Đóng BHXH hơn 42 năm, hụt hẫng khi nhận lương hưu 3,3 triệu đồng/tháng
Mức lương hưu hiện tại không đủ nuôi sống bản thân, chưa kể còn phụng dưỡng cha mẹ già gần 90 tuổi, nên ông Nguyễn Tuấn Huân khá hụt hẫng
Đóng BHXH suốt 42 năm 2 tháng, đến cuối tháng 12-2023, khi nhận quyết định hưởng lương hưu hàng tháng trên tay, ông Nguyễn Tuấn Huân (sinh năm 1963, huyện Bình Chánh, TP HCM) sốc nặng. Theo tinh toán trước đó của ông Huân, mức lương hưu nhận được ít nhất cũng khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế ông chỉ hưởng 3.365.129 đồng/tháng.
Ông Huân cho hay từ tháng 9-1981 ông làm giáo viên, cán bộ giáo dục, hiệu phó, hiệu trưởng một số trường tiểu học, THCS tại tỉnh Bạc Liêu, hệ số lương theo ngạch, bậc cuối cùng là 4.32. Ngày 31-1-2008, ông nhận quyết định nghỉ việc chờ hưởng chế độ hưu trí. Thời điểm đó, theo quy định điều kiện hưởng chế độ hưu trí đối với lao động nam là 60 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH. Ông Huân có 26 năm 6 tháng đóng BHXH nhưng mới 45 tuổi, chưa đủ điều kiện về tuổi đời và chưa đạt mức hưởng tối đa 75%.
Để được hưởng tỉ lệ hưu trí tối đa, trong thời gian chờ đủ tuổi, ông Huân xin vào làm bảo vệ tại Xí nghiệp Dịch vụ ô tô Isuzu An Lạc (Chi nhánh Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tại Sài Gòn) và tiếp tục đóng BHXH. Trong khoảng thời gian tham gia BHXH tại đơn vị này, tiền lương căn cứ đóng BHXH của ông Huân được chia thành 2 giai thoạn. Từ tháng 5-2008 đến 12-2015, đơn vị đóng BHXH cho ông căn cứ theo hệ số lương ngạch, bậc (tiền lương thuộc đối tượng do nhà nước quy định) từ 1.99 đến 2,4. Từ tháng 1-2016 đến 12-2023, đơn vị thay đổi thang bảng lương và điều chỉnh mức đóng BHXH, đóng theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định. Mức đóng giao động từ 4,9 triệu đến 6,5 triệu đồng/tháng.
Do vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, nên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu của ông Huân được cơ quan BHXH tính bình quân chung của các thời gian. Trong đó, thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối, tức từ tháng 1-2011 đến 12-2015.
Với tỉ lệ hưởng tối đa 75%, mức lương bình quân tháng đóng BHXH là 4.486.838 đồng, tiền lương hưu hàng tháng ông Huân được chi trả là 3.365.129 đồng. Ngoài ra, ông Huân còn được chi trả trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là 16.825.643 đồng, tương ứng với 7,5 năm đóng dư.
Ông Huân cho hay với mức lương hưu hiện tại không đủ nuôi sống bản thân ông, chưa kể ông còn phụng dưỡng cha mẹ già gần 90 tuổi, nên khá hụt hẫng. "Bản thân tôi luôn tin tưởng chính sách BHXH và tâm niệm rằng đóng nhiều, đóng lâu thì mức hưởng sẽ được tính toán tương xứng. Nhưng không ngờ đóng càng dài lại càng thiệt thòi"- ông Huân bộc bạch.
Theo tính toán của ông Huân, nếu dừng đóng BHXH vào thời điểm nghỉ việc chờ hưu năm 2008, khi đủ tuổi lương hưu của ông sẽ được tính trên mức đóng bình quân 5 năm cuối (hệ số lương đóng BHXH từ 3,1-4,32) chắc chắn cao hơn mức hưởng hiện tại.
Chưa kể với sự thay đổi của chính sách về tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số năm đóng BHXH để hưởng mức tối đa từ 30 năm lên 35 năm, ông bị thiệt thòi khi phải kéo dài độ tuổi lao động và tốn thêm 5 năm đóng BHXH. Kèm theo đó khoản trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của ông cũng bị giảm đi từ 12,5 năm đóng dư, chỉ còn 7,5 năm. Ngoài ra, do cố gắng duy trì đóng BHXH cho đến khi hết tuổi lao động nên ông không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp sau nhiều năm đóng góp…
Ông Huân cho rằng các chính sách sẽ luôn phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đối với cá nhân ông, sự thay đổi ấy mang lại nhiều thiệt thòi. Do vậy, ông Huân mong mỏi khi xây dựng chính sách cần tính toán kỹ, cân nhắc đến quyền lợi của người lao động, sao cho người lao động thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH lâu dài, từ đó ở lại hệ thống an sinh chứ không phải chọn rút BHXH một lần.
Người lao động