Dồn dập các vụ sáp nhập hàng chục tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất chip
Ngành công nghiệp sản xuất con chip đang ở trong một giai đoạn sáp nhập lịch sử, nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh trong lĩnh vực này.
- 14-11-2019"Thung lũng Tử thần" - Rào cản khó vượt đối với các nhà sản xuất vật liệu chip Hàn Quốc
- 02-07-2019Các nhà sản xuất chip của Mỹ đã gây sức ép buộc ông Trump phải nhẹ tay với Huawei
- 12-06-2019Nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu Nhật Bản “nghỉ chơi” với Huawei
Chỉ trong vòng 6 tuần trở lại đây, các hãng chip đã công bố 2 trong số 3 vụ sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay trong ngành. Ngày 27/10, AMD tuyên bố đạt thỏa thuận mua lại Xilinx với giá 35 tỷ USD. Tháng trước, Nvidia nhất trí mua lại Arm từ SoftBank với giá 40 tỷ USD.
Thương vụ còn lại trong top 3 vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành bán dẫn là vụ Avago mua Broadcom với giá 37 tỷ USD vào năm 2015.
Theo hãng tin CNBC, cả Nvidia và AMD đều đang tranh thủ đà tăng giá trị vốn hóa thị trường của mình để củng cố sức mạnh ở mảng trung tâm dữ liệu. Đây là lĩnh vực mà việc triển khai công nghệ điện toán đám mây và những kỹ thuật mới đòi hỏi những khoản đầu tư lớn.
Trong vòng một năm qua, giá cổ phiếu Nvidia tăng 162%, trong khi cổ phiếu AMD tăng 141%. Trong số các hãng công nghệ có mức vốn hóa lớn, chỉ có hai công ty phần mềm Zoom và Shopify đạt mức tăng giá cổ phiếu tốt hơn hai công ty này.
Trong thương vụ vừa được công bố, AMD trả Xilinx hoàn toàn bằng cổ phiếu. Ở vụ mua lại Arm, Nvidia cũng trả cho SoftBank chủ yếu bằng cổ phiếu, cộng thêm một phần là tiền mặt.
"Cả hai đều nhân cơ hội cổ phiếu tăng giá để tiến hành thâu tóm", nhà phân tích Matthew Bryson thuộc Wedbush Securities phát biểu. "Công nghệ trên thị trường trung tâm dữ liệu rát đa dạng, và tôi cho rằng cả hai công ty đều tin họ có thể làm tốt hơn nếu có nhiều giải pháp hơn".
AMD cạnh tranh trực tiếp với Intel trên thị trường chip máy chủ. Hồi tháng 3, AMD cho biết doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu có thể chiếm 30% tổng doanh thu vào năm 2013, từ mức 15% vào 2019. Đó là dự báo trước khi AMD mua Xilinx, công ty phát triển các bộ xử lý dữ liệu có thể lập trình và cung cấp các sản phẩm phục vụ kết nối và lưu trữ dữ liệu.
"Cùng nhau, chúng tôi sẽ trở thành một lực lượng chiến lược mạnh hơn, mang lại sức mạnh cho trung tâm dữ liệu thế hệ tiếp theo", CEO Lisa Su của AMD phát biểu tại mọt cuộc họp báo ngày 27/10 sau khi vụ sáp nhập được công bố.
Từ khi bà Su trở thành CEO của AMD vào năm 2014, giá cổ phiếu công ty này đến nay đã tăng 1.300%, bất chấp việc AMD cũng như nhiều hãng công nghệ khác chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thương chiến Mỹ-Trung và gần đây hơn là dịch Covid-19.
Kết quả kinh doanh quý 3 được AMD công bố ngày 27/10 cho thấy doanh thu tăng 56%, đạt 2,8 tỷ USD.
Về phần mình, Nvidia bước vào thị trường trung tâm dữ liệu bằng sản phẩm là bộ xử lý đồ họa (GPU), thiết bị giúp làm tăng hiệu năng của máy chủ, đặc biệt trong những trường hợp các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) hạng nặng được sử dụng. Arm chuyên về các loại chip nhỏ hơn dùng cho nhiều thiết bị kết nối, nhất là các thiết bị di động như smartphone.
Nvidia muốn tập trung những công nghệ trên lại để xử lý những nhiệm vụ tiên tiến hơn cho trung tâm dữ liệu.
"Ngày nay, Internet kết nối hàng tỷ người với những trung tâm dữ liệu đám mây khổng lồ", CEO Jensen Huang của Nvidia nói sau khi tuyên bố mua lại Arm. "Trong tương lai, hàng nghìn tỷ thiết bị sẽ được kết nối với hàng triệu trung tâm dữ liệu, tạo ra một Internet vạn vật lớn gấp hàng nghìn lần mạng Internet ngày nay".
Trong khi đó, Intel đang bị tụt lại trên một thị trường mà hãng này từng giữ vị trí thống trị. Cách đây ít hôm, Intel cho biết doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu trong quý 3 vừa qua giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái và không đạt dự báo của giới phân tích. Giá cổ phiếu Intel đã giảm 19% trong vòng 1 năm trở lại đây, trở tành cổ phiếu công nghệ lớn mất giá sâu thứ nhì, chỉ sau cổ phiếu Cisco.
Tuần trước, Intel tuyên bố bán lại một phần mảng sản xuất chip cho hãng SK Hynix của Hàn Quốc với giá khoảng 9 tỷ USD.
Về thương vụ AMD-Xilinx và Nvidia-Arm, một số trở ngại có thể xuất hiện, thậm chí phá hỏng kế hoạch sáp nhập. Cơ quan chức năng Mỹ có thể "soi" kỹ các thương vụ này, và Trung Quốc cũng có thể không thông qua một trong hai hoặc cả hai thương vụ.
Hồi năm 2018, Cư quan Điều tiết thị trường Nhà nước Trung Quốc (SAMR) đã chặn đứng nỗ lực của Qualcomm nhằm mua lại hãng chip NXP của Hà Lan, thương vụ mà nếu diễn ra đã trở thành cuộc sáp nhập lớn kỷ lục của ngành công nghiệp chip. Một vụ sáp nhập thậm chí còn lớn hơn, là Broadcom tìm cách mua Qualcomm, cũng bị chính quyền Trump chặn lại cùng năm đó.
SAMR và Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ xem xét vụ Nvidia mua lại Arm, công ty có kiến trúc được sử dụng trong 95% số con chip thiết kết tại Trung Quốc.
Nhà phân tích Bryson của Wedbush lo ngại rằng thương vụ này sẽ không được Trung Quốc phê chuẩn. Ông cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng có thể gây trở ngại cho thương vụ AMD-Xilinx.
VnEconomy