Đối tác “tỷ USD” của Việt Nam trong CPTPP
Hiện nay, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và hầu hết các thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đạt con số từ 1 tỷ USD/năm trở lên.
- 13-03-2018Vắng bóng Mỹ, Việt Nam sẽ “mất mát” nhiều trong CPTPP (TPP-11)?
- 12-03-2018CPTPP sẽ không tác động đột ngột tới thu ngân sách của Việt Nam
- 12-03-2018Viện trưởng Viện Mekong: "CPTPP chủ yếu mang lại lợi ích cho người giàu!"
Chiếm 15,84% tổng kim ngạch XNK cả nước
Trong số 10 thành viên còn lại của CPTPP, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ 4 trong tổng số các bạn hàng của nước ta trên toàn thế giới (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ). Năm 2017 ghi nhận kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và đối tác truyền thống này đạt hơn 33,4 tỷ USD. Trong đó Việt Nam đạt được thặng dư thương mại khoảng 250 triệu USD.
Các đối tác “tỷ USD” khác là Malaysia (XK đạt 4,209 tỷ USD, NK 5,86 tỷ USD); Singapore (XK đạt 2,961 tỷ USD, NK đạt 5,3 tỷ USD); Australia (XK đạt 3,3 tỷ USD, NK đạt 3,16 tỷ USD); Canada (XK 2,7 tỷ USD, NK đạt 774 triệu USD); Mexico (XK 2,34 tỷ USD, NK đạt 567 triệu USD); Chi Lê ( XK 1 tỷ USD, NK đạt 283 triệu USD).
Dù chỉ có 10 đối tác thương mại nhưng tổng trị giá kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP đạt hơn 67,33 tỷ USD vào năm 2017, chiếm 15,84% tổng trị giá kim ngạch XNK của cả nước trong năm ngoái. Tính bình quân, với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, năm 2017, nước ta đạt bình quân kim ngạch trên 2 tỷ USD mỗi thị trường. Trong khi đó, nếu tính riêng các thành viên CPTPP, mức kim ngạch bình quân đạt hơn 6,7 tỷ USD/thị trường, tương đương gần 3,5 lần mức bình quân chung cả nước.
Dù những dữ liệu, so sánh nêu trên mới ở mức tương đối và số học, nhưng cũng cho thấy phần nào tầm quan trọng của CPTPP trong hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta.
Thêm một điểm đáng chú ý, Việt Nam đạt được mức thặng dư thương mại với hầu hết các đối tác. Chỉ 3 bạn hàng Việt Nam bị thâm hụt thương mại và cả 3 quốc gia đều nằm ở khu vực Đông Nam Á là Singapore (thâm hụt hơn 2,33 tỷ USD); Malaysia (thâm hụt hơn 1,65 tỷ USD) và Brunei (thâm hụt hơn 13 triệu USD).
Rõ ràng, với nền kinh tế đang chú trọng đẩy mạnh hoạt động sản xuất xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, với những ưu đãi về thuế quan và sự thông thoáng trong các hàng rào kỹ thuật, CPTPP sẽ mang lại những cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp XNK ở Việt Nam (gồm cả cả doanh nghiệp trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Rộng cửa cho nhiều ngành hàng chủ lực
Với việc mở cửa thị trường theo các cam kết trong CPTPP, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng kim ngạch. Nhất là những lĩnh vực xuất khẩu lớn như điện thoại, máy vi tính, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị…
Điển hình như thị trường lớn nhất là Nhật Bản, năm 2017 ghi nhận có 5 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đặc biệt, ở thị trường lớn nhất CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của nước ta không dựa vào điện thoại hay máy tính, mà tập trung vào những ngành hàng truyền thống như dệt may, thủy sản, đồ gỗ hay hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo là phương tiện vận tải, máy móc thiết bị.
Trong đó, dệt may là ngành hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá kim ngạch lên đến hơn 3,1 tỷ USD; tiếp đến là phương tiện vận tải đạt 2.177 tỷ USD; máy móc thiết bị đạt 1,718 tỷ USD; thủy sản 1,3 tỷ USD; gỗ đạt 1,022 tỷ USD. Với những ngành hàng như dệt may, thủy sản trước vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ thì sự chuyển hướng mạnh sang Nhật Bản thời gian gần đây là một tín hiệu tích cực. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận thị trường lớn nhưng cũng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như đất nước “Mặt trời mọc”, mà còn giúp giảm thiểu những khó khăn trước những biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Các ngành xuất khẩu quan trọng là dệt may, giày dép, thủy sản đang là những nhóm hàng xuất khẩu lớn, quan trọng vào Canada, Chi Lê, Australia… cũng tiếp tục có cơ hội lớn khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Trong khi đó, điện thoại, máy tính sẽ rộng cửa hơn trong việc tăng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu sang Malaysia, Indonesia, Singapore, Mexico, New Zealand…
Theo một báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra ngày sau khi CPTPP được ký kết, WB nhận định, đối với Việt Nam, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, WB cũng dự báo CPTPP giúp tăng trưởng đầu tư nước ngoài và kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động tại Việt Nam. Nhờ đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, CPTPP có khả năng thúc đẩy cải cách trong nhiều lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ (tài chính, viễn thông, và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại…
Báo hải quan