Đòn bẩy từ chính sách visa thông thoáng, cởi mở
“Qua các đợt khảo sát, giám sát, chúng tôi nhận thấy, một trong những điểm nghẽn thu hút khách du lịch quốc tế trước đây là chính sách visa. Nhưng gần đây, khi chính sách visa được cởi bỏ, thông thoáng hơn thì số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ”, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn chia sẻ với Tiền Phong.
- 22-09-2023Đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Hoa Kỳ hợp tác, hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính
- 22-09-2023Việt Nam là thị trường, địa bàn sản xuất rất quan trọng, có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của Apple
- 22-09-2023Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vẫn kẹt mặt bằng, thiếu vật liệu
Khách quốc tế đến nhiều hơn
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 7,83 triệu lượt, tương đương 98% mục tiêu đề ra. Ông bình luận gì về con số này và đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả trên?
Có thể khẳng định, con số trên 7,83 triệu lượt, tương đương 98% mục tiêu đề ra cho năm 2023 thực sự ấn tượng, thể hiện những nỗ lực của ngành du lịch và các địa phương, doanh nghiệp trong quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt kế hoạch để về đích sớm. Một trong những lý do quan trọng giúp đạt được kết quả trên chúng ta đã dần “cởi” được các nút thắt, nhất là chính sách visa.
Qua các đợt khảo sát, giám sát của Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội, chúng tôi nhận thấy, một trong những điểm nghẽn đối với thu hút khách du lịch nước ngoài của chúng ta là từ chính sách visa. Trong bối cảnh du lịch cạnh tranh và chuyển đổi số, nhiều nước đã cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.
Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách cởi mở, thông thoáng tạo điều kiện cho khách nước ngoài vào Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam trước đây mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường thì chỉ dừng ở khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần, không hấp dẫn được du khách.
Trước tình trạng này, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt để tháo gỡ "điểm nghẽn" này như việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ. Nếu như trước đây, chúng ta mới chỉ cấp visa điện tử cho 80 quốc gia thì vừa qua, Chính phủ quyết định thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày, tăng 30 ngày so với thời hạn quy định cũ…
Ngày 14/8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 sửa đổi Nghị quyết số 32 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước. Theo đó, sẽ miễn thị thực cho công dân các nước: CHLB Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh.
Đây là những chính sách rất cởi mở, thông thoáng tạo điều kiện cho khách nước ngoài vào Việt Nam được thuận lợi. Bởi khi du khách đến Việt Nam, ngoài các thủ tục, họ còn muốn có thời gian lưu trú dài hơn để khám phá các địa danh. Vì thế có thể nói chính sách visa là một trong những đòn bẩy quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Giữ khách ở lại và tiêu nhiều tiền hơn
Nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng du lịch của Việt Nam hiện nay còn rất lớn, tuy nhiên so với những nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore thì việc khai thác của chúng ta vẫn còn hạn chế. Theo ông, đâu là những điểm nghẽn, nút thắt cần tiếp tục tháo gỡ?
Rõ ràng chúng ta có rất nhiều tiềm năng, cả ở khái cạnh tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa. Do đó, việc Chính phủ quyết liệt miễn hay tăng thời gian cho visa là điểm sáng tích cực. Tuy nhiên đây mới chỉ là giải quyết khâu “vé vào cửa”. Vấn đề của chúng ta là cần phải giữ khách ở lại, tạo điều kiện để họ chi tiêu nhiều hơn. Muốn như vậy, chúng ta cần phải xây dựng các tour du lịch phù hợp với điều kiện gia tăng thời gian du lịch, cũng như có thêm những sản phẩm du lịch mới phù hợp với bối cảnh mới.
Chúng ta cũng cần quan tâm đến một chiến lược phát triển du lịch thế hệ mới, ở đó, lợi ích của du lịch sẽ đến một cách bền vững, tạo ra lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là người dân cộng đồng ở nơi du lịch. Qua đó góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa địa phương, lan tỏa tác động sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Ngoài ra, hạ tầng du lịch rất cần có sự cải thiện hơn nữa để thu hút khách du lịch. Việc cơ sở hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc là tín hiệu tích cực trong mắt du khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện một số điểm du lịch ở nước ta vẫn còn có vấn đề về chất lượng dịch vụ, từ dịch vụ khách sạn đến dịch vụ hướng dẫn du lịch. Cải thiện chất lượng dịch vụ là một ưu tiên quan trọng để tạo ấn tượng tích cực cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, việc tiếp thị và quảng bá du lịch cần đầu tư nhiều hơn nữa để tăng cường thương hiệu trên thị trường quốc tế. Việc tạo ra các chiến dịch quảng cáo hấp dẫn và khám phá các thị trường mới có tiềm năng rất cần thiết…
Đẩy mạnh du lịch đêm
Phát triển kinh tế đêm được coi là một trong những động lực quan trọng để thu hút du khách, để du khách chi tiền. Chính phủ cũng đã đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy việc này , tuy nhiên, các địa phương dường như vẫn còn chậm trễ. Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm ?
Phát triển kinh tế đêm rất cần thiết cho phát triển du lịch. Để làm được điều đó, theo tôi, đầu tiên cần hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp với kinh tế đêm nói chung, du lịch đêm nói riêng, để đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và tránh xảy ra các hệ lụy không mong muốn.
Phát triển kinh tế đêm rất cần thiết cho phát triển du lịch
Các cơ quan chức năng, các địa phương cần đưa ra các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch đêm như kiểm soát số lượng du khách, giám sát hoạt động các doanh nghiệp du lịch, và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn, an ninh.
Bên cạnh đó, cần đưa ra quy định và chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp du lịch tham gia vào hoạt động đêm, nhưng đồng thời áp đặt các ràng buộc về an toàn, bảo vệ môi trường và quyền lợi của cộng đồng địa phương.
Đào tạo nhân lực trong ngành du lịch về quản lý, an toàn, và tạo trải nghiệm du lịch đêm một cách tích cực cũng hết sức quan trọng. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch, và cộng đồng địa phương nên hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu phát triển du lịch đêm, đảm bảo tác động tích cực cho cả du khách và cộng đồng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý cung cấp thông tin và giáo dục cho du khách về văn hóa, tập quán cũng như quy định của địa phương, từ đó giúp họ tham gia du lịch đêm một cách tôn trọng và bảo vệ môi trường địa phương.
Đồng thời cần điều chỉnh giờ hoạt động và vùng du lịch đêm sao cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương. Việc giới hạn vùng du lịch đêm có thể giúp kiểm soát số lượng du khách và giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
Tiền Phong