Đội giá khẩu trang gấp 4, 5 lần: Giữa chữ Tiền và chữ Tài, người ta dễ bỏ quên đi chữ Tình và chữ Đạo
“Cây sống nhìn vào rễ, người sống nhìn vào tâm”. Đừng vì tiền tài ích lợi nhất thời đến từ vài chiếc khẩu trang mà bỏ quên giá trị cơ bản nhất, đó là tình người, nhất là ở vào thời điểm nguy nan cấp bách của cả xã hội.
- 26-01-2020Sự khác biệt giữa giàu và nghèo không chỉ nằm ở vật chất, tiền bạc, mà còn là tầm nhìn và tư duy cho tương lai
- 24-01-2020Bước vào năm Canh Tý, 3 con giáp này được Thần Tài chiếu cố, "hành đại vận, phát đại tài", vận may như ý và suôn sẻ gấp đôi
- 24-01-2020Từ 20 đến 30 tuổi: Hãy suy nghĩ nhiều hơn về con đường phía trước, bớt làm những việc tự hủy hoại sự nghiệp của mình
Gần 3h sáng giờ Việt Nam, ngày 31/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhanh chóng tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Mức độ đánh giá nguy cơ của chủng virus này là “rất cao" ở Trung Quốc, "cao" ở cấp khu vực, và "cao" ở cấp toàn cầu.
Cùng với những thông tin này, người dân Việt Nam đang đổ xô đi mua dự phòng với số lượng lớn các loại khẩu trang y tế, nước muối sinh lý, nước rửa tay… để phòng ngừa trước dịch bệnh. Với lượng cầu tăng nhanh chóng mặt, gấp hàng chục lần so với thông thường, tình trạng “cháy hàng” bắt đầu xuất hiện ở khắp các cửa hàng khiến nguồn cung ngày một khan hiếm.
Không quá khó hiểu khi song song với tình trạng đó, giá cả của các mặt hàng y tế này cũng tăng phi mã. Những hộp khẩu trang bình thường chỉ có giá 50 ngàn đồng được các tiểu thương đẩy ra thị trường với giá gấp 3, thậm chí là gấp 4 đến 5 lần. Loại khẩu trang Unicharm Nhật Bản chỉ tầm 270 ngàn đồng/hộp/100 cái cũng tăng lên gần 350 - 400 ngàn đồng/hộp. Khẩu trang 3M lại càng rơi vào tình trạng loạn giá, mỗi đầu mối lại tự do tung ra một mức giá khác nhau từ 250 đến 350 ngàn đồng/hộp.
Tuy đứng trước mức giá phải gọi là “đắt cắt cổ” so với bình thường, người dân vẫn phải chấp nhận để đảm bảo tình trạng sức khỏe cho bản thân và gia đình. Có những người thậm chí vẫn mua hàng chục hộp khẩu trang và vài thùng thuốc muối sinh lý về dùng dần.
Tại Trung Quốc, tình trạng thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Các trang web bán mặt hàng khẩu trang y tế đều bị sập vì lượng truy cập gia tăng đột ngột. Các cửa hàng truyền thống cũng quá tải và cháy hàng nhanh chóng. 31 trường hợp đầu cơ tích trữ, đội giá sản phẩm từ 143 nhân dân tệ/hộp lên 850 nhân dân tệ/hộp, đã bị phát hiện và phạt mạnh. Có cửa hàng đã bị phạt tới 3 triệu nhân dân tệ (tương đương 10 tỷ đồng) cho hành vi này.
Ngược lại, cũng có rất nhiều trường hợp đứng ra phát khẩu trang miễn phí cho cộng đồng trở thành tấm gương sáng đáng được noi theo. Tại Trung Quốc, một chàng trai làm công việc buôn bán khẩu trang đã lấy ra 6.000 chiếc còn lại trong kho hàng để phân phát miễn phí cho từng hộ gia đình hàng xóm xung quanh. Rất nhiều các tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể, doanh nghiệp quyên tặng khẩu trang với số lượng lớn tới các vùng dịch để phân phát cho người dân và các y bác sĩ tại đây. Thậm chí, những người Trung đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng nỗ lực thu gom khẩu trang tại nơi mình cư trú để gửi về quê nhà.
Giữa lúc cả thế giới hướng về Trung Quốc, lòng nhân đạo tỏa sáng muôn nơi thì hiện tượng trục lợi dựa trên sự lo sợ lại càng trở nên đáng hổ thẹn. Tăng giá một hộp khẩu trang, một bình nước rửa tay, một lọ cồn sát khuẩn hay đủ thứ khác có thể ngăn ngừa bệnh tật, liệu người ta có thể giàu lên không, hay lương tâm họ có cắn rứt phần nào không?
Có câu nói rằng: “Không làm được việc thiện, ít nhất đừng làm điều ác”. Cũng đừng thấy điều ác nhỏ mà làm, việc thiện nhỏ mà không làm. Cái ác dù nhỏ, không được ngăn chặn thì vẫn có thể dẫn tới những tác hại lớn. Giống như việc rải một chiếc đinh ra đường, nhẹ thì gây ra thiệt hại tài sản, lớn có thể dẫn tới thiệt hại cả tính mạng của nhiều người khác. Chỉ một người không được dùng khẩu trang y tế phòng bệnh cũng có thể trở thành một mầm mống bệnh chôn giấu giữa cộng đồng và xã hội, là nguy cơ gây bùng phát đại dịch không thể kiểm soát được.
Thị trường kinh doanh luôn tôn trọng việc thuận mua vừa bán. Nhiều người đầu cơ trục lợi vẫn tự cho rằng, chê giá cao thì đừng có mua, tôi tăng giá chứ tôi chẳng lừa đảo ai bao giờ thì chẳng vi phạm luật pháp nào cả. Thế nhưng, ngoài chữ Pháp, chữ Lý, ngoài chữ Đúng, chữ Sai, cũng đừng quên chữ Tình và chữ Đạo. Đừng vì tiền tài nhất thời mà bỏ qua giá trị lớn nhất, ấy là đạo làm người.
Ngày nay, đa phần tiền tài đều gắn liền với lòng tự trọng. Chúng ta kiếm được nhiều tiền thì mới “nở mày nở mặt” trước bạn bè, người thân. Thế là tự dưng, nhiều người sẽ quên mất, đồng tiền thực chất chỉ là một đơn vị để dự trữ giá trị dễ thay đổi, là phương tiện trao đổi giá trị này với giá trị khác chứ bản thân nó không có giá trị nào hết. Nó cũng không phải là rễ nguồn của sự sung túc, mà đơn giản là kết quả từ một quá trình.
Trong bộ phim Fight Club có sự tham gia của diễn viên Brad Pitt, có một lời thoại như thế này: “Những thứ mà chúng ta sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu chúng ta.” Càng trọng tiền tài, càng thêm thực dụng, chúng ta lại càng vướng sâu vào cái bẫy tâm lý “không bao giờ thấy đủ”. Bất kể sở hữu bao nhiêu tiền tài, bạn vẫn muốn kiếm thêm nữa. Cho dù những đồng tiền kiếm thêm phải đánh đổi bằng rất nhiều thứ trong cuộc đời, đó có thể là thời gian, sức khỏe, đạo đức và cả nguyên tắc làm người.
Thế nhưng, chẳng có một minh chứng nào chỉ ra rằng, tỷ phú thì hạnh phúc hơn nhân viên của mình, triệu phú thì sẽ vui vẻ hơn so với người thường ngoài kia. Họ kiếm ra nhiều tiền hơn, và họ có năng lực chi trả nhiều thứ hơn, sở hữu nhiều đồ quý giá hơn, nhưng không phải bất cứ lúc nào cũng vậy. Như câu danh ngôn của nhà văn Nga A.Bô-gô-mô-lét: "Cuộc sống không phải là tất cả, còn cần biết sống 1 cuộc đời vì mọi người, vì Tổ Quốc." Giá trị của một chữ Tình đối với mọi người bao giờ cũng vượt lên trên chữ Tài vị kỷ cho riêng bản thân.
Xuất phát từ chữ Tình ấy, người ta học được cách bao dung, sẻ chia, an ủi và cảm thông cho nhau. Chỉ một hành động nhỏ cũng có thể đem tới sức mạnh lớn, giúp đỡ mọi người cùng vững vàng hơn trong giờ phút nguy nan. Sống có tình, có đạo mới là sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Cây sống phải nhìn vào rễ, cũng như người sống phải nhìn vào tâm. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, hà tất phải khổ sở vì danh lợi bên ngoài. Công danh, tài vật vốn là của trời cho, có thể chợt đến và chợt đi, không thể nhìn thấu. Nếu cả đời chỉ biết trọng danh, trọng lợi, thì đến những năm tháng cuối cùng, dù cho bề ngoài bạn đã được như ý nguyện, nhưng sâu trong nội tâm, bạn có tìm được cho mình một chút an bình và thoải mái hay không? Trước khi sống giàu có, tại sao không sống chậm và sống đẹp trước đã?
Người thiện lương biết suy nghĩ cho kẻ khác, biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Có thể họ sẽ bị thiệt hại, có thể họ sẽ chịu tổn thương, nhưng giá trị về lòng người mà họ gặt hái được sẽ lớn hơn tất cả. Họ không làm thất vọng chính lương tâm của mình, do đó, cả đời có thể tâm an.
Kỳ thật, làm người tốt không khó, làm điều thiện cũng rất dễ dàng. Khó nhất là không đánh mất bản tính thiện lương của mình trước những cám dỗ cuộc đời, không vì ích lợi mà đẩy người khác vào cảnh nguy nan. Hãy nhớ rằng, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Người sống tốt, phúc báo tự nhiên sẽ đến trước mặt mà không cần tranh đua giành giật với ai.