Dồn tổng lực cho đường Vành đai 4 TP HCM
TP HCM cùng các địa phương khẩn trương rà soát quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hoàn tất thủ tục kịp trình Quốc hội để khởi công đường Vành đai 4 TP HCM trong năm 2025
Thông tin về tiến độ chuẩn bị dự án đường Vành đai 4 TP HCM (Vành đai 4), ngày 23-2, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM - cho biết đường Vành đai 4 dài 206,8 km đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7 km; Đồng Nai: 45,6 km; Bình Dương: 47,45 km; TP HCM: 17,3 km; Long An: 78,3 km.
Trách nhiệm và đoàn kết
Theo ông Trần Quang Lâm, đoạn Vành đai 4 qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai, dài 17,3 km sẽ do TP HCM là cơ quan có thẩm quyền, tổng mức đầu tư 14.500 tỉ đồng.
Hiện Sở GTVT TP HCM đã hoàn tất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đang phối hợp Liên danh Tư vấn rà soát các nội dung ý kiến góp ý của các sở ngành, đơn vị cũng như điều chỉnh cục bộ quy hoạch hướng tuyến nhằm giảm bồi thường giải phóng mặt bằng dân cư hiện hữu. Dự kiến, trong quý II và III/2024 trình chủ trương đầu tư. Dự kiến khởi công trong quý III/2024.
Theo ông Lâm, thời gian qua các địa phương phối hợp rất trách nhiệm và đoàn kết trong triển khai dự án Vành đai 4. Sở GTVT TP HCM đề xuất Bộ GTVT giao Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT nghiên cứu, rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho toàn bộ tuyến. Bộ GTVT chủ trì, hướng dẫn các địa phương báo cáo, tham mưu Thủ tướng về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chung, phân kỳ đầu tư dự án, làm cơ sở triển khai, hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Về phương án đầu tư, ông Lâm cho biết các địa phương ủng hộ phương án 1 - các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án. Riêng đoạn đi qua huyện Nhà Bè (TP HCM) dài 3,8 km do tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền được đề nghị tách thành dự án thành phần và giao TP HCM thực hiện bằng vốn ngân sách TP.
"Vướng mắc hiện nay là quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 giữa các dự án chưa thống nhất về bề rộng mặt cắt ngang; chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng vốn ngân sách để thực hiện cũng như cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác đầu tư công cho dự án. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách các địa phương đang khó khăn. Đây là dự án lớn đi qua nhiều địa phương nên cần cơ chế, chính sách đặc thù như Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ" - ông Lâm cho hay.
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Dương, đường Vành đai 4 đoạn qua Bình Dương xuất phát từ cầu Thủ Biên (huyện Bắc Tân Uyên) đi qua KCN VSIP III, giao cắt với đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại TP Tân Uyên. Sau đó, đi qua KCN VSIP 2A (TP Thủ Dầu Một), KCN Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát)… kết thúc tại thị xã Bến Cát, băng qua sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP HCM).
Ngày 6-11-2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định bố trí kế hoạch vốn cho dự án là 7.500 tỉ đồng. Hiện dự án đang thực hiện công tác lập và trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kết cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng để trình lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự kiến Bình Dương phê duyệt các dự án thành phần trong tháng 3-2024; giải phóng mặt bằng, bàn giao tối thiểu 50% trong quý II/2024, 70% mặt bằng trong quý III/2024 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Võ Văn Minh - đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải tập trung phối hợp và triển khai thực hiện các bước đúng với kế hoạch và nội dung đã thống nhất, tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với các địa phương có dự án đi qua, yêu cầu thành lập ban chỉ đạo dự án của địa phương để phối hợp trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.
Khẩn trương thực hiện
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho hay tỉnh này cũng đã đưa dự án đường Vành đai 4 vào mục tiêu đầu tư công nhưng quá trình triển khai chưa phê duyệt được dự án, do kinh phí đầu tư rất lớn. Nếu thống nhất lựa chọn phương án đầu tư PPP 50%, Đồng Nai ủng hộ thiết kế bề rộng mặt cắt ngang tuyến từ 25,5-27 m để bảo đảm mỹ quan, an toàn. Đồng Nai kiến nghị điều tiết tỉ lệ phân chia ngân sách lên 53% thay vì 50% như hiện tại, trong liên tục 5 năm, nhằm tạo điều kiện cho Đồng Nai có thêm nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong đó có Vành đai 4.
Tổng mức đầu tư đường Vành đai 4 đoạn qua Đồng Nai là gần 17.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 7.800 tỉ đồng, còn lại là chi phí xây dựng.
Đối với hạng mục cầu Thủ Biên nối Bình Dương và Đồng Nai, Đồng Nai kiến nghị giao Bình Dương đảm nhận. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh đã thống nhất phương án mặt cắt ngang đường Vành đai 4 đoạn qua Đồng Nai giai đoạn 1 là 22 m, có 4 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, dải phân cách giữa, có bố trí đường gom tại các khu vực có dân cư. Về tiến độ, Đồng Nai thống nhất công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến hoàn thành vào quý III/2024; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng một số hạng mục phụ trợ dự kiến hoàn thành vào quý II/2025. Đầu năm 2028 dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.
Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho rằng gian nan nhất là cơ chế đặc thù về vật liệu san lấp. Hiện nay, các mỏ vật liệu hầu hết là đất của người dân, tư nhân canh tác, sản xuất nên vật liệu không thiếu nhưng vướng cơ chế nên khan hiếm.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xin chủ trương phương án đầu tư dự án đường Vàng đai 4, đoạn qua địa bàn tỉnh. Theo đó, đoạn này dài 18,23 km, điểm đầu tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và ĐT992, cách đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 230 m; điểm cuối trên địa bàn huyện Châu Đức, tiếp nối đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết trong quý II/2024, tỉnh sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quý IV/2024 hoàn thành công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Từ quý II/2024 đến quý II/2025 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng một số hạng mục phụ trợ. Từ quý IV/2024 đến quý IV/2027 sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai thực hiện dự án.
HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong đó bố trí kế hoạch vốn 1.600 tỉ đồng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng.
Qua xem xét và rà soát các phương án, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, có ý kiến đối với các nội dung, đề xuất thực hiện đầu tư dự án giai đoạn 1 đường Vành đai 4 đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu. Về phương án tài chính, lựa chọn hình thức đầu tư PPP thời gian hoàn vốn 23 năm, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.100 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm hơn 44%, còn lại vốn nhà đầu tư.
Về chi phí đầu tư cầu giáp nối giữa 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai sẽ được tính vào chi phí đầu tư của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai chỉ chi chi phí giải phóng mặt bằng 1/2 cầu phía bên địa phận tỉnh Đồng Nai.
Kiến nghị cơ chế đặc thù
Để bảo đảm khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Vành đai 4, đại diện Sở GTVT TP HCM đề xuất cần có cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án được Quốc hội thông qua. Cụ thể, UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác để đầu tư; được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện đầu tư công của dự án qua hai địa phương.
Ngoài ra, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% tổng vốn ngân sách tham gia cho TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng Long An hỗ trợ 70% nguồn vốn. Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự dự án nhóm A về đầu tư công và có cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường...
Mạnh dạn giao quyền tự chủ
Nhận định về dự án này, TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM - cho rằng đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và các địa phương. Dự án này rất dài, đi qua 5 địa phương, do đó để bảo đảm triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, Trung ương cần có chính sách, cơ chế đặc thù cho các địa phương.
Về vốn, Trung ương căn cứ theo tình hình ngân sách các địa phương để có mức hỗ trợ hợp lý. Mạnh dạn giao quyền tự chủ tự quyết cho TP HCM và các tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, công tác thiết kế cơ sở cũng giao các địa phương chủ động để phù hợp địa hình, địa mạo như đề xuất của TP HCM là làm cầu cạn thay cho nền hạ nhằm tránh tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cũng như phù hợp biến đổi khí hậu.
Để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương nên giao thầu EPC (hợp đồng tổng thầu) để các tập đoàn, tổng công ty chủ lực làm từ khâu thiết kế đến thi công. Có tổng thầu chịu trách nhiệm chính, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giảm được nhân lực và chi phí quản lý, có thời gian tập trung nghiên cứu các dự án có quy mô lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, sử dụng công nghệ mới.
Người Lao Động