Đón sóng kết quả kinh doanh của các ngành trong quý 2
Tuy bức tranh chung là tích cực, song sự phân hoá vẫn diễn ra mạnh mẽ giữa các nhóm ngành. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung quan sát những nhóm có triển vọng tích cực về tăng trưởng lợi nhuận trong quý này.
Thông thường, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay sẽ ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Đồng thời là cơ sở quan trọng để nhà đầu tư nhìn nhận triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong nửa cuối năm.
Theo nhận định của ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS, trong quý 2 nhiều nhóm ngành được kỳ vọng lợi nhuận sẽ hồi phục mạnh từ mức đáy của dịch Covid.
Tuy bức tranh chung là tích cực, song sự phân hoá vẫn diễn ra mạnh mẽ giữa các nhóm ngành. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung quan sát những nhóm có triển vọng tích cực về tăng trưởng lợi nhuận trong quý này.
Theo dự báo của chuyên gia MBS, nhóm ngành Bất động sản KCN, Điện, Phân phối xăng dầu, Thuỷ sản, Tiêu dùng bán lẻ sẽ duy trì khả quan với dự báo tăng trưởng lợi nhuận duy trì mức cao trong quý 2 tới.
Ngành Bất động sản, ông Tuấn duy trì quan điểm tích cực với nhóm bất động sản KCN với dự báo lợi nhuận khả quan do giá cho thuê bất động sản KCN vẫn tăng 8-10% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhu cầu bất động sản KCN vẫn khá cao nhờ FDI và hoạt động sản xuất đầu tư ổn định. Mặt khác, lợi nhuận của những doanh nghiệp bất động sản nhà ở dự báo chỉ duy trì ở mức trung tính do nguồn cung bất động sản trong 2 năm Covid giảm đáng kể. Tuy nhiên, những công ty có sẵn nguồn dự án tốt vẫn sẽ tiêu thụ tốt do nguồn cung khan hiếm.
Ngành Điện cũng được dự báo lợi nhuận quý 2 duy trì ở mức tích cực, do sản xuất và tiêu thụ điện khả quan trong suốt năm nay, dự kiến tăng trên 8%. Thuỷ điện có lượng nước dồi dào, nhiệt điện than và khí cũng sẽ khả quan dù không được quý 1.
Ngành Phân phối xăng dầu được đánh giá tích cực bởi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh so với năm ngoái do vận tải hành khách tăng mạnh trên 30% so với cùng kỳ. Việc mở cửa ngành du lịch, nhu cầu giao thông vận tải tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp này duy trì kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2 này.
Ngành Thuỷ sản dự báo sẽ duy trì khả quan do giá xuất khẩu cá tra và tôm đang cao kỷ lục. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ trong nước và sản lượng xuất khẩu trong 4 tháng đầu đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh kết quả kinh doanh của nhóm Thuỷ sản trong quý 2 sẽ tăng trưởng ở mức cao.
Nhóm Tiêu dùng bán lẻ khả quan do doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm lên mức 9,5%. Song song đó, các lĩnh vực khác cũng duy trì khả quan do tăng trưởng sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 10,5% so với cùng kỳ. Sức cầu hàng hoá tiêu dùng tăng mạnh là nền tảng cho tăng trưởng quý 2.
Ngành Ngân hàng: Ông Tuấn đưa ra quan điểm trung tính do mặt bằng lãi suất tăng và tăng trưởng tín dụng có thể giảm so với quý 1. Thực tế trong hai tháng gần đây, mức tăng trưởng tín dụng cũng đã có phần hạ nhiệt bởi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lại mức này để kiềm chế lạm phát. Những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhiều kết quả kinh doanh sẽ giảm so với quý 1, dù có thể vẫn tăng so với cùng kỳ. Chuyên gia đánh giá triển vọng cổ phiếu ngân hàng ở mức trung tính và có sự phân hoá giữa các cổ phiếu.
Ngành Dệt may: Tuy đơn hàng xuất khẩu dồi dào, song chi phí nhân công tăng và nguyên phụ liệu căng thẳng do chính sách Zero Covid của Trung Quốc có thể tạo áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may. Mặc dù đến tháng 6, chính sách tại Trung Quốc sẽ được nới lỏng, song áp lực lạm phát cộng thêm áp lực tăng lương cho nhân công khiến các doanh nghiệp trong ngành này tiếp tục gặp khó khăn. Do đó, ông Tuấn dự báo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dệt may sẽ có sự phân hoá mạnh.
Ngành Chứng khoán: Chuyên gia MBS dự báo lợi nhuận sẽ kém khả quan trong quý 2. Nguyên nhân chính là do dư nợ margin giảm mạnh, thanh khoản giảm mạnh và mảng tự doanh gặp khó. Theo nguồn tin riêng của ông Tuấn, dư nợ margin của nhiều công ty chứng khoán đã giảm 25-30% so với mức đỉnh. Do đó, lợi nhuận đến từ hoạt động cho vay margin của nhiều công ty sẽ sụt giảm đáng kể. Đồng thời, thanh khoản giảm mạnh khiến doanh thu từ hoạt động môi giới sẽ gặp khó khăn.
Ngành Thép: Là ngành có tính chu kỳ cao, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép dự báo sẽ giảm mạnh do giá thép, giá tôn mạ đều giảm mạnh so với mức đỉnh của quý 1. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ sản phẩm cả nội địa và xuất khẩu đều kém khả quan cũng là khó khăn lớn cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong quý 2.
Ngành Phân bón: Lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón dự báo không khả quan do giá phân bón giảm mạnh so với mức đỉnh sau một loạt chính sách của Chính Phủ như tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu. Đơn cử, như giá ure Phú Mỹ đã giảm từ mức đỉnh 18.700 đồng xuống mức 16.300 đồng. Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh trong quý này nhóm phân bón vẫn sẽ duy trì được kết quả kinh doanh khá tích cực so với cùng kỳ, song sẽ giảm khá mạnh so với quý 1. Do đó, ông Tuấn cho rằng những nhà đầu tư khôn ngoan nên tranh thủ tận dụng cơ hội tốt để chốt lời trong nhóm cổ phiếu này.