Đối thoại với chủ tịch Asanzo: “Đừng gọi tôi là cá mập”
Doanh nhân Phạm Văn Tam đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về quỹ đầu tư trị giá 5 triệu USD mà mình lập ra để nhắm tới các Startup có liên quan đến hệ sinh thái của Asanzo.
Sở hữu doanh nghiệp nghìn tỉ và quỹ đầu tư trị giá 5 triệu USD nhưng doanh nhân Phạm Văn Tam vẫn không xem mình là cá mập. Thay vào đó, ông muốn mọi người nhìn mình và Asanzo như là một doanh nghiệp dẫn dắt các dự án khởi nghiệp.
Tiếp xúc với rất nhiều startup thời gian qua, ông đánh giá thế nào về các doanh nhân trẻ cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta hiện nay?
So với thời của tôi, giới khởi nghiệp hiện tại có rất nhiều thuận lợi. Phong trào khởi nghiệp do chính phủ phát động đã giúp thu hút nguồn lực lớn của xã hội. Hàng loạt các chương trình hỗ trợ, các vườn ươm, các diễn đàn, cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức với quy mô lớn giúp khích lệ và động viên tinh thần làm chủ cho người trẻ. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chấp nhận rót vốn vào các dự án có tiềm năng sinh lãi.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta vẫn còn thiếu một mắc xích rất quan trọng, đó là những doanh nghiệp dẫn dắt. Đó là những tập đoàn, công ty lớn, đứng đầu ở các lĩnh vực trọng điểm. Với tiềm lực mạnh mẽ, kinh nghiệm dày dạn và và hệ thống rộng khắp, họ sẽ giúp nhà khởi nghiệp bước vững vàng hơn và tránh đi các sai lầm căn bản không cần thiết.
Đó có phải là lý do mà ông thành lập quỹ đầu tư của mình?
Đối với một số nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mạo hiểm, rót vốn vào các startup là một cách để kiếm tiền. Tuy nhiên, bản thân tôi không chọn con đường này. Tôi muốn đóng vai trò như một kiến trúc sư, muốn mang lại giá trị thực cho xã hội và hướng tới sự bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực thế mạnh của mình là điện tử và công nghệ. Thế nên đừng gọi tôi là “cá mập”.
Cách đây 1 năm, tôi đã dành ra 5 triệu USD để lập nên một quỹ đầu tư và hướng tới việc hỗ trợ, đồng hành cùng các dự án có liên quan đến định hướng phát triển của tập đoàn Asanzo. Tôi tin với kinh nghiệm thực tế của mình đúc kết trong 20 năm qua, cùng với hệ thống nhân, vật lực và đại lý phân phối trải rộng khắp 63 tỉnh thành của Asanzo, các dự án được rót vốn sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn và hạn chế được những thiệt hại không cần thiết.
Tiếp xúc nhiều với giới trẻ, tôi nhận ra không ít bạn vẫn nhận định sai vai trò của ý tưởng trong khởi nghiệp. Họ thường chùn chân khi phát hiện ra ý tưởng của mình đã được một đơn vị khác, thậm chí là một ông lớn thực hiện. Thực tế hiện nay rất hiếm có sản phẩm nào là tiên phong, đa số đều đi theo những cái đã có và có sự cải biến, tùy chỉnh cho phù hợp với thị trường. Ở điểm này, Asanzo có thể hỗ trợ rất tốt cho các bạn vì hiểu thị trường trong nước vốn là thế mạnh của chúng tôi.
Vì sao trong hơn 1 năm qua, vẫn chưa có đơn vị nào lọt vào mắt xanh của ông?
Dù có hàng trăm hồ sơ gửi về cho quỹ khởi nghiệp trong năm qua, cùng với đó là rất nhiều founder tìm đến gặp trực tiếp với tôi nhưng hiện tại, số tiền 5 triệu USD vẫn chưa tìm được người sử dụng phù hợp. Nguyên nhân một phần vì các dự án vẫn chưa thực sự phù hợp với định hướng của Asanzo. Nhưng chủ yếu đến từ chính các founder.
Sự kiên trì là điều rất quan trọng nhưng các nhà khởi nghiệp tìm đến chúng tôi đa phần chưa có. Rất nhiều bạn nhanh chóng bỏ cuộc chỉ sau 1 lần đến gặp và trình bày dự án với tôi. Có người thậm chí không cho thấy được nhiệt huyết và đam mê với startup của mình. Họ thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày hời hợt khi đến gặp mặt nhà đầu tư. Khi nói về dự án, đa phần đều có cái nhìn quá lạc quan và phi thực tế với sản phẩm, thị trường và khả năng quản trị của mình.
Vậy làm sao để các dự án tiếp cận được quỹ đầu tư của Asanzo?
Trước hết, dự án phải có sự tương hợp với hệ sinh thái sản xuất của chúng tôi. Hiện tại Asanzo đang hướng tới việc dẫn đầu ngành điện tử và công nghệ trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế. Ngoài các dự án liên quan đến điện tử, công nghệ cao, các doanh nghiệp phụ trợ nhằm nâng tỉ lệ nội địa hóa của Asanzo cũng được chúng tôi đánh giá cao.
Tiếp theo, các founder cũng cần có định hướng và mục tiêu phát triển xa như Asanzo. Nếu các bạn chỉ khởi nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ, hoặc xem startup như trào lưu, một cách để thể hiện mình thì chúng tôi sẽ không tiếp nhận.
Trong 5 năm tới, chúng tôi muốn trở thành tập đoàn dẫn đầu ngành sản xuất điện tử trong nước và hướng tới xuất khẩu ra quốc tế. Để đạt được 2 mục tiêu trên, chúng tôi đang lên kế hoạch xây dựng khu công nghiệp riêng dành riêng cho ngành điện tử. Đây là nơi tập trung cơ sở sản xuất của tập đoàn, các doanh nghiệp phụ trợ, các nhà cung cấp linh kiện, các công ty công nghệ... Và tất nhiên, chúng tôi luôn có chỗ cho những nhà khởi nghiệp có cùng chí hướng với Asanzo trên hành trình đưa sản phẩm và trí tuệ của người Việt vươn ra thế giới.