Biến thể Delta dập tắt đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc
Một loạt số liệu kinh tế mới được công bố đều thấp hơn so với dự báo.
- 14-09-2021Bloomberg: Các nền kinh tế từ Mỹ đến Trung Quốc đều 'hụt hơi' do ảnh hưởng của biến thể Delta
- 13-09-2021Trung Quốc bùng dịch trở lại: Nguồn lây là người đã cách ly 3 tuần, xét nghiệm 10 lần âm tính, nhiều trẻ em nhiễm bệnh
- 13-09-2021Một thành phố ở Trung Quốc chi 20 triệu USD chỉ để di dời tượng đài
Nền kinh tế Trung Quốc đã yếu đi đáng kể trong tháng 8, sau khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khiến chi tiêu tiêu dùng và hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề ngay trong cao điểm kỳ nghỉ hè.
Theo số liệu vừa được công bố, doanh số bán lẻ tăng trưởng 2,5% so với 1 năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức ước tính 7% mà các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó. Sản lượng công nghiệp tăng trưởng 5,3%, cũng thấp hơn mức dự báo 5,8%.
Đầu tư tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng 8,9%, sát với dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp đi ngang, ở mức 5,1%.
Kể cả trước khi xuất hiện một số ổ dịch do biến thể Delta từ cuối tháng 7, người tiêu dùng Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng, khiến tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng chưa thể quay trở lại mức trước dịch. Gần đây, các chiến dịch trấn áp nhằm vào nhiều ngành, từ bất động sản đến giáo dục, công nghệ, game cũng đè nặng lên tâm lý của người tiêu dùng.
Tổng cục thống kê Trung Quốc nhận định "các ổ dịch Covid-19 và thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế". Mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục hồi phục trong tháng 8, "môi trường toàn cầu khá ảm đạm và phức tạp, và những tác động từ các chùm lây nhiễm mới trong nước cùng với các thảm họa tự nhiên như lũ lụt lên nền kinh tế đang được phản ánh rõ ràng qua các số liệu".
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã siết chặt luồng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, giảm cho vay thế chấp với người mua nhà nhằm ngăn chặn rủi ro tài chính và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực bất động sản. Do đó đầu tư cho bất động sản giảm tốc đáng kể và doanh số của ngành này cũng yếu đi trong tháng 8.
Cùng lúc đó, lực cầu toàn cầu vẫn duy trì mạnh mẽ, hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp của nước này bất chấp tình trạng tắc nghẽn tại các cảng và cước phí vận chuyển tăng cao. Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong tháng 8 vì người mua ở châu Âu và Mỹ tăng cường mua sắm trước mùa Giáng sinh.
Tuy nhiên, những rủi ro mà các nhà sản xuất đang phải đối mặt là rất lớn, từ chi phí tăng cao cho đến tình trạng khan hiếm chip tiếp tục kéo dài. Bắc Kinh cũng đang cố gắng hạn chế các ngành công nghiệp nặng để giảm thiểu ô nhiễm.
Tham khảo Bloomberg