MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi vàng lấy "giấy", có là mơ?

13-07-2016 - 10:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Thuyết phục được dân đổi lấy chứng chỉ là điều không hề dễ. Người Việt lâu nay thường mua vàng phòng thân, vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn, thói quen này đã ăn sâu bám rễ từ bao đời nay.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu việc huy động vàng và tiền trong dân nhằm tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế quốc gia. Ngay sau đó, câu chuyện kéo hay không kéo hũ vàng chôn dưới gầm giường của người dân đã được các chuyên gia kinh tế bàn luận trái chiều.

Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn và kiến nghị Thống đốc NHNN thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, nhằm đỡ lãng phí khoản vàng này.

Ý tưởng thành lập Sàn giao dịch vàng Quốc gia không còn mới, bởi đề xuất này đã được kiến nghị cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Rõ ràng, ống bơ cất vàng, tiền mặt trong dân là rất lớn, đất nước đang cần mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, "lôi" được số tiền đó được mang ra kinh doanh, sản xuất, tạo ra của cải vật chất, thúc đẩy môi trường kinh doanh là điều quá tốt mà ai cũng thừa nhận.

Về mục đích là tốt song xung quanh vấn đề này đã dấy lên rất nhiều câu hỏi.

Người dân đổi vàng lấy gì?

Có đề xuất cho rằng, người dân mang vàng đổi lấy chứng chỉ vàng. Chính phủ nhận vàng từ dân rồi trao cho họ các chứng chỉ vàng. Phát hành chứng chỉ vàng được xem là một kênh huy động vốn như trái phiếu cho Chính Phủ.

Thậm chí, chứng chỉ này sau đó có thể được dùng để chuyển nhượng, sang tên hoặc cầm cố đi vay vốn, thế chấp...làm tăng tính thanh khoản của vàng, thay vì nằm chết trong góc tủ của người dân.

Song ý tưởng này lại gặp phản bác vì cho rằng như vậy có khác gì một hình thức in thêm tiền, áp lực gia tăng lạm phát.

Đó là chưa kể, thuyết phục được dân đổi lấy chứng chỉ là điều không hề dễ. Thói quen lâu nay của người Việt là mua vàng phòng thân, vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn, thói quen này đã ăn sâu bám rễ từ bao đời nay. Do vậy, rất khó để thuyết phục họ từ bỏ thói quen mua vàng bỏ ống rồi lại đưa cho người khác sử dụng. Lúc này, niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế và cả những cam kết của Nhà nước là vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, một luồng quan điểm cho rằng hầu hết những ai đã chọn vàng thì đều coi vàng là điểm cuối của niềm tin. Nói theo cách của một nhà đầu tư nổi tiếng người Thụy Sĩ thì vàng là đồng tiền chân thật bởi các ngân hàng trung ương không thể in nó như tiền ( Gold is an honest currency).

Nhà nước lấy gì trả lãi cho dân?

Huy động vàng có thể không mất lãi suất để chi trả, nhưng Nhà nước lại có thể phải trả lãi rất lớn cho dân, ấy là sự bấp bênh về giá. Giả sử, Chính phủ huy động vàng khi giá 35 triệu đồng/lượng, nhưng khi trái phiếu đáo hạn, thị trường vàng lên giá 40 triệu, vậy Chính phủ lấy tiền ở đâu bù vào khoản chênh 5 triệu đồng/lượng ấy, hay lại lấy tiền ngân sách - tiền của dân đóng thuế - rồi hoàn lại dân? Thế nên, rất cần những lý giải cho thắc mắc kéo 500 tấn vàng ra khỏi hũ, có phải là dân cho vay và tự trả lãi cho mình?

Hoặc ngược lại, Chính phủ huy động vàng của dân ở thời điểm giá cao, khi giá sụt, lúc này ai sẽ là chịu thiệt, ai là người được lợi?

Dẫu rằng, lên xuống rủi ro là chuyện bình thường với người cầm vàng. Song thay vì phập phồng chờ đợi đáo hạn trái phiếu, thì người dân có thể linh hoạt bán ra cắt lỗ hoặc bán ra chốt lời lúc nào tùy thích.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận, khi người dân gửi vàng và nhận lãi, đương nhiên lãi lấy từ ngân sách và ngân sách là do dân đóng góp. Tuy nhiên cũng cần phân biệt nguồn thu của ngân sách và đầu ra của ngân sách. Có người đóng góp vào ngân sách mà không có vàng và người khác thì lại có vàng. Tất cả đều được phân phối hợp lý, công bằng.

Điều quan trọng là hiệu quả có được từ số vàng đã huy đông được như thế nào? Có thể dùng làm tài sản đảm bảo cho các món nợ vay của nước ngoài, hỗ trợ nền kinh tế hoặc cho Bộ Tài chính vay dùng làm tài sản đảm bảo, tăng ngân sách, hỗ trợ sản xuất kinh doanh rồi từ đó sinh ra các phúc lợi cho nền kinh tế.

Tựu chung lại, mục đích tích cực từ việc huy động vàng trong dân không ai phủ nhận song phương án này có khả thi hay không lại là điều còn nhiều tranh cãi.

Động chạm đến vàng - tài sản giá trị, hữu hình nhưng cốt lõi của vấn đề được tranh cãi ở đây nằm ở tâm lý và niềm tin - những yếu tố vô hình. Làm sao thay đổi được tâm lý nặng nề coi vàng là tài sản an toàn, để tích trữ, để phòng thân? Muốn khả thi hay không, chính sách nào cũng cần phải tôn trọng tư duy này.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên