“Đội quân vịt canh gác vườn nho”: Bí kíp tồn tại 300 năm của một nhà máy rượu vang
Ảnh: Rodger Bosch
Một nhà máy sản xuất rượu vang hảo hạng ở Nam Phi đã tiết lộ bí quyết để tồn tại qua ba thế kỷ một phần là nhờ chính những chú vịt. Vậy chúng đóng vai trò như thế nào trong quá trình sản xuất rượu?
- 15-07-2022Chuyên gia tài chính Jim Cramer: Nhà đầu tư bán cổ phiếu là sai lầm!
- 15-07-2022Thủng đáy 24 năm, yên Nhật là "nạn nhân" bất ngờ của cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu
- 15-07-2022Tỷ giá euro – USD “thủng đáy”: Triển vọng ảm đạm với kinh tế châu Âu
Ngành công nghiệp trồng nho của Nam Phi sử dụng khoảng 270.000 nhân công để sản xuất ra một số loại rượu vang được nhiều người săn lùng nhất thế giới. Nhưng không phải công việc nào cũng phù hợp với con người. Trong một số trường hợp, vịt lại là "công nhân" tuyệt vời hơn cả.
Nằm bên bờ sông Eerste, Vergenoegd Löw The Wine Estate là một trong những nông trang lâu đời nhất Nam Phi. Nơi đây duy trì một phương pháp có từ nhiều thế kỷ trước là dùng vịt để giữ cho vườn nho không bị sâu bệnh.
Lấy cảm hứng từ những con vịt loại bỏ sâu bệnh trên những cánh đồng lúa ở châu Á, nhà máy rượu vang ở đây thả khoảng 1.600 con vịt vào vườn nho với mục đích sản xuất rượu vang bền vững hơn.
CEO Corius Visser nói: "Tôi gọi những chú vịt là những người lính trong vườn nho. Chúng sẽ ăn rệp, ốc và sâu bọ. Chúng giữ cho cây không bị sâu bệnh".
Vịt đã trở thành "lính tuần tra" tại Vergenoegd Löw The Wine Estate kể từ những năm 1980 và quét sạch các loài sâu bọ có hại cho cây nho.
Từ năm 1980, hàng trăm con vịt đã đi "tuần tra" trong vườn nho của Vergenoegd Löw The Wine Estate. Đây là phương pháp có từ hàng trăm năm trước để giữ cho vườn nho không bị sâu bệnh. Ảnh: Rodger Bosch.
Ngày nay, nhá máy sản xuất rượu vang "thuê" khoảng 1.600 chú vịt chạy Ấn Độ, loài vịt có khứu giác đặc biệt phát triển. Chúng sẽ đi quanh vườn nho, ăn sâu bọ và bón phân cho đất. Ảnh: Rodger Bosch.
Giống vịt chạy Ấn Độ (Indian runner duck) là loài không biết bay, có dáng đứng thẳng và khứu giác đặc biệt phát triển. Đội quân vịt lang thang 14 ngày trong vườn nho. Chúng ăn sâu bọ và đồng thời bón phân cho đất.
Visser cho biết kỳ nghỉ hàng năm của đội quân vịt diễn ra vào mùa thu hoạch để chúng không ăn mất nho. Đàn vịt khi ấy sẽ kiếm ăn trên đồng cỏ của nông trại, bơi tung tăng trong hồ và đẻ trứng.
Giám đốc bộ phận nếm rượu Gavin Moyes cho biết trứng vịt sẽ được giao cho nhà hàng ở nông trại chế biến thức ăn. Nhưng các đầu bếp sẽ không làm thịt những chú vịt vì họ coi chúng là "đồng nghiệp".
Visser giải thích: "Thế giới đang chuyển dần từ canh tác thông thường sang hữu cơ hơn một chút. Đối với Vergenoegd, đó là một mục tiêu lớn… để tránh gây ảnh hưởng đến Trái đất, mặt đất và môi trường". Trang trại bao gồm một số sáng kiến bền vững khác, chẳng hạn như một nhà máy điện mặt trời và một khu bảo tồn đất ngập nước rộng 25 ha.
Đội quân vịt không làm việc quanh năm, chúng được "nghỉ phép năm" vào mùa thu hoạch để không ăn mất nho trong vườn. Trong thời gian đó, chúng kiếm ăn trên đồng cỏ nông trại, bơi lội và đẻ trứng. Ảnh: Rodger Bosch.
Là một nhà sản xuất rượu tiên phong có sức ảnh hưởng trong ngành, Vergenoegd Löw hy vọng sẽ thuyết phục được những người khác áp dụng phương pháp của mình.
CEO Visser cho biết vườn nho có kế hoạch bán 750 con vịt cho những vườn khác và bổ sung số lượng bằng cách nuôi thêm chim. "Chúng tôi có thể khẳng định rằng mình sở hữu những con vịt chạy không chỉ tốt nhất Nam Phi mà còn tốt nhất thế giới", ông nói.
Visser nói thêm: "Tôi nghĩ rằng bản thân ngành này có tiềm năng tham gia nhiều cách thử nghiệm hơn". Điều đó cần đến tiền bạc và việc rượu vang Nam Phi trên thế giới tăng giá có thể giúp tài trợ cho Vergenoegd Löw và sáng kiến xanh của các vườn nho khác.
"Nếu chúng ta có thể đạt được điều đó, chúng ta có thể dành một phần lợi nhuận cho con người, cho đất đai của chúng ta và trở nên bền vững hơn", Visser khẳng định.
Ngoài đội quân vịt canh giữ vườn nho, nhiều loài động vât khác trên thế giới có những công việc và chức vụ khiến nhiều người sẽ phải ngạc nhiên.
Ở quốc gia láng giềng Mozambique, chuột châu Phi từ lâu đã có nhiệm vụ đánh hơi các mỏ đất. Chúng được nhóm nghiên cứu khai thác mỏ của Bỉ huấn luyện. Những con chuột này có khứu giác nhạy bén và có thể dễ dàng tiếp thu các kỹ năng được dạy. Ảnh: Alexander Joe.
Đối với những mối đe doạ về bom mìn dưới nước, Hải quân Mỹ triển khai huấn luyện cho sư tử biển và cá heo. Chúng đã hỗ trợ các hoạt động quân sự ở Vịnh ba Tư, giúp bảo vệ người bơi và phát hiện các vật thể lạ dưới nước. Ảnh: Sandy Huffaker.
Ở thị trấn Baden-Baden, tây nam nước Đức, những đàn dê lùn chính là máy cắt cỏ của Mẹ Thiên nhiên. Ảnh: Uli Deck.
Câu lạc bộ quần vợt All England được xem là "mái nhà" của Wimbledon. Hệ thống mắt diều hâu (Hawk-Eye system) là công nghệ được lắp đặt ở sân để theo dõi bóng trong các trận đấu. Nhưng trên không còn có một hệ thống khác vận hành bởi chính những chú diều hâu để đuổi chim bồ câu ra khỏi sân. Ảnh: AELTC/Anthony Upton.
Chú chim cánh cụt hoàng đế nổi tiếng với tên "Ngài Nils Olav" đã đi vào lịch sử khi trở thành chú chim cách cụt đầu tiên được phong tước hiệu hiệp sĩ vào năm 2008. Nils Olav cũng là thành viên danh dự của Đội cận vệ Hoàng gia Na Uy và được phong Chuẩn tướng năm 2016. Ảnh: Ed Jones.
Động vật hoàng gia đạt đến một cấp độ mới khi một số thị trấn nhỏ ở Mỹ bầu chó làm thị trưởng. Trong số đó phải kể đến Wilbur, một chú chó bull Pháp, được bầu làm thị trưởng của Rabbit Hash, bang Kentucky. Ảnh: Albert Cesare.
Tại số 10 phố Downing, người ta thường sẽ bắt gặp thủ tướng nước Anh và cả chú mèo Larry. Larry là con mèo quyền lực nhất nước Anh. Nó được phong chức vụ "Tổng quản Bắt chuột" của Văn phòng Nội các với nhiệm vụ chính là ngăn chặn các loại gặm nhấm. Ảnh: Tolga Akmen.
Và không thể không nhắc đến chuột chũi Punxsutawney Phil, một trong những động vật nổi tiếng nhất với tài dự đoán thời tiết. Hàng năm, chuột chũi Phil chui ra khỏi hang trước sự chứng kiến của hàng nghìn người ở Punxsutawney, Pennsylvania. Họ chờ xem chuột Phil có nhìn thấy bóng của mình hay không. Theo truyền thuyết, nếu chú chuột nhìn thấy bóng của mình thì mua đông sẽ kéo dài thêm 6 tuần nữa. Ảnh: Jeff Swensen.
Nguồn: CNN