MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đòn tâm lý giúp đàm phán lương thành công, tăng hẳn 10.000 USD so với mức cũ: Không có nhà tuyển dụng ky bo nhưng bạn cần khôn khéo!

20-10-2019 - 19:43 PM | Sống

Chỉ cần chuẩn bị kỹ lưỡng và trình bày thông minh, bạn sẽ có được mức lương mong muốn xứng đáng với năng lực của mình.

Lương bổng luôn là vấn đề nhạy cảm khi đi xin việc. Bạn không muốn bị nhà tuyển dụng đánh giá là tham lam, nhưng cũng chẳng đành lòng chịu thiệt khi phải nhận mức lương dưới khả năng của mình.

Tuy nhiên, bạn sẽ không cần phải lo về vấn đề này nếu biết đàm phán lương khôn ngoan như Tori Dunlap. Cô là chuyên gia về tiền bạc và sự nghiệp, người sáng lập nên tổ chức Her First $100K chuyên hỗ trợ phụ nữ đạt được mức thu nhập 6 chữ số mơ ước. Dunlap cũng từng xuất hiện trên chương trình Good Morning America, tạp chí New York, tạp chí Business Insider,...

Năm ngoái, khi đang đi tìm việc, Tori Dunlap nhận được cú điện thoại từ CEO của một công ty mà cô từng đến phỏng vấn tại Seattle. Họ đề nghị cô vị trí quản lý marketing toàn thời gian, với mức lương khởi điểm 60.000 USD.

Đòn tâm lý giúp đàm phán lương thành công, tăng hẳn 10.000 USD so với mức cũ: Không có nhà tuyển dụng ky bo, nhưng bạn cần khôn khéo! - Ảnh 1.

Chuyên gia Tori Dunlap

Điều này khiến Dunlap suy nghĩ đến giải pháp đàm phán lương, bởi cô kiếm được từ công việc cũ 66.000 USD - tăng 20% so với mức lương khởi điểm 55.000 USD. Cô không muốn nhận mức lương thấp hơn và bỏ phí 3 năm trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, Dunlap không mấy lo lắng vì cô đã có kinh nghiệm đàm phán lương, giúp cô nhận được thêm ít nhất 10% ở mọi vị trí ứng tuyển. Sau 1 tuần đàm phán và chờ đợi, người phụ nữ này đã thành công khi thỏa thuận được thêm 10.000 USD so với mức lương ban đầu.

Nghiên cứu kỹ lưỡng về vị trí ứng tuyển

Trước khi phỏng vấn, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng để nắm được mức lương trung bình trên thị trường của vị trí mà tôi ứng tuyển, dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ học vấn và địa điểm làm việc.

Muốn đàm phán lương, bạn phải chuẩn bị đầy đủ dữ liệu và lý do để chứng minh tại sao bạn lại xứng đáng với mức lương bạn đề xuất. Bạn có thể tham khảo các trang việc làm trên mạng, hoặc hỏi bạn bè và đồng nghiệp trong ngành: "Cậu sẵn sàng trả bao nhiêu cho vị trí X, với năng lực Y?".

Mức lương mục tiêu bạn đề ra phải luôn cao hơn mức lương trung bình bạn tìm hiểu được. Nếu nhà tuyển dụng đề xuất mức lương 50.000 USD và bạn tìm hiểu rằng vị trí đó thường được trả 60.000-65.000 USD trên thị trường. Vì thế, bạn nên đàm phán để nâng lương lên tầm 68.000-72.000 USD.

Hầu hết các công ty đều đoán rằng bạn sẽ tìm cách thương lượng, nên họ luôn đề nghị mức lương thấp hơn. Dunlap khuyên rằng mọi người nên yêu cầu mức lương thật cao, để khi đàm phán, cả hai bên sẽ chốt ở điểm giữa. Kết quả lý tưởng nhất sẽ là tầm từ 60.000-65.000 USD.

Đòn tâm lý giúp đàm phán lương thành công, tăng hẳn 10.000 USD so với mức cũ: Không có nhà tuyển dụng ky bo, nhưng bạn cần khôn khéo! - Ảnh 2.

Chiến thuật "sandwich biết ơn"

Cách bạn trình bày cũng rất quan trọng, nhất là ở giai đoạn đầu của cuộc đàm phán. Vì thế, bạn cần chuẩn bị lên sẵn chiến lược. Tori Dunlap gọi phương pháp của mình là "sandwich biết ơn".

Đầu tiên, cô sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình khi nhận được thông báo trúng tuyển: "Ôi! Đây quả là tin tốt! Cảm ơn ông. Tôi rất hào hứng trước cơ hội này".

"Tôi cảm thấy rất thoải mái khi phỏng vấn. Tôi rất mong đợi được làm việc cùng mọi người", nữ chuyên gia bổ sung. Điều này giúp cô "bước một chân qua cánh cửa" và tiến dần hơn đến việc chốt được mức lương mong muốn.

Sau đó, Dunlap sẽ trình bày hoàn cảnh của mình: "Tuy nhiên, mức lương này thấp hơn lương cũ của tôi. Tôi muốn đảm bảo mình được đền bù công bằng".

Cô tiếp tục giải thích: "Dựa vào năng lực, kinh nghiệm và mức lương trên thị trường, tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu công ty trả tôi mức lương cao hơn - từ 65.000-74.000 USD. Nếu công ty có thể tăng thêm 10.000 USD, tôi sẵn lòng chấp nhận lời mời làm việc này". Bằng cách trình bày số liệu thị trường, cô đã cho nhà tuyển dụng thấy mình nghiên cứu kỹ công việc, hiểu được giá trị của bản thân và sẵn lòng linh hoạt tới mức nào.

Dù vậy, công ty mà Dunlap ứng tuyển vẫn có chút lưỡng lự: "Tôi không chắc là điều này có thể thay đổi được".

Ngay lập tức, người phụ nữ này kể về thành tích của mình trong sự nghiệp. Đây là bằng chứng cho thấy cô đáng giá ra sao và giúp nhà tuyển dụng nhìn ra giá trị mà cô sẽ đem đến cho công ty.

Khi người tuyển dụng hứa rằng sẽ nói chuyện lại với phòng nhân sự về vấn đề này, Dunlap kết thúc bằng một lời cảm ơn khác: "Tôi rất cảm kích vì ông đã xem xét. Cảm ơn một lần nữa vì cơ hội khó tin này. Tôi rất mong chờ tin tốt từ ông. Trong lúc ấy, nếu công ty cần thêm gì cứ gọi cho tôi".

Đòn tâm lý giúp đàm phán lương thành công, tăng hẳn 10.000 USD so với mức cũ: Không có nhà tuyển dụng ky bo, nhưng bạn cần khôn khéo! - Ảnh 3.

Kiên nhẫn chờ đợi và không chịu từ bỏ

Bạn sẽ bồn chồn và muốn liên lạc lại với nhà tuyển dụng chỉ 1-2 ngày sau đó. Tuy nhiên, bạn cần phải kiên nhẫn và để họ tự liên lạc với mình.

Hãy nhớ rằng: Họ là người mời bạn làm việc và muốn chuyện này kết thúc càng nhanh các tốt. (Nếu không nhận được phản hồi sau 1 tuần, bạn nên gửi email hỏi thăm.)

Bạn sẽ cảm thấy lo lắng trong quá trình chờ đợi, bởi bạn đang thất nghiệp và đối mặt với nguy cơ bị từ chối.

Trong trường hợp của Dunlap, cô đã phải chờ 1 tuần để được hồi âm. Người phụ nữ này cảm thấy may mắn vì đã không bỏ cuộc. vị CEO đã quay lại và nâng mức lương của cô thêm 10.000 USD so với ban đầu. Tuy nhiên, rất nhiều người vì thiếu kiên nhẫn và lo lắng mà chấp nhận mức lương thiệt thòi do sợ mất việc.

Có những khả năng nào có thể xảy ra?

Kể cả khi bạn đã nghiên cứu và trình bày kỹ càng, không có gì đảm bảo bạn sẽ nhận được mức lương mong muốn.

Thế nhưng, bạn vẫn cần đàm phán để đảm bảo nhận được mức lương xứng đáng với năng lực. Nếu công ty từ chối, đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ không trân trọng nhân viên của mình, hoặc công việc không hoàn toàn phù hợp.

Đàm phán lương là một cách hợp tác, không phải là điều sẽ tạo ra mâu thuẫn. Bạn cần chu đáo, lịch sự và biết ơn, cũng như ăn nói một cách tự tin và thuyết phục. Mục tiêu của bạn chính là đạt được mức lương mà cả hai bên đều hài lòng.

Ngọc Hà

CNBC

Trở lên trên