MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đơn hàng giảm, doanh nghiệp TP.HCM co hẹp sản xuất

Đơn hàng giảm, doanh nghiệp TP.HCM co hẹp sản xuất

Đã có rất nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM thu hẹp sản xuất, tiết giảm chi phí, nhân công do đơn hàng đang bị thu hẹp, cắt giảm. Theo nhiều doanh nghiệp, khó khăn này có thể kéo dài sang năm 2023.

Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất vì thiếu đơn hàng

Công ty Đức Minh - Sài Gòn, mỗi tháng xuất khẩu 4 container sản phẩm cao su kỹ thuật sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Sản phẩm nhựa này được doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản sử dụng cho linh kiện máy lạnh, máy giặt và đồ điện gia dụng xuất sang thị trường Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay do hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Mỹ khó khăn nên đơn hàng của đối tác đối với Công ty Đức Minh - Sài Gòn cũng giảm gần một nửa so với trước. Đơn hàng xuất khẩu giảm, đơn hàng cung ứng nội địa cũng còn khoảng 80% nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc làm cho gần 200 lao động.

Đơn hàng giảm, doanh nghiệp TP.HCM co hẹp sản xuất - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ đang cắt giảm lao động.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Đức Minh - Sài Gòn cho biết: “Doanh nghiệp của tôi vẫn giữ lao động, một số khâu thì tôi chỉ cho lao động làm 5 ngày, khâu nào không cần thiết thì không làm thêm giờ, nhưng vẫn giữ lao động, chứ không giảm lao động vì giảm thì mai mốt không tuyển được lao động. Một số doanh nghiệp khác thì họ giảm nhiều nhất là 20%, hoặc giảm lao động từ từ 5%-10% nhưng vẫn giữ sản xuất cho liền mạch chứ nếu không mai mốt không tuyển được lao động”.

Không chỉ ngành nhựa, cao su mà nhiều ngành xuất khẩu tỷ USD của TP.HCM như: dệt may, giày da, chế biến sản phẩm gỗ đang gặp khó khăn do sức mua của thị trường Mỹ và Châu Âu giảm mạnh. Đơn cử như ngành dệt may số đơn hàng giảm từ 30-50%.

Một số doanh nghiệp cho biết, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã bắt đầu giảm từ cuối quý 3. Đáng lo lắng hơn là đến quý 4 rất ít doanh nghiệp nhận được đơn hàng cho năm 2023, trong khi những năm trước, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng cho quý 1, quý 2 năm sau.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TP.HCM cho biết: “Từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn, nhất là Mỹ và châu Âu là thị trường lớn nhất. Giải pháp của doanh nghiệp là giảm số giờ làm và bố trí luân phiên làm việc, có thể người này bộ phận này làm việc tuần này thì tuần sau ngưng bộ phận khác làm, làm sao để người lao động luôn luôn có việc làm, có thu nhập, dĩ nhiên thu nhập của người lao động sẽ giảm”.

Thực thi hiệu quả chính sách tài chính, tiền tệ

Hiện có nhiều doanh nghiệp TP.HCM đang cắt giảm lao động . Cụ thể như: Công ty Tỷ Hùng ở quận Bình Tân cho 1.200 lao động nghỉ việc; Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cho 1.500 lao động nghỉ việc; hay 51 doanh nghiệp trong khu Chế xuất và Khu Công nghiệp giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

Đơn hàng giảm, doanh nghiệp TP.HCM co hẹp sản xuất - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang giãn, giảm giờ làm.


Theo các chuyên gia kinh tế, từ quý 4 năm nay đến năm 2023 kinh tế sẽ rất khó khăn, cả nước và TP.HCM sẽ đối mặt với thách thức này. Suy thoái kinh tế thế giới đã thấy rất rõ, lạm phát gia tăng đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ trì trệ. Điều đó làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy đổ, chi phí logistics tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ trong nước đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lãi suất ngân hàng rất cao.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch, TP.HCM nên vận dụng, thực thi hiệu quả nhất chính tài chính, tiền tệ của Chính phủ vào thực tiễn của Thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để doanh nghiệp hấp thụ được các nguồn vốn đầu tư thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy nhà nước.

Ông Trần Du Lịch phân tích: “Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp thông qua cơ chế, chúng ta rà soát lại tất cả các quy định miễn giảm thuế, lệ phí, hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi, an sinh xã hội… Hiện nay, kể cả gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai rất chậm, cái này vốn phải triển khai ngay nhưng rất chậm và kéo dài”.

Khó khăn của doanh nghiệp đã được dự báo trước, các cơ quan chức năng và hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề ở TP.HCM cũng đang tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới cho xuất khẩu để giữ ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết: “Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan liên quan đến các doanh nghiệp, trong đó có VCCI cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho doanh nghiệp. Thị trường Trung Quốc đang đóng cửa thì chúng ta tìm thị trường khác, thậm chí chúng ta có thể tìm thị trường nhỏ, thị trường ngách, kể cả thị trường Trung Đông, châu Phi... Chúng tôi sẽ tìm bất cứ cơ hội nào cho doanh nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức một số hội thảo để chắp nối với một số thị trường, tận dụng tối đa để tìm đầu ra cho doanh nghiệp”.

Đơn hàng xuất khẩu giảm, doanh nghiệp đang thu hẹp dần sản xuất. Hiện nay, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, giảm, giãn giờ làm, ngày làm để giữ lao động, doanh nghiệp cũng rất mong các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế để doanh nghiệp vượt qua khó khăn này./.

Theo Lệ Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên