Những ngày cận Tết, những người dân quanh bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) cũng đang tất bật chuẩn bị Tết. Những người dân quanh khu vực bán kính 500m quanh bãi rác đều có chung mong muốn sớm được hỗ trợ để có thể di dời. Mong Tết năm nay cũng là Tết cuối cùng sống chung với không khí ô nhiễm cạnh bãi rác.
Con đường luôn tấp nập xe chở rác hướng về bãi rác Nam Sơn. Những ngày Tết, dự kiến lượng rác sẽ tăng gấp đôi so với ngày thường, lên đến hơn 7.000 tấn rác/ ngày đêm. Cổng vào bãi rác Nam Sơn, khu xử lý chất thải lớn nhất Thủ đô Bà Nguyễn Thị Thân (76 tuổi) bán hàng nốt những phiên chợ Tết, đậu phụ luôn phải để trong lồng bàn, tay liên tục đuổi ruồi. Bà cho biết, thời tiết như thế này đón Tết là tuyệt vời nhất. Chứ vào mùa cao điểm ruồi thì 1 ngày kín chục vỉ ruồi. Cách đó không xa, anh Vũ Công Bộ chuẩn bị cây đào đón Tết. Gia đình anh dự kiến được đền bù 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, với số tiền này anh Bộ cho rằng, không biết đi đâu mua nhà ở đâu. Dù sao gia đình cũng ở đây từ đời ông bà, bố mẹ, bỏ quê đi cũng tiếc. Những bóng nhà lấp ló ngay chân bãi rác Nam Sơn. Cách bãi rác Nam Sơn khoảng 300 mét, nhà ông Hứa Văn Quý (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) ngày 31/1 ngập ngụa mùi rác thối. Ông Quý cùng bạn đang thịt lợn để đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Có vẻ như mùi rác đã quen, nên ông Quý và những người thân trong nhà chẳng ai đeo khẩu trang cả. “Mùi mãi quen rồi”, ông Quý nói. Ông bảo, dù sống cạnh bãi rác, hôi thối là thế, nhưng Tết thì vẫn là Tết, người ta tưng bừng thì mình cũng phải tưng bừng. “Mấy ngày Tết, nhiều khi trong cuộc rượu, nâng ly lên cũng chỉ bàn về mùi rác mấy hôm nay sao nặng thế...”, ông Quý đùa. Ông Quý chỉ cho PV những cây keo chết khô, những thửa ruộng không thể cày cấy do ô nhiễm. Căn nhà đơn sơ được định giá 400 triệu đồng đền bù. Ông Quý nói, trong mấy ngày Tết, nếu gió Tây Bắc thổi, trời nồm thì nhà chị và những hộ xung quanh “sống dở, chết dở” vì mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà, khách quen thì không nói, chứ người ở xa về chơi Tết thì không chịu được.. Phố bãi rác luôn vắng người bởi người dân luôn hạn chế ra đường. Phía bên kia cầu Lai Sơn, ông Phạm Văn Khoa, 70 tuổi và vợ Nguyễn Thị Tâm, 66 tuổi (xã Hồng Kỳ) đang mổ lợn đón Tết. Hàng chục năm sống cạnh bãi rác, hai ông bà bảo đã quen mùi như vậy rồi, nên giờ cũng không thấy mùi mấy, dù mùi hôi tỏa ra nồng nặc...