MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đói đơn hàng" trầm trọng, doanh nghiệp logistics cần làm gì?

29-10-2022 - 07:51 AM | Doanh nghiệp

Chia sẻ với DĐDN, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đánh giá xu hướng giảm sản lượng và giá cước sẽ tiếp tục mà chưa có điểm dừng.

Trước diễn biến phức tạp của bối cảnh kinh tế thế giới, thị trường logistics được nhận định sẽ “không có mùa cao điểm” trong những tháng cuối năm.

Đói đơn hàng trầm trọng, doanh nghiệp logistics cần làm gì? - Ảnh 1.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

- Thưa ông, nhiều doanh nghiệp logistics phản ánh lượng đơn hàng đã giảm tới 30-40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là hàng xuất đi khu vực Mỹ và EU, nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Đúng vậy, nhiều doanh nghiệp hội viên của chúng tôi cho biết sản lượng hàng hoá vận chuyển có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 5 vừa qua. Và tình hình không những không cải thiện mà càng trở nên trầm trọng trong 2 tháng gần đây.

Thực tế, từ tháng 8 đến tháng 10 là “mùa cao điểm” của logistics đường biển và từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau là đỉnh của logistics hàng không. Tuy nhiên, năm nay việc này có vẻ sẽ không xảy ra và “mùa cao điểm” sẽ không bao giờ tới.

Theo đó, do nền kinh tế toàn cầu khó khăn, phía đối tác vận chuyển thiếu đơn hàng trong mùa cao điểm cuối năm. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 58,7 tỷ USD, giảm gần 11% so với tháng trước.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 29,9 tỷ USD, giảm 14% so với tháng 8. Các ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu tỷ USD như dệt may cũng đi xuống 27% so với tháng 8, gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 21%, thủy sản giảm 14%, giày dép giảm 22%...

Đói đơn hàng trầm trọng, doanh nghiệp logistics cần làm gì? - Ảnh 2.

Nhiều doanh logistics phản ánh lượng đơn hàng đã giảm tới 30-40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là hàng xuất đi khu vực Mỹ và EU.

Xuất khẩu giảm tốc khiến sản lượng vận tải hàng hóa thông qua cảng biển đi xuống rõ rệt trong quý III. Số liệu của Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết riêng trong tháng 8, sản lượng hàng hóa xuất khẩu qua cảng biển đạt 15,1 triệu tấn, giảm tháng thứ ba liên tiếp. Nếu không tính tháng 2 (tháng có kỳ Tết Nguyên đán) thì sản lượng hàng xuất qua cảng biển đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng đầu năm.

- Không chỉ vậy, giá cước vận chuyển, giá thuê container trong tháng 10 đã giảm 60% so với mức đỉnh tháng 4, đây có tiếp tục là xu hướng trong thời gian tới, thưa ông?

Chắc chắn rồi, xu hướng “lao dốc” của giá cước sẽ tiếp tục mà chưa có điểm dừng. Bởi tình trạng “đầu cơ” tích trữ hàng hoá quá mức cần thiết trong thời gian vừa qua còn khiến tình trạng sụt giảm sản lượng hàng hoá ngày càng trở nên nghiêm trọng, giá cước sụt giảm mạnh.

Đói đơn hàng trầm trọng, doanh nghiệp logistics cần làm gì? - Ảnh 3.

Giá cước vận chuyển, giá thuê container trong tháng 10 đã giảm 60% so với mức đỉnh tháng 4.

Theo công ty tư vấn Drewry, chỉ số giá vận chuyển container thế giới đã giảm 7% trong tuần này, là tuần giảm thứ 35 liên tiếp và đã giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt với tuyến Châu Á/Bắc Mỹ, giá cước vận chuyển hàng hóa đóng trong container bằng đường biển đã giảm từ 30% - 60% tùy từng tuyến vận tải so với thời điểm cao nhất năm 2021, một số tuyến ngắn về gần bằng mức thấp nhất trước đây.

Trong khi đó, nền tảng giá cước trực tuyến Xeneta cũng cho thấy, công suất trung bình được cung cấp từ Châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai trong bốn tuần qua.

Trong giai đoạn này, trung bình 275.000 teu đã rời châu Á để đến bờ biển phía tây Hoa Kỳ, ít hơn khoảng 50.000 teu so với mức đỉnh vào đầu tháng 8. So với bốn tuần cùng kỳ năm 2021, công suất cung cấp giảm 13%, tương đương với việc loại bỏ 21 tàu 8.000 teu, là kích thước trung bình của các tàu trên tuyến này.

- Vậy doanh nghiệp cần lưu ý những điểm gì để ứng phó với các biến động đó, thưa ông?

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam phải chú ý theo dõi sát diến biến của thị trường vì tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Có kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Đối với chúng ta, hiện nay xuất nhập khẩu đang lường trước những khó khăn về thị trường truyền thống bị như EU, cần mở rộng thị trường trong và ngoài khu vực, tận dụng các Hiệp định FTA, như EVFTA, CPTPP, RCEP… để mở rộng thị trường. Ví dụ, việc xuất khẩu hoa quả và cá basa đang phát triển mạnh vào thị trường ASEAN.

Nền kinh tế của nước ta đang trên đà phục hồi nhờ những quyết sách của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh, đầu tư tiếp tục tăng trưởng… đó là những động lực để ngành dịch vụ logistics phát triển vận tải nội đia và quốc tế Việt Nam. Nhờ tính thích ứng và chống chịu trước tình hình chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau kinh nghiệm hai năm Đại dịch Covid-19 mà ngành dịch vụ logistics nước ta nói chung và đã thích nghi, đứng vững và phát triển bền vững.

Theo đó, các doanh nghiệp logistics Việt có thể tập trung vào các thị trường châu Á với độ rủi ro thấp như một cách tìm hướng đi mới cho mình, ví dụ như khai thác thêm các tuyến Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường châu Á có nền kinh tế ít bị ảnh hưởng, vị trí địa lý gần để giảm sự rủi ro cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục thực hiện việc cải tiến quy trình nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng trong điều kiện khó khăn mới như đã nêu trên.

Đặc biệt, cần có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuât, xuất nhập khẩu hàng hóa để nắm bắt nguồn hàng và thị trường mới, có thông tin kịp thời về tình hình thị trường cuớc phí vận tải và dịch vụ logistics của thế giới để hai bên phối hợp tạo thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!


Bài: THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên