Đói vốn, chủ nợ kêu trời, tiền không thiếu nhưng tắc ở đâu đó
Nghịch lý “có tiền không tiêu được” đang ngày càng nan giải, trong khi nhiều “chủ nợ” cũng sốt ruột kêu trời khi tiền cho vay không thể giải ngân.
Hàng loạt dự án “đói” vốn, chậm tiến độ
Báo cáo tình hình thực hiện các công trình dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải trong Quý 2/2019 của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy hàng loạt dự án trọng điểm của ngành Giao thông vận tải (GTVT) chậm tiến độ.
Đó là trường hợp cao tốc Bến Lức - Long Thành, sử dụng nguồn vay ODA từ ADB, JICA. Đến nay, khối lượng thi công toàn dự án mới đạt 74%, chậm tiến độ 11,7% so với kế hoạch đề ra.
Bộ GTVT đánh giá dự án cao tốc Bên Lức - Long Thành khó hoàn thành trong năm 2020 theo kế hoạch. Nguyên nhân chậm tiến độ của các gói thầu thuộc dự án chủ yếu do thiếu vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng chậm, nguồn cát san lấp nền khó khăn, vốn ngân sách “tắc” và năng lực thi công nhà thầu không bảo đảm.
Metro Bến Thành - Suối Tiên chưa thể giải ngân vì vướng thủ tục |
Còn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT cũng cho hay đang chậm tiến độ. Khó khăn chính của dự án này là không huy động được vốn vay cho dự án, giải phóng mặt bằng chậm.
Một loạt dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM như metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng lâm cảnh “đói vốn”.
Thế nhưng, điều đáng nói, nhiều dự án đầu tư công nằm chờ vốn, nhưng thực tế tiền lại đang nằm đọng lại, không giải ngân được. Nhiều điểm vướng mắc khiến dòng vốn đầu tư công không chảy vào dự án đã được liệt kê.
Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2019 rất thấp, chỉ đạt 32,27% kế hoạch được Quốc hội thông qua, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 10,96%, thấp hơn nhiều so với cùng kì năm 2018.
Hồi tháng 6, nhóm 6 ngân hàng phát triển là Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cũng đã đưa ra những cảnh báo về tiến độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam.
Báo cáo của nhóm nhà tài trợ vốn này cho thấy, hiệu quả của các dự án đã giảm rất nhiều kể từ giai đoạn 2014-2015. “Đang rất kém”, “nghiêm trọng” là những từ được đại diện 6 ngân hàng đánh giá về tiến độ giải ngân vốn ODA. Hiệu quả của các dự án đã giảm rất nhiều kể từ giai đoạn 2014-2015.
Tỷ lệ giải ngân - một chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả thực hiện - đã giảm từ mức cao 23,1% trong năm 2014 xuống chỉ còn 11,2% trong năm 2018. Tỷ lệ giải ngân 11,2% của các dự án đã được thực hiện trong thời gian tương đối dài phản ánh các vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động thực hiện. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của 6 ngân hàng phát triển. Cụ thể, tỷ lệ trung bình toàn cầu của ADB và WB lần lượt là 21% và 20,2% trong năm 2018.
“Nếu Việt Nam đạt được tỷ lệ 21% trong năm 2018 sẽ giải ngân thêm được 1,8 tỷ USD, bằng khoảng 0,75% GDP của đất nước”, nhóm ngân hàng cho hay.
Trướ tình hình đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các nhà tài trợ vốn đã phải có cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân ( tại đây ).
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc chậm tiến độ. Ảnh: Lương Bằng |
Vốn tắc, dự án chậm: Tăng trưởng ảnh hưởng
Báo cáo mới đây của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng nhận định tình trạng giải ngân thấp so với kế hoạch giao chưa được khắc phục kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân.
Năm 2018, mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ đạt 53,65% kế hoạch Quốc hội giao. Trong 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn này mới giải ngân được gần 2.000 tỷ đồng, đạt khoảng 7% (trên tổng số hơn 28.000 tỷ đồng kế hoạch được giao).
“Đây là số liệu giải ngân rất thấp, cần sớm có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc”, Ủy ban này đánh giá.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chậm, sớm đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
Tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức, TS Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng đây là vấn đề “rất đáng nói” bởi việc giải ngân vốn đầu tư công thực tế là “rất chậm”.
Cho rằng “nhiều người không hy vọng có bứt phá, thay đổi đáng kể về giải ngân đầu tư công” trong những tháng cuối năm, TS Võ Trí Thành chỉ ra hàng loạt lý do.
Lý do thứ nhất là những vướng mắc pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công, rồi Luật Quy hoạch. Thứ hai, liên quan đến câu chuyện quan hê giữa Việt Nam với các nhà tài trợ, có những vấn đề còn cách hiểu khác nhau về quy trình, giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng liên quan ODA. Lý do thứ ba, là sự tương thích giữa kế hoạch ngân sách hàng năm với kế hoạch ngân sách trung hạn có những va đập, mắc mớ, không tương thích.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, trong bối cảnh quyết liệt chấn chỉnh bộ máy nhà nước, chống tham nhũng, thì dựa trên pháp luật hiện nay, không tránh khỏi cảm giác “sợ hãi” của một số công chức khi thực thi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy, nó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, bởi vốn là một trong ba yếu tố quan trọng nhất tạo ra GDP. Đặc biệt, việc giải ngân chậm gây lãng phí lớn khi tiền nằm đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn.
Vietnamnet