Đơn vị tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ 'sở hữu kỳ nghỉ' lỗ hơn 800 tỷ đồng trong năm 2022, âm vốn chủ sở hữu
Đến cuối năm 2022, Vịnh Thiên Đường có số nợ phải trả là 5.800 tỷ đồng, không còn nợ trái phiếu.
- 29-09-2023Sau Hà Nội, Xanh SM Bike của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức hoạt động tại TPHCM, giá 4.800 đồng/km
- 29-09-2023Tên miền vinfast.com được rao bán với giá 5 triệu USD
- 29-09-2023Tập đoàn ngoại đang nhắm tới hàng không Việt: Con của “ông lớn” từng chi tỷ đô mua lại Coca Cola Việt Nam, được kỳ vọng “ghép đôi” với Sungroup
Mới đây, công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường vừa công bố kết quả kinh doanh BCTC năm 2022 với khoản lỗ sau thuế 831 tỷ đồng, trong khi năm 2021 701 tỷ đồng.
Với khoản lỗ này, tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Vịnh Thiên Đường đã âm 1.575 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là âm 3,67 lần, tương đương số nợ phải trả của doanh nghiệp này là gần 5.800 tỷ đồng. Công ty không có nợ trái phiếu.
Theo giới thiệu, công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường là chủ đầu tư của dự ALMA Resort tại Cam Ranh, Nha Trang. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại trở lên nổi tiếng với việc là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp mô hình "sở hữu kỳ nghỉ".
Mô hình sở hữu kỳ nghỉ du lịch, hay gọi là timeshare, có thể hiểu là mô hình du lịch cung cấp quyền lưu trú, nghỉ dưỡng cho người mua tại khu nghỉ dưỡng cao cấp nào đó trong một khoảng thời gian xác định hàng năm với số năm nhất định. Ví dụ trong 2 tuần của tháng bảy hàng năm, kéo dài trong 10 năm hoặc lên đến 30, 40 năm.
Xuất hiện đầu tiên trong ngành du lịch Pháp vào năm 1960, mô hình này sau đó nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu và châu Mỹ, trở thành xu hướng du lịch mới được nhiều du khách lựa chọn.
Thời gian đầu du nhập vào Việt Nam, mô hình này được quan tâm vì có nhiều ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường.
Các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí. Khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.
Tuy nhiên, gần đây mô hình sở hữu kỳ nghỉ bị biến tướng ở nhiều nơi, thậm chí bị lợi dụng để hoạt động lừa đảo.
Vào năm 2022, trên cơ sở tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường.
Sau đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ban hành Quyết định số 300 ngày 28/12/2022 xử phạt vi phạm hành chính đối với Vịnh Thiên Đường với hai hành vi: Cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng và sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có cỡ chữ nhỏ hơn quy định.
Đến nay, Vịnh Thiên Đường đã thực hiện hết kết luận thanh tra bao gồm nộp tiền phạt vào Ngân sách nhà nước; sửa cỡ chữ của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao dịch với người tiêu dùng tối thiểu 12; niêm yết công khai Kết luận thanh tra số 12/KL-CT tại trụ sở chính của công ty trong vòng 15 ngày liên tục kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra.
Đối với việc sửa đổi nội dung hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mẫu; công khai bản sửa đổi trên trang thông tin điện tử chính thức và tại văn phòng công ty, doanh nghiệp này mới chính thức sử dụng bản hợp đồng sửa đổi từ ngày 30/6 vừa qua.
Những rủi ro của việc mua "sở hữu kỳ nghỉ"
Từ trường hợp của công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chỉ ra loạt “bẫy”, rủi ro khi khách hàng mua “sở hữu kỳ nghỉ” trong thời gian qua.
Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, ở Việt Nam, mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” đã có mặt từ vài năm nay và là khái niệm không còn quá mới mẻ. Tại một số thời điểm, mô hình nghỉ dưỡng này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí từng được nhắc đến như một giải pháp kích cầu du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19.
Người tiêu dùng được giới thiệu về lịch sử phát triển hơn nửa thế kỉ của mô hình này trên toàn thế giới, hàng nghìn điểm trao đổi kì nghỉ tại nhiều hệ thống khách sạn 5 sao.
Bên cạnh các lợi ích được kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng, thời gian qua thị trường chứng kiến không ít phản ánh về việc khách hàng từng tham gia vào hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cung cấp thêm thông tin về mô hình này, để người dân tham khảo, nghiên cứu trước khi quyết định tham gia.
Thứ nhất, để cung cấp loại hình này, bên bán “sở hữu kỳ nghỉ” có thể sở hữu (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn... Ngay cả trường hợp bên bán sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn.., quyền sở hữu kỳ nghỉ của bên mua không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản và hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là hợp đồng dịch vụ chứ không phải là hợp đồng mua bán bất động sản.
Đối với những đơn vị chào bán sản phẩm không sở hữu dự án, khách sạn..., họ là nhà phân phối và bán sản phẩm lưu trú trên cơ sở hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của đối tác.
Thứ hai, đối với loại hình bên bán đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ lưu trú, việc đi nghỉ trên thực tế chỉ diễn ra khi bên bán hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động chính thức. Điều này có nghĩa là tại thời điểm ký kết hợp đồng, có thể các căn hộ, khách sạn... để nghỉ còn chưa hình thành.
Đối với loại hình bên bán sản phẩm không có dự án, khách sạn..., việc cung cấp sản phẩm tới tay bên mua phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của bên thứ ba do bên bán ký kết/ hợp tác. Tức là, việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị đứt gãy nếu bên phân phối sản phẩm gặp trục trặc từ phía đối tác hoặc thậm chí là rút lui, biến mất. Vì vậy, người mua sản phẩm cần nhận thức rõ các rủi ro này để cân nhắc trước khi quyết định ký hợp đồng.
Thứ ba, hầu như tất cả các hợp đồng mua - bán sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng dài hạn và khách hàng đều phải trả số tiền lớn từ trước. Do đó, người tham gia cần phân tích, đánh giá rõ về rủi ro hoặc tỷ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế.
Thứ tư, bên cạnh rủi ro đến từ những yếu tố bên ngoài (như việc bên bán không thực hiện đúng hợp đồng cam kết), nhiều phản ánh hiện nay thể hiện việc sản phẩm trên thực tế không như các thông tin quảng cáo.
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ không đúng như người mua “trông đợi”, các giao dịch bằng hợp đồng soạn sẵn còn tồn tại rủi ro từ các điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ.
Do đó, để tránh tình huống bất lợi không mong muốn xẩy ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng, trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.
Nhịp Sống Thị Trường