Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng
Cuối tháng 6 vừa qua, các địa phương vùng Tây Nam Bộ đã đồng loạt khởi công xây dựng 2 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu.
- 14-07-2023Hậu Giang thông qua Quy hoạch tỉnh, trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp vùng ĐBSCL
- 09-07-2023Thủ tướng đồng ý vay 2,53 tỷ USD cho 16 dự án ODA vùng ĐBSCL
- 18-06-2023Nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đang được tháo gỡ
Đây được xem là dấu mốc quan trọng của vùng kinh tế này, cùng với hàng loạt các dự án khác đang triển khai như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang -Cà Mau, cầu Rạch Miêu 2 và cuối năm nay dự kiến khởi công thêm dự án cầu Đại Ngãi nhằm thực hiện nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo đột phá cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mảnh đất “Chín Rồng” phát triển theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hình thành trục ngang – dọc đồng bộ
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian ngắn với sự quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, một khối lượng công việc chuẩn bị rất lớn được các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các thủ tục để cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau được khởi công xây dựng vào đầu năm 2023. Dự kiến sau 3 xây dựng, khi hoàn thành cao tốc này sẽ thông tuyến cao tốc từ Bắc chí Nam cùng các dự án cao tốc từ Tp. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hình thành nên trục cao tốc xương sống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, tại vùng Tây Nam Bộ, 2 trục dọc giao thông đường bộ khác đã và đang dần hoàn thiện. Đó là trục Tây - Bắc với 2 đoạn tuyến đã hình thành gồm Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; trục Đông - Nam với các tuyến Quốc lộ 50, Quốc lộ 60 và Quốc lộ 1A (đoạn Sóc Trăng - Cà Mau), Quốc lộ 91B (hành lang Nam sông Hậu). Các trục dọc đang giúp tăng kết nối không gian liên kết vùng, kéo vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần với đầu tàu phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Trong khi các trục dọc đã dần định hình và thông suốt, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu những trục liên kết ngang với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao. Vì vậy, không gian phát triển kinh tế bị chia cắt khiến tiềm năng của vùng đất trù phú này chưa thể khai phóng để phát triển bứt phá. Nhìn nhận được vấn đề này, Quốc hội, Chính phủ phê duyệt đầu tư gần 50.600 tỷ đồng hình thành 2 trục liên kết ngang là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) với tổng chiều dài khoảng 189,48 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1) với tổng chiều dài 27,4km.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, với các dự án được khởi công đồng loạt vừa qua thực sự tạo ra bước đột phá về hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long. Các tuyến đường bộ có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, dọc - ngang thông suốt, liên hoàn sẽ tạo động lực mới, nâng tầm sự phát triển của vùng đất “Chín Rồng”.
Đặc biệt, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, lần đầu tiên Trung ương phân cấp cho địa phương làm đơn vị chủ quản. Ngay khi nhận nhiệm vụ thực hiện dự án với quy mô lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu tiến độ triển khai gấp rút, các địa phương Tây Nam Bộ đã chủ động rà soát và xác định rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối diện. Song với quyết tâm cao, nỗ lực lớn cùng sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương đã từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư, tạo tiền đề cho dự án khởi công sớm hơn mốc thời gian đã định.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, sự kiện khai mở cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sau thời gian chuẩn bị gấp rút khoảng 1 năm từ chủ trương tới hiện thực hóa cho thấy tư duy mới, cách làm mới, cộng với quyết tâm mãnh liệt, tinh thần trách nhiệm cao nhất, cả hệ thống chính trị vào guồng với khí thế rất khẩn trương, góp phần khai phóng nguồn lực, cùng cả nước từng bước hiện thực hóa khát vọng đạt được 5.000 km cao tốc vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng 13 đã đề ra.
“Đại lộ, đại phú” cho vùng đất Chín Rồng
Nhiều người dân, doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, rất kỳ vọng những dự án đã đang và sắp triển khai sẽ hiện thực hóa chủ trương “đại lộ, đại phú”, cải thiện sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Giáp Diệp (Cà Mau) chia sẻ, tuyến cao tốc kết nối các địa phương luôn là ước mơ đối với người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bởi từ năm 2010, tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh-Trung Lương dài gần 62 được đưa vào khai thác và mãi đến năm 2022 mới có thêm 50km cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào khai thác vẫn là tuyến cao tốc duy nhất từ Tp. Hồ Chí Minh đến khu vực Tây Nam Bộ.
Do đó, khi cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đi vào hoạt động năm 2025 không chỉ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp mà hơn hết còn là cú huých đối với nền kinh tế của địa phương phát triển trong tương lai. Không chỉ kết nối được thuận lợi hơn mà chi phí vận hành của doanh nghiệp cũng sẽ giảm. Để tuyến cao tốc thật sự phát huy hiệu quả, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế thu phí hợp lý, tạo thuận lợi cho người tham gia.
Nhìn nhận ý nghĩa của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được triển khai, ông Nguyễn Thành Duy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc HDGroup, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang chia sẻ, hiện tại, hạ tầng giao thông trong khu vực chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường nhỏ, cầu yếu hạn chế tải trọng, tốc độ khiến HDGroup gánh mức chi phí vận tải lớn và tốn nhiều thời gian. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, khi cao tốc này hoàn thành, cùng với cảng biển Trần Đề đang chuẩn bị được đầu tư hứa hẹn giúp các doanh nghiệp đang hoạt động tại Đồng bằng sông Cửu Long tiết kiệm thời gian, chi phí.
Lãnh đạo nhiều địa phương cũng chia sẻ các định hướng chiến lược để tận dụng tối đa cơ hội mà các tuyến cao tốc đang được triển khai trại khu vực. Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được triển khai, địa phương sẽ quy hoạch các khu công nghiệp, dịch vụ - thương mại phù hợp để tận dụng ưu thế hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Đặc biệt, tại huyện Trần Đề sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu, ưu tiên phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển…Tỉnh sẽ sớm hoàn thành các thủ tục để kêu gọi đầu tư vào Dự án Cảng biển nước sâu Trần Đề.
Trong khi đó, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung được xem là “vùng trũng” về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ của cả nước; trong đó, Cà Mau nói riêng với xuất phát điểm thấp, cùng với đặc thù hệ thống sông rạch chằng chịt, điều kiện địa chất yếu… là trở lực không nhỏ đối với địa phương. Trong bối cảnh đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2025, dự báo sẽ có sức lan tỏa cao, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh cho khu vực, trong đó có Cà Mau.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, điểm nghẽn giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dần được khai thông nhờ các dự án cao tốc. Cùng với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thời gian gần đây, hệ thống cao tốc vùng Tây Nam Bộ đã có bước phát triển lột xác. Vài năm tới, tính liên kết giữa không gian kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh được cải thiện sẽ nhanh chóng mang lại cơ hội phát triển, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt cũng tăng lên nhờ chi phí sản xuất, vận tải được kéo giảm. Bên cạnh đó, lực hút đầu tư tăng lên, vùng đất “Chín Rồng” sẽ cất cánh và vươn tới đích thịnh vượng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những thách thức cần giải quyết. Cụ thể, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463 km, các chuyên gia cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của vùng kinh tế này chính là làm sao để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc; giải bài toán thiếu nguồn vật liệu đắp nền. Trong bối cảnh thiếu cát cho công trình xây dựng, giải pháp sử dụng cát biển vẫn đang nghiên cứu thí điểm chưa thể áp dụng, thì một số đề xuất được đưa ra; trong đó có đề xuất xây cầu cạn kết hợp với những đoạn hướng tuyến trên mặt đất.
Báo tin tức