MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đơn hàng sụt giảm, một doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán cắt giảm gần 2.000 nhân sự trong 1 quý, còn chưa đầy 1/10 so với đầu năm

Đơn hàng sụt giảm, một doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán cắt giảm gần 2.000 nhân sự trong 1 quý, còn chưa đầy 1/10 so với đầu năm

Từng là một trong những doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hàng đầu tại TP.HCM, công ty này đang đối diện với những khó khăn chưa từng có.

CTCP Garmex Sài Gòn (mã: GMC) tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp May TP HCM được thành lập vào năm 1976. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là sản xuất và xuất khẩu quần áo theo đơn có sẵn. Khách hàng chủ yếu là Decathlon (Pháp), Columbia (Mỹ), Cutter&Buck (Mỹ), Teịjin Frontier (Nhật Bản), New Wave (Thụy Điển), Nits (Nhật Bản),… Ngoài ra, Garmex sản xuất đơn hàng cho Gilimex.

Doanh thu nghìn tỷ đều đặn mỗi năm, “teo tóp” còn 300 tỷ đồng năm 2022

Từng là một trong những doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hàng đầu tại TP.HCM, Garmex Sài Gòn duy trì mức thu hơn 1.000 tỷ đồng trong 1 thập kỷ từ năm 2012-2021. Thậm chí, năm 2018 xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng trưởng "đột biến" giúp doanh thu của Garmex Sài Gòn cán mốc hơn 2.000 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử.

Năm 2022, dù 2 quý đầu năm 2022 ghi nhận kết quả khả quan, song nhu cầu tiêu thụ ngành dệt may sụt giảm trong nửa cuối năm gây ảnh hưởng nặng tới kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có Garmex Sài Gòn. Doanh thu quý 3/3022 của GMC đã bắt đầu chịu ảnh hưởng và teo tóp dần, còn hơn 10 tỷ đồng trong khi quý đầu năm và quý liền trước vẫn ghi nhận tới hơn 120 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2022, doanh thu của Garmex Sài Gòn chỉ đạt mức 292 tỷ đồng, giảm gần 73% so với cùng kỳ, xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm. Đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ từ khi đi vào hoạt động, với mức lỗ xấp xỉ 85 tỷ đồng.

Đơn hàng sụt giảm, một doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán cắt giảm gần 2.000 nhân sự trong 1 quý, còn chưa đầy 1/10 so với đầu năm - Ảnh 1.

Sang năm 2023, công ty tiếp tục kinh doanh thua lỗ với mức lợi nhuận sau thuế quý 1 âm gần 21 tỷ đồng, doanh thu còn vỏn vẹn 8 tỷ đồng sụt giảm gần như hoàn toàn so với con số 139 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu sụt giảm trầm trọng do hụt thu từ đối tác là Gilimex (GIL). Cùng kỳ năm trước, Garmex ghi nhận khoản thu 114 tỷ đồng cho việc cung cấp đơn hàng cho Gilimex, trong khi quý đầu năm 2023 không phát sinh khoản mục này.

Trước đó, lũy kế cả năm 2022, doanh thu gia công cho Gilimex thu về 224 tỷ đồng, giảm hơn 35% so với năm 2021. Những lùm xùm trong xoay quanh việc Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC (“Amazon”) không chỉ gây ảnh hưởng cho chính doanh nghiệp mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác của Gilimex, điển hình như Garmex Sài Gòn phải chịu hậu quả khi nguồn thu trở nên “teo tóp”.

Nhân sự bị cắt giảm mạnh tay, còn chưa đầy 1/10 so với đầu năm 2023

Đơn hàng sụt giảm, một doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán cắt giảm gần 2.000 nhân sự trong 1 quý, còn chưa đầy 1/10 so với đầu năm - Ảnh 2.

Không những sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận, lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục. Năm 2022, doanh nghiệp dệt may này đã mạnh tay cắt giảm tới hơn 1.800 nhân sự. Thời điểm cuối năm 2022, lượng nhân sự theo BCTC hợp nhất còn lại 1.982 người.

Chưa dừng lại, quy mô nhân sự của GMC tiếp tục sụt giảm thêm 1.797 người chỉ trong quý đầu năm 2023 , đẩy số nhân sự xuống mức thấp kỷ lục vỏn vẹn 185 người tại ngày 31/3, còn chưa đầy 1/10 lượng nhân sự ở thời điểm đầu năm. Nhân sự hao hụt, chi phí nhân công cũng theo đó sụt giảm. Quý 1/2023, Garmex Sài Gòn chi khoảng 15 tỷ đồng cho chi phí nhân công, trong khi cùng kỳ năm trước có mức chi hơn 112 tỷ đồng.

Nhiều thách thức ở phía trước

Cần nhìn nhận rằng, nhu cầu hàng may mặc tăng cao ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát khiến các doanh nghiệp dệt may ồ ạt tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, tình hình sản xuất hiện nay lại trở nên khá ảm đạm do thiếu hụt đơn hàng trầm trọng, thậm chí bị dừng đơn hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm nhân sự.

Thêm vào đó, ngành dệt may trong nước vẫn phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức khi phụ thuộc nhiều vào chi phí đầu vào, giá nhân công lao động và suy thoái kinh tế.

Tại thị trường nội địa, ngành dệt may chứng kiến sự tham gia của nhiều “đại gia” nước ngoài vào lĩnh vực thời trang. Từ các hãng bình dân đến các thương hiệu xa xỉ như: Zara, H&M, Uniqlo, Dior, LV,.. đều đang muốn sở hữu “miếng mồi béo bở” với gần 100 triệu dân. Đứng trước sự lấn áp của các hãng thời trang quốc tế, các doanh nghiệp trong nước "đứng ngồi không yên" khi thị phần dần bị co hẹp lại.

Đáng lưu ý, suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay đẩy nhu cầu suy giảm trên cả thị trường trong nước lẫn các nước nhập khẩu lớn: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…Trong bối cảnh tỷ giá leo thang, đồng tiền ở một số nước nhập khẩu đơn hàng lớn có xu thế mất giá cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu ngành dệt may tại Việt Nam.

Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là một trở ngại đối với các công ty may mặc khi phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu hàng may mặc của chính nước này.

Ngọc Ly

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên