Đòn đánh vào Huawei, Trung Quốc có thể phản lại chính các hãng Mỹ
Nếu Washington cố gắng chặn việc xuất khẩu hàng công nghệ sang các hãng Trung Quốc như Huawei, các công ty Mỹ có thể đối diện tương lai bất định.
Hôm 15/5 vừa rồi, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố gã khổng lồ viễn thông Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc sẽ bị đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu – động thái có thể dọn đường cho việc cấm bán hàng công nghệ Mỹ cho công ty này. Trước đó cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, hạn chế các thiết bị viễn thông mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ tuyên bố là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. (Sắc lệnh không nói rõ cụ thể tên các công ty hay quốc gia nhưng giới chuyên gia cho là nhằm vào Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng.)
Một con chip của hãng Huawei (Trung Quốc). Ảnh: ImagineChina.
Tuy nhiên quyết định đưa Huawei vào cái gọi là “Danh sách Thực thể” có khả năng mang lại những hậu quả khó lường cho chính phía Mỹ. Trái với cách nhìn nhận chung của các quan chức chính quyền Trump và nghị sĩ Mỹ, giới chuyên gia lại cho rằng hậu quả việc “đánh” Huawei như thế này có thể là thảm họa đối với chính các công ty công nghệ Mỹ hơn là Huawei.
Động thái mới này khác với lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump vào năm 2018 nhằm vào các hàng hóa xuất khẩu sang hãng viễn thông ZTE cũng của Trung Quốc – lệnh này đã được ban hành rồi hủy bỏ. Động thái mới không cấm ngay lập tức việc bán các linh kiện công nghệ Mỹ cho Huawei. Một khi danh sách được chính thức công bố, các công ty Mỹ sẽ được yêu cầu xin giấy phép đặc biệt thì mới được bán hàng cho Huawei.
Hậu quả không mong muốn
Jim Lewis, Phó Chủ tịch và chuyên gia công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho hay: “Huawei đã tích trữ một số linh kiện Mỹ trong vài tuần qua, điều này cho thấy có thể có một số linh kiện Mỹ mà hãng này không thể thay thế”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, tình hình không như trường hợp ZTE trước đây vì Bộ Thương mại Mỹ có thể cấp phép cho một số công nghệ Mỹ được bán, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Giới chuyên gia xem Huawei là một hãng có mức độ kiên cường cao kể cả trước một lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn.
Jimmy Goodrich, phó chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu tại Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (Mỹ), cho rằng với động thái mới nhất này, Mỹ tự tạo cho mình các nguy cơ lớn.
Goodrich phát biểu mới đây tại Washington: “Không có mảng công nghiệp nào mà các công ty Mỹ thống trị hoàn toàn. Nếu Mỹ hành động đơn phương trong không gian này, thì họ cuối cùng sẽ làm tổn thương sự sáng tạo ở Mỹ trong khi Trung Quốc vẫn sẽ lấy được công nghệ mà họ quan tâm”.
Ông Goodrich nói thêm: “Chúng ta phải nghĩ tới các hậu quả không mong muốn. Quay trở lại một năm trước, chúng ta đều biết những gì đã xảy đến với ZTE. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đã công bố các chương trình trị giá vài trăm triệu USD dùng để thúc đẩy mức độ nội địa hóa của nhiều thành tố 5G. Liệu có phải chúng ta đang lại sẽ thúc đẩy họ đến chỗ tốt hơn, và trở nên độc lập với chúng ta?”.
Lãnh đạo Mỹ chưa nắm rõ tình hình?
Trong khi những người trong ngành bán dẫn Mỹ ý thức rõ về mối nguy hiểm từ các lệnh cấm xuất khẩu đối với các công ty nội địa của Mỹ, Washington có vẻ như chậm nhận thức được các bước tiến lớn mà Trung Quốc đã đạt được.
Theo một phân tích mới đây của hãng nghiên cứu Techanalye của Nhật Bản, Huawei đã ngang cơ với hãng Apple của Mỹ về mặt thiết kế chip 4G cho điện thoại thông minh. Nghiên cứu cho thấy hãng Huawei đã có thể hoặc sẽ sớm có năng lực cạnh tranh với nhà sản xuất bán dẫn Mỹ Qualcomm về mặt thiết kế chip di động. Hiện tại Qualcomm vẫn là số 1 thế giới về vi mạch di động nhưng đó là nhờ phần lớn vào 65% doanh thu từ Trung Quốc.
Lệnh cấm Huawei phủ bóng đen lên đàm phán thương mại Mỹ-Trung VOV.VN - Triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang rất u tối sau khi chính quyền Tổng thống Trump cấm hãng Huawei mua công nghệ Mỹ.
Thế nhưng chính quyền Trump và các nghị sĩ lưỡng đảng ở Mỹ dường như không nhận ra điều đó.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói ông nhiệt tình ủng hộ quyết định của Bộ Thương mại Mỹ ngừng các ưu đãi xuất khẩu đối với Huawei. Theo ông, “Huawei là một công cụ quyền lực quốc gia do nhà nước chỉ đạo và được chính quyền Trung Quốc sử dụng để hạ gục các đối thủ cạnh tranh quốc tế của họ”.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton xem các quyết định liên quan của Bộ Thương mại Mỹ là một án tử hình đối với Huawei. Ông này đầu năm nay đã vận động hành lang cho một dự luật mà nếu được thông qua sẽ cấm xuất khẩu hoàn toàn đối với Huawei.
Trung Quốc khá điềm tĩnh
Phản ứng khá dửng dưng từ Bắc Kinh và hãng Huawei cho thấy các nghị sĩ như Rubio và Cotton có thể đã sai lầm khi đánh giá rằng động thái mới của ông Trump và Bộ Thương mại Mỹ có tác dụng giáng đòn “sấm sét” vào đối thủ Trung Quốc.
Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Xí nghiệp Mỹ nói: “Các cuộc đàm phán thương mại vấp phải một số thách thức . Bởi vì Bộ Thương mại Mỹ có thể rắn hoặc mềm trong việc cấp giấy phép, do đó phía Mỹ có một chút ưu thế trong đàm phán. Nhưng chỉ là một chút thôi trong bối cảnh còn có vai trò của nhiều yếu tố khác”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Lục Khảng nói như thế này: “Chúng tôi yêu cầu các công ty của chúng tôi tuân thủ luật pháp và các quy định về kiểm soát xuất khẩu và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu các công ty của chúng tôi tuân thủ luật pháp và các chính sách sở tại khi làm ăn ở nước ngoài”.
Mặt khác, ông Lục nói rằng Trung Quốc hối thúc Mỹ “ngừng các hành vi sai trái”.
Trong khi đó thông cáo của Huawei có nêu rằng “hạn chế Huawei kinh doanh ở Mỹ sẽ không làm cho Mỹ an toàn hơn hay mạnh hơn... mà chỉ làm cho Mỹ bị giới hạn vào các lựa chọn kém hơn nhưng đắt đỏ hơn, làm cho Mỹ bị lạc hậu về phát triển 5G và cuối cùng gây hại cho các lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ”.
Về phần mình, ông Goodrich đã hối thúc các nhà hoạt định chính sách Mỹ xem xét lại cách tiếp cận của mình.
VOV