Đối tác Ấn Độ có thể sẽ sản xuất và phân phối vắc xin Nanocovax là ai?
Nguồn ảnh: nanogenpharma
Ngày 8/8, công ty Nanogen đã hoàn thành ký kết thỏa thuận NDA nhằm chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc xin Nanocovax cho một công ty Ấn Độ - Vekaria Healthcare.
- 09-08-2021Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vaccine Nanocovax
- 04-08-2021Đang đàm phán để đưa vắc xin Nanocovax của Việt Nam sang thử nghiệm và sản xuất đại trà tại Ấn Độ
Nanogen đã ủy quyền cho Đại sứ Phạm Sanh Châu đại diện cho Công ty đàm phán với nhiều đối tác Ấn Độ để chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax. Đối tác tiềm năng nhất với Nanogen hiện là Công ty Vekaria Healthcare.
Buổi ký kết biên bản Thỏa thuận Bảo mật (NDA) được tổ chức trực tuyến ngày 8/8 giữa ông Yogendra Vekaria, Giám đốc điều hành Công ty Vekaria Healthcare và ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen. Đây là cơ sở để hai bên tiến đến các nội dung hợp tác sâu hơn về sản xuất và phân phối Nanocovax một khi được các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Veiaria Healthcare là công ty như thế nào?
Vekaria là tên gọi chung của tập đoàn Ấn Độ kinh doanh đa ngành thành lập từ năm 1963. Tập đoàn chuyên về sản xuất các công cụ cơ khí, nổi bật nhất là các loại máy làm trang sức. Theo giới thiệu, các loại máy này chiếm đến 80% thị phần sản phẩm chuyên dụng và xuất khẩu đi hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tập đoàn còn mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và đầu tư tài chính.
Vekaria Healthcare là công ty con của Tập đoàn Vekaria, được thành lập năm 2016 tại bang Gujarat miền Tây Ấn Độ. Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cùng với lợi thế về kỹ thuật cơ khí, Vekaria Healthcare đã phát triển thành công máy đo mật độ điểm vàng (Macular Densitometer) để kiểm soát và phòng ngừa các bệnh dẫn đến mù không thể chữa khỏi, với mục đích giảm chi phí công dành cho các bệnh này ở Ấn Độ.
Năm 2020, Vekaria Healthcare lập Lực lượng Phản ứng Nhanh để đối phó với sự lan tràn mạnh mẽ của đại dịch COVID-19. Công ty cung cấp những dụng cụ y tế thiết yếu cơ bản cho nhân viên y tế, cảnh sát và nhân viên vệ sinh khắp Ấn Độ, bao gồm nước sát khuẩn tay Germ Scare, găng tay, khẩu trang, bộ đồ bảo hộ y tế, v.v.
Hướng đi sắp tới của Vekaria Healthcare
Đối tác Ấn Độ của Nanogen cho biết bộ phận nghiên cứu và phát triển của Vekaria đang tập trung vào các sản phẩm cần thiết để vượt qua đại dịch COVID-19. Sau sản phẩm mang thương hiệu Germ Scare đã ra mắt, công ty sẽ sớm đưa ra thị trường bộ xét nghiệm nhanh tại nhà.
Bên cạnh bộ xét nghiệm kháng thể, Vekaria cũng cho biết đã thành công ở giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đối với bộ xét nghiệm RT-PCR, khẳng định nhiễm virus sau khi thử nghiệm 5-6 giờ. Công ty sẽ sớm nộp đơn xin công nhận lên Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho sản phẩm này, đồng thời chuẩn bị cơ sở để đưa các bộ xét nghiệm vào sản xuất quy mô lớn.
Phát triển vắc xin và thuốc đặc trị COVID-19 cũng là ưu tiên đầu tư hàng đầu của Công ty Vekaria Healthcare.
Chưa có báo cáo chính thức về hiệu lực bảo vệ của Nanocovax
Nanocovax là loại vắc xin COVID-19 do Công ty Công nghệ sinh học Dược phẩm Nanogen (trụ sở tại Khu công nghệ cao TP. HCM) nghiên cứu và phát triển. Vắc xin đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba tại Việt Nam.
Trong hôm 7/8 vừa qua, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y Sinh học Quốc gia khẳng định đến nay Hội đồng chưa nhận được hồ sơ, báo cáo chính thức nào về hiệu lực bảo vệ của vắc xin phòng COVID-19 Nanocovax.
Hội đồng cho biết: Vào ngày 3/8, Hội đồng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 1, đánh giá kết quả giữa kỳ TNLS giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại và ghi nhận tiến độ triển khai TNLS giai đoạn 3a (giai đoạn đầu của giai đoạn 3, hiện chưa có báo cáo kết quả chính thức) của vắc xin phòng COVID-19 Nanocovax.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng về việc cần thành lập ngay tổ hỗ trợ, phân tích, đánh giá, giám sát số liệu và quy trình của 2 đơn vị tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, và phải có báo cáo trước ngày 14/8.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Hội đồng cân nhắc xem xét có nên tiến hành thêm 1 nghiên cứu bổ sung về việc tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 Nanocovax hay không, đồng thời, bổ sung các chủng mới của virus SARS-CoV-2 (chủng Delta) vào nghiên cứu ở thời điểm thích hợp.
Viettimes