MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đón dòng vốn FDI từ Trung Quốc: Chọn ứng xử khôn ngoan

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc đang "ào ạt" đổ vào nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Khi có sách lược khôn khéo và sự nhạy cảm trong vận hành dự án thì dòng vốn FDI từ Trung Quốc sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2011, số vốn đăng ký của Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) là 1,3 tỷ USD thì đến năm 2017, số vốn đăng ký của Trung Quốc tăng 2,7 lần. Như thế, tốc độ tăng bình quân mỗi năm khoảng 18%. Cơ cấu vốn của Trung Quốc trong tổng số vốn FDI đăng ký là 12%, xếp sau Nhật Bản (30%), Hàn Quốc (28%) và Singapore (19%). Đấy là chưa kể luồng vốn ngầm đầu tư qua các kênh khác mà cơ quan thống kê không thể quan sát.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng dòng vốn FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam từ chỗ xếp thứ hạng khiêm tốn nay đã lọt tốp 10 quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam cho thấy chiến lược rõ ràng của nước này.

“Từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong top 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường TPP béo bở và hoặc sau này là thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP”, ông Trinh nhận định.

Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia, dòng vốn FDI từ Trung Quốc chọn Việt Nam là điểm đến do Chính phủ Trung Quốc “tung” chiến lược khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư ra nước ngoài để thu lợi từ cổ tức, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước. Bởi thực tế, cầu tiêu dùng của Trung Quốc chỉ loanh quanh ở mức 50% GDP và sự cố gắng này dường như đã tới hạn với nợ công ngày càng có xu hướng tăng cao.

Chưa thu hút được công nghệ cao

Tuy dòng vốn dồi dào của Trung Quốc đang được đẩy mạnh tới các thị trường ngoại quốc nhưng Việt Nam lại chưa thu hút được nhiều dòng vốn công nghệ cao, vốn từ tập đoàn lớn. Tình trạng này không chỉ xảy đến với nguồn vốn từ Trung Quốc mà còn diễn ra tại nhiều nước có nguồn vốn chất lượng cao như EU hay Mỹ. Đơn cử như 28 nước EU hiện mới chỉ đầu tư vào Việt Nam hơn 20 tỷ USD. Hay như Mỹ, mỗi năm đầu tư hơn 300 tỷ USD ra nước ngoài nhưng đầu tư vào Việt Nam mới chỉ khoảng 10 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lý giải nguyên nhân: “Có vẻ như môi trường đầu tư của Việt Nam không hấp dẫn với nguồn vốn có chất lượng từ các nước có trình độ công nghệ cao, công nghệ nguồn, hệ thống quản lý tiên tiến và pháp luật minh bạch”.

Theo ông Toàn, với riêng Trung Quốc, công nghệ của họ không phải thấp nhưng có 2 vấn đề vướng mắc khiến chúng ta không thu hút được dòng vốn, là chính sách của Chính phủ và bản thân người thực hiện dự án (bao gồm các bộ ngành, địa phương có quyền lựa chọn dự án) có những vấn đề tồn tại. Nếu khai thông được, kiểm soát được chúng ta sẽ chọn lọc tốt hơn nguồn vốn chứ không phải thu hút bằng mọi giá nữa.

Trên thực tế, Trung Quốc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng vào Việt Nam trong khi quốc gia này là nhà đầu tư số 1 thế giới hiện nay. Về câu chuyện này, một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải nhìn nhận và đánh giá lại đối với dòng vốn từ Trung Quốc.

Hiện nay nhiều cơ quan ban ngành vẫn cho rằng các dự án Trung Quốc sử dụng công nghệ thấp, lạc hậu và đây là một trong những lý do khiến dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam chưa cao.

Thực tế, Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ phát triển ngày càng mạnh các ngành công nghệ cao và đưa các công ty của mình trở thành đối thủ mạnh của các công ty lớn về công nghệ trên toàn thế giới.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, các ứng dụng và bằng sáng chế mới của Trung Quốc đã tăng vọt từ con số 0 vào đầu thế kỷ này, lên đến 928 nghìn sáng chế trong năm 2014 nhiều hơn Mỹ 40% (579 nghìn sáng chế), gấp 3 lần Nhật Bản (326 nghìn sáng chế). Năm 2015, Huawei đã trở thành tổ chức công bố các bằng sáng chế quốc tế mới lớn nhất thế giới.

Chọn ứng xử khôn ngoan

Ông Mai Thanh Hải, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu quan điểm với nguồn vốn FDI của bất cứ nước nào, không riêng Trung Quốc, phải có sách lược nhất quán để thu hút được hiệu quả, tạo lợi ích lớn nhất cho quốc gia.

“Quan điểm của Chính phủ là luôn luôn tạo điều kiện huy động nguồn vốn FDI bởi đó là nguồn giúp cho quốc gia phát triển trong tương lai. Gần đây, vốn Trung Quốc đã vào khá nhiều và hiện xếp thứ 7 trong số các nước có đầu tư vào Việt Nam. Trên quan điểm về vốn thì bất cứ dòng vốn nào chảy vào Việt Nam, hỗ trợ được chiến lược phát triển kinh tế thì chúng ta đều trân trọng”, ông Mai Thanh Hải khẳng định thêm.

Ông Hải lưu ý: “Khi có sách lược khôn khéo và sự nhạy cảm trong vận hành dự án thì dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng có thể đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế.

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang dần “tốt nghiệp” ODA thì vốn FDI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Song, mỗi quốc gia khi mang tiền đi đầu tư đều chỉ nhắm đến một khu vực trong một thời gian nhất định và dòng vốn từ nước ngoài không phải là nguồn lực “bất tận”.

Do đó, việc chuyển hướng tận dụng dòng vốn mới từ những nơi Việt Nam chưa thu hút được nhiều, như Trung Quốc, là một lối đi.

TS. Nguyễn Châu Giang - Đại học Thương mại, nêu ý kiến, trong thời gian tới, cần xúc tiến đầu tư, tuyên truyền về môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, giảm bớt các doanh nghiệp nhỏ lẻ, tìm kiếm các dự án có tầm ảnh hưởng, góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Đồng thời, cũng không nên quên thực hiện tốt khâu hậu kiểm, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong quản lý các dự án FDI đã được cấp phép.

Theo Lâm An

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên