Đối mặt với đường giá rẻ ngoại nhập, bao giờ doanh nghiệp Việt hết cảnh 'chạy cơm từng bữa'?
Dưới tác động của 'dòng thác' đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, khiến hàng loạt doanh nghiệp mía đường Việt Nam rơi vào cảnh "chạy cơm từng bữa".
- 05-12-2020Ngành mía đường “tổn thương” thế nào?
- 03-12-2020Ngành mía đường Ðồng bằng sông Cửu Long: Trước nguy cơ xóa sổ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%).
Đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước khiến giá đường thị trường nội địa của Việt Nam giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng giảm mạnh.
Giá mua mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.
Ông Đặng Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chủ tịch CTCP Mía đường Sơn La. Ảnh: Trang Nguyễn
Báo cáo thống kê cho thấy, nếu như trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019 - 2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020 - 2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, phá giá xuất phát từ Thái Lan.
Một doanh nghiệp chế biến mía đường lâu năm, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng cho biết, chưa bao giờ, doanh nghiệp mía đường thê thảm như lúc này.
"Riêng tại Sóc Trăng, vùng nguyên liệu sản xuất mía năm 2017 là 8.400 ha, năm 2018 còn 7.000 ha, giảm xuống 4.800 ha năm 2019, còn 2.400 ha năm 2020 và dự kiến còn dưới 2.000 ha trong năm tới", ông Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân khiến sản xuất thu hẹp bởi tình trạng hàng nhập khẩu quá lớn, chưa kể hàng trăm ngàn tấn đường nhập lậu không thể thống kê được với giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước, nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh. Thậm chí, Công ty Mía đường Sóc Trăng chỉ bán được 10%, còn lại tồn kho tới 90% sản lượng.
Là doanh nghiệp sản xuất đường lớn với nhà máy 18.000 tấn mía/ngày, cũng đồng thời là hộ tiêu thụ đường đáng kể để chế biến bánh kẹo, nhưng tác động từ đường nhập khẩu theo ATIGA và đường nhập lậu tới Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng rất nặng nề.
Ông Võ Thành Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cho hay, diện tích vùng nguyên liệu mía niên vụ 2019 - 2020 của Công ty đã giảm còn 72% so vụ 2018 - 2019; sản lượng đường giảm 42% so với vụ 2018 - 2019.
Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành Mía đường của họ.
Chính phủ Thái Lan không cho phép nhập khẩu đường, còn Indonesia và Philippines chỉ cho phép nhập đường tương ứng với sản lượng thiếu hụt trong nước và chỉ cho phép đường nhập khẩu được đưa vào thị trường sau khi đã kết thúc vụ ép mía.
Không những vậy, tại 3 nước này, nông dân trồng mía còn được hỗ trợ thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, gián tiếp và hệ thống chia sẻ lợi nhuận (profit sharing) với nhà máy nhằm bảo đảm thu nhập ổn định từ cây mía. Điều đó có nghĩa giá đường cao thì người nông dân sẽ được hưởng lợi lớn nhất (vì tỷ lệ nông dân có thể lên tới 66-70%).
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù đã được kéo dài bảo hộ thêm 2 năm, song ngành mía đường vẫn gặp khó khăn khi mở cửa hội nhập vì lượng đường nhập khẩu tăng đột biến.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 với các giải pháp cơ cấu vùng trồng, cơ cấu nhà máy, sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 2 nhóm mặt hàng đường. Với nỗ lực này, kỳ vọng sẽ có biện pháp bảo hộ hợp lý cho doanh nghiệp và người nông dân trồng mía trong thời gian tới.
Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường...
Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" diễn ra mới đây, ông Đặng Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chủ tịch CTCP Mía đường Sơn La đánh giá, nhìn chung thị trường mía đường Việt Nam vẫn rất khó khăn.
Theo ông Việt Anh, muốn phát triển vùng nguyên liệu, thị trường đường chính là đầu kéo giúp cho ổn định giá mua nguyên liệu.
"Thị trường phải ổn định giá cả, mà giá cả đó không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều mong muốn ổn định giá đường trong nước, từ đó ổn định giá nguyên liệu mía", ông Việt Anh nói.
Chủ tịch CTCP Mía đường Sơn La nhận định, để đảm bảo thị trường đường, chúng ta cần thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ chính, một là chống buôn lậu, hàng lậu tràn lan sang Việt Nam sẽ kéo giá đường xuống thấp ảnh hưởng đến giá nguyên liệu mía và người trồng mía.
Việc chống buôn lậu đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, và sự tham gia quyết liệt của các nhà máy, từ đó tạo nên tiếng nói chung, đồng thuận sức mạnh chống lại buôn lậu từ các địa phương và các vùng biên giới.
Hai là, chống gian lận thương mại, cụ thể là tạm nhập tái xuất hay hoạt động xuất khẩu. Đối với tình trạng buôn lậu, sẽ không thể tự do nhập hàng trăm tấn đường lậu về Việt Nam, thế nhưng vấn đề gian lận thương mại lại có thể lên hàng trăm tấn đường. Từ đó, gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại lớn cho các nhà máy mía đường và kéo giá đường xuống thấp. Điều này ép buộc các doanh nghiệp phải giảm giá mía.
Ba là, Việt Nam đã tham gia vào thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhằm mở rộng thị trường đường. Tuy nhiên, làm sao phải đảm bảo nông dân không xin nhà máy bảo hộ hay bảo hộ từ Chính phủ mà chỉ xin cạnh tranh công bằng và sòng phẳng.
Có nghĩa là tất cả các loại đường nhập khẩu chính thức trong khối như Thái Lan, Indonesia, Philippines nhập về Việt Nam, nếu có trợ cấp trợ giá thì phải được áp thuế quyết liệt nhằm triệt tiêu tất cả hành vi gian lận thương mại. Tránh tình trạng đưa một nền sản xuất mía đường chưa chắc đã hơn Việt Nam vào xóa xổ ngành mía đường Việt Nam, cướp miếng cơm manh áo sinh kế của nông dân Việt Nam và hàng ngàn công nhân ngành mía đường.
Nhà đầu tư