MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi mới sáng tạo: Nhìn từ cuộc điều tra thí điểm đầu tiên tại Việt Nam

Để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp phải quan tâm và chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cũng như con người...

Lần đầu tiên ở Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia điều tra thí điểm về hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. 

Cuộc điều tra cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng còn chưa mạnh, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo còn ít và mức độ đổi mới sáng tạo còn hạn chế, ông Trần Đắc Hiến, theo Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Còn hạn chế trong đổi mới sáng tạo

Những kết quả thu được từ cuộc điều tra này đã phản ánh điều gì về thực trạng hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Trước đó, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia đã điều tra thí điểm về hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nội dung điều tra tập trung vào mức độ hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Đây là một cuộc điều tra thí điểm trong khuôn khổ tiểu dự án First-Nasati để nắm bắt được mức độ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp đến đâu cũng như những vướng mắc trong hoạt động đổi mới sáng tạo.

Kết quả cuộc điều tra góp phần cung cấp các luận cứ thực tiễn, từ đó đề xuất các cơ quan có thẩm quyền bổ sung hoặc ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hiệu quả hơn; giúp doanh nghiệp đổi mới quản trị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa dịch vụ cung cấp ra thị trường.

Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó có hỗ trợ đổi mới sáng tạo bằng cơ chế tài chính. Gần đây nhất Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư 04/2018 quy định danh mục các cuộc điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia, trong đó lần đầu tiên pháp luật hóa quy định điều tra đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam. Cuộc điều tra này sẽ áp dụng phương pháp luận tiên tiến của Tổ chức OECD.

Cuộc điều tra đã cho thấy rõ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vẫn còn hạn chế. Trong số 7.641 phiếu điều tra thu được, có 4.709 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (61,63%), 2.841 doanh nghiệp không có hoạt động đổi mới sáng tạo (37,18%) và có 91 doanh nghiệp (1,19%) không xác định được đã thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo chưa.

Thực trạng này là do nhiều nguyên nhân trong đó có nhận thức của chủ doanh nghiệp. Theo tôi, thuật ngữ đổi mới sáng tạo mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam và lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Khoa học Công nghệ năm 2013, có hiệu lực từ năm 2014. Chính vì vậy, số lượng các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo còn ít. Cũng do nhận thức của chủ doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ, nhiều chủ doanh nghiệp chưa thấy được tác dụng, ý nghĩa cũng như sự cần thiết phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nên hoạt động đổi mới sáng tạo chưa quyết liệt, mạnh mẽ.

Có sự khác biệt, chênh nhau nào về ứng dụng và triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo trong các tập đoàn doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay không, thưa ông?

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có nhiều nội dung trong đó có đổi mới quản trị, đổi mới sản phẩm và đổi mới về quy trình công nghệ... Những doanh nghiệp quy mô nhỏ thường sẽ gặp khó khăn hơn so với các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn khi đổi mới công nghệ do nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế.

Với những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, trong đó có cả các doanh nghiệp nhà nước điển hình như Viettel, VNPT có điều kiện về tài chính hơn đã đầu tư cho quỹ khoa học công nghệ và hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp. Vì vậy, việc đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới công nghệ nói riêng thuận lợi hơn.

Tín hiệu tốt trong đầu tư nghiên cứu và phát triển

Ông đánh giá thế nào về thực trạng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Trong điều tra hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp đã đề cập đến nội dung có trích lập quỹ cho khoa học công nghệ và có bộ phận nghiên cứu và phát triển hay không. Chúng tôi thấy xu hướng hiện nay, đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên rất nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây.

Đặc biệt, cơ cấu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đã có sự thay đổi và gia tăng rất mạnh từ khu vực ngoài nhà nước. Nếu như trước đây cơ cấu tỷ lệ này trong khu vực ngoài nhà nước và Nhà nước là 30-70 thì hiện nay khu vực ngoài nhà nước đã chiếm hơn 50%.

Tôi cho rằng, đây là một tín hiệu rất tích cực của thị trường và của doanh nghiệp. Điều này cho thấy rõ nhận thực của doanh nghiệp và xã hội với khoa học công nghệ đã có bước chuyển biến rất quan trọng, đồng thời những tác động của các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ đã phát huy hiệu quả.

Từ cơ chế chính sách đến nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi, dẫn đến đầu tư cho khoa học công nghệ ở khu vực ngoài nhà nước đã tăng lên. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng, quy luật của thế giới khi đầu tư cho khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển từ khu vực ngoài nhà nước, nhất là trong doanh nghiệp phải chiếm tỷ lệ nhiều hơn đầu tư từ Nhà nước. Vốn đầu tư từ nhà nước cho khoa học công nghệ với doanh nghiệp được xác định chủ yếu là vốn mồi, còn doanh nghiệp phải đầu tư bằng nguồn vốn của chính mình.

Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư rất mạnh cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoạt động R&D điển hình như Tập đoàn Vingroup.

Đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn

Để có bức tranh tổng thể, rõ nét hơn về thực trạng hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thời gian tới, Cục có tiếp tục triển khai hoạt động điều tra thống kê tương tự với các loại hình doanh nghiệp khác ở Việt Nam không?

Từ trước tới nay, Việt Nam chưa có một cuộc điều tra thống kê chính thức nào về hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Trong năm 2019 này, chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức triển khai một cuộc điều tra chính thức về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến trong tháng 4-5 này sẽ gửi phiếu tới các doanh nghiệp và tháng 6 sẽ thu phiếu để xử lý thông tin.

Cuộc điều tra này vẫn tiếp tục lựa chọn các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từ đó có được bức tranh tổng thể hơn về hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp này. Tôi cho rằng, công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những ngành đòi hỏi về đổi mới sáng tạo, về quản trị, công nghệ thiết bị và sản phẩm, phương thức tiếp thị khá cao so với các ngành khác. Trên cơ sở cuộc điều tra này, chúng tôi sẽ nhân rộng sang các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác ở Việt Nam.

Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ra sao nếu không triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong bối cảnh hiện nay?

Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường nếu tự thân phải đổi mới sáng tạo. Hoạt động đổi mới sáng tạo cũng không phải chỉ diễn ra một lần mà doanh nghiệp phải liên tục không ngừng. Đổi mới sáng tạo là một phương thức để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường.

Tất nhiên, doanh nghiệp có thể chọn những nội dung phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của mình để triển khai chứ không phải thực hiện tất cả các vấn đề trong chuỗi đổi mới sáng tạo. Đôi khi đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp chỉ là những hoạt động rất nhỏ như đổi mới tiếp thị sản phẩm, đổi mới công nghệ hay sản phẩm... Để làm được điều này, tôi cho rằng các doanh nghiệp phải quan tâm và chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cũng như con người.

Nhưng thưa ông, thực tế hiện nay, tỷ lệ giữa cầu (Doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ) và bên cung (nghiên cứu) còn chênh nhau và tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ từ nghiên cứu còn thấp?

Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn khó khăn trong ứng dụng công nghệ khi thị trường khoa học công nghệ Việt Nam chưa phát triển mạnh. Chính điều này dẫn đến nguồn cung và cầu công nghệ trên thị trường khó gặp nhau. Thông tin về nguồn cung công nghệ chưa phong phú để các doanh nghiệp có thể lựa chọn các công nghệ thiết bị phù hợp với nhu cầu. Đơn vị tạo ra thiết bị công nghệ mới cũng không biết sẽ bán ở đâu, cho ai... Những vấn đề này sẽ được giải quyết nếu chúng ta có một thị trường khoa học công nghệ phát triển tốt, lành mạnh, minh bạch. Từ đó, việc tiếp cận, đổi mới, ứng dụng công nghệ sẽ thuận lợi hơn cho cả bên cung và cầu.

Theo Phan Anh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên