủ, bà Clinton dễ dàng giành chiến thắng ở California với 61% người dân ủng hộ, cao hơn so với Tổng thống Barack Obama trong cuộc chạy đua năm 2012. Tuy nhiên, kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng nghiêng về ứng viên đảng Cộng hòa đã làm hồi sinh tư tưởng ly khai ở California mà được biết tới dưới cụm từ Calexit, tham chiếu từ sự kiện Brexit rúng động thế giới ở châu Âu.

Người Dân chủ California cho biết họ có nhiều điều để làm nếu thực sự muốn quay lưng với chính quyền liên bang. Với mỗi một USD tiền thuế, chính quyền tiểu bang California được giữ lại 78 cent cho các chi tiêu của bang. Chính sách này mang lại cho các nhà lãnh đạo tiềm năng lớn để phản đối các chính sách mà không có lợi cho bang, có thể bắt đầu với việc trục xuất người nhập cư không có giấy tờ.

Ngày 14/11, Charlie Beck, người đứng đầu sở cảnh sát Los Angeles còn thẳng thừng tuyên bố không làm việc với cơ quan an ninh nội địa Mỹ trong việc trục xuất người nhập cư. Thị trưởng San Francisco Ed Lee cũng công khai không trục xuất người di cư đồng thời lên kế hoạch để đối phó với việc chính quyền liên bang cắt giảm các khoản chi phí vì không thực hiện việc trục xuất.

Bên cạnh vấn đề nhập cư, biến đổi khí hậu cũng là vấn đề nhiều bất đồng giữa chính quyền liên bang với tiểu bang California. Trước quan điểm khác biệt của ông Trump về biến đổi khí hậu cũng như đe dọa rút khỏi Hiệp định Paris 2015, người Dân chủ khẳng định họ sẽ tiếp tục duy trì những chuẩn mực vốn có nhằm bảo vệ người dân cũng như chống lại đe dọa của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, phe dân chủ ở California cũng đang tìm cách để đảm bảo sự tồn tại của đạo luật chăm sóc sức khỏe mà chính quyền Obama đưa ra. Với các đạo luật này, khoảng 5,5 triệu dân California có bảo hiểm. Nếu Trump khai tử Obamacare, California sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe phổ quát nhờ khoản tiền 15 tỷ USD/năm mà chính quyền Trump hứa bù đắp khi hủy bỏ đạo luật này. Ngoài ra, ở California, Trump cũng không thể hủy bỏ quyền phá thai của phụ nữ như những gì ông đã nêu trong suốt chiến dịch chạy đua.

Tuy nhiên, một vài chính sách của Trump có thể vẫn nhận được sự ủng hộ từ phe Dân chủ California, trong đó nhìn thấy rõ nhất là bức tường ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico. Hiện tại, phần ngăn cách giữa California với đất Mexico được dựng hàng rào kẽm gai cao cùng các cảm biến chuyển động nhằm ngăn những kẻ vượt biên tiến vào nước Mỹ.

Linh Anh

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên