MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đong, đếm với ngân hàng Việt

12-09-2016 - 14:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng, cơ hội, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá thận trọng, cân nhắc để “chọn mặt gửi vàng”. Chính vì vậy, lựa chọn những NH lớn tại Việt Nam, các đối tác nước ngoài đều xét trên quy mô, tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, lợi nhuận...

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
292 bài viết

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây đánh giá hiệu suất kinh tế mạnh mẽ đang là lực đỡ thu hút vốn nước ngoài vào hệ thống NH trong nước. Nhưng mặt khác, theo một số chuyên gia, các nhà đầu tư ngoại cũng có sự cân nhắc nhất định khi rót vốn vào NH Việt. Vậy, ngoài các yếu tố về thị phần, năng lực quản trị, khả năng sinh lời... thì đâu mới là điều quan trọng để hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại?

Chọn mặt gửi vàng

Cuối tháng 8 vừa qua, GIC - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore - đã ký bản thoả thuận ghi nhớ mua 7,73% cổ phần của Vietcombank. Trước đó, vào cuối tháng 7, Vietcombank và Mizuho Bank (Nhật Bản) đã ký biên bản ghi nhớ về việc tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên với việc duy trì sở hữu 15% vốn cổ phần của Mizuho tại Vietcombank. Và không chỉ có Vietcombank có “quan hệ tốt” với các đối tác ngoại, TPBank cũng nhận được 18,3 triệu USD từ IFC để mua gần 5% cổ phần của NH này.

Đánh giá về các động thái tích cực từ sự “bắt tay” giữa các NH nội và đối tác ngoại nêu trên, theo Fitch Ratings, đây là dòng vốn cần cho các NH Việt Nam triển khai và đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II vào cuối năm 2018, cũng như nhu cầu tăng vốn để mở rộng hoạt động tín dụng...

Nhìn trên tổng thể chuyện các nhà băng Việt hút vốn ngoại, có thể nhận thấy dễ dàng đối tác chiếm “thế thượng phong” hơn cả là Nhật Bản. Ngoài Vietcombank và mối quan hệ hợp tác với Mizuho Bank, VietinBank cũng đã bán 20% cổ phần cho Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ; Sacombank ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với 3 NH trực thuộc Resona Holdings - Nhật Bản là Resona Bank, Saitama Resona Bank và The Kinki Osaka Bank…

Tại sao lại là Nhật Bản? Lý giải điều này, chuyên gia tài chính - NH, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Việc các NH Nhật có vẻ “mặn mà” với thị trường Việt Nam có hai lý do. Thứ nhất, các nhà đầu tư Nhật khá am hiểu thị trường Việt Nam, cộng thêm văn hoá giữa hai quốc gia Á Đông có sự gần gũi nên họ cảm thấy thoải mái với việc mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam. Thứ hai, các NH Nhật chủ yếu theo chân những khách hàng của họ tại Việt Nam. Những khách hàng truyền thống như các hãng Toyota, Honda, Mitsubishi... có sự hiện diện lâu năm ở Việt Nam, từ đó kéo theo các NH Nhật gia nhập vào nước ta.

Vì mong muốn đồng vốn được đưa vào các NH hoạt động ổn định, có chất lượng… như ở nước bản địa, theo ông Hiếu, không chỉ riêng Nhật Bản, mà các đối tác ngoại khác chủ yếu nhắm vào các NH lớn, chứ ít nhìn sang các NH hạng trung.

Đồng quan điểm với TS. Hiếu, một chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng, dù thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng, cơ hội, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá thận trọng, cân nhắc để “chọn mặt gửi vàng”. Chính vì vậy, lựa chọn những NH lớn tại Việt Nam, các đối tác nước ngoài đều xét trên quy mô, tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, lợi nhuận...

Đòi hỏi cao về tính minh bạch

Việc hội nhập sẽ làm tăng và làm giàu thêm cơ hội để thu hút vốn ngoại của NH Việt. Nhưng nếu xét “chặt chẽ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại có nhận định rằng các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay chưa hẳn đã hào hứng với việc bỏ vốn vào hệ thống NH Việt. Lý giải thêm, ông nêu ra thực tế trong thời gian 10 năm qua, đã có không ít trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài rút ra, thoái vốn khỏi NH Việt Nam. Hay việc một số NH nước ngoài đóng cửa chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ta.

Vị chuyên gia này cho rằng, điều bất lợi để các nhà đầu tư ngoại thận trọng đầu tiên nằm ở quy định pháp lý. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể đầu tư vào một NH không quá 30% vốn điều lệ, với nhà đầu tư riêng lẻ là không quá 20%. Và với tỷ lệ phần trăm vẫn còn khiêm tốn, thì chưa thể khẳng định nhà băng Việt hấp dẫn với đối tác ngoại.

Ông Hiếu chia sẻ ý kiến trong việc làm sao để tận dụng nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài: “Có lẽ phải nới rộng ra tỷ lệ góp vốn của họ, lên tới mức ít nhất 49% trong vòng 2 năm tới”.

Với trường hợp tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, có thể bán 100% cổ phần của những NH này để tái cấu trúc. Đây có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Nhưng nếu xét trong quan hệ mua - bán, cả hai bên đều phải thật sự thấy mình có lợi thì giao dịch mới có hiệu quả.

Thực tế, tâm lý của người đi mua, ở đây là nhà đầu tư ngoại, sẽ khó “thuận lòng” khi ôm về mình một NH yếu kém, đặc biệt khi không nắm đủ số cổ phần chi phối để tham gia vào các quyết định quan trọng. Trong khi đó, gánh nặng về tái cơ cấu, cải thiện nguồn lực, xử lý nợ xấu... là những thách thức có thể nhìn thấy được.

Thừa nhận điều này, lãnh đạo một NHTM cũng bày tỏ, một trong những vấn đề còn vướng mắc của hệ thống NH Việt Nam hiện tại là nợ xấu. Đây cũng là nguyên nhân lớn tác động tới tâm lý “e ngại” của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng trong khi chưa thể tham gia sâu vào sở hữu các NH Việt, các chuyên gia kinh tế đều đồng tình với việc minh bạch hoá của các NHTM và trong hệ thống NH là vấn đề lớn quyết định tới sức cạnh tranh trên thị trường và sự thu hút với các đối tác. Vấn đề minh bạch hoá từ báo cáo thường niên của các NH, cho tới những thuyết minh trong báo cáo tài chính, công bố thông số nợ xấu, giải trình khoản dự thu, phải thu... phải được rõ ràng, minh bạch mới tạo ra sự tin tưởng của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, điểm gây chú ý với các tổ chức nước ngoài còn liên quan tới xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việt Nam đang được xếp hạng tín nhiệm bởi ba công ty Fitch Ratings, Moody’s và Standard & Poor’s (S&P). Các nhà đầu tư có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam đều có động thái đầu tiên là xem chỉ số xếp hạng tín nhiệm do ba công ty này công bố.

Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam hiện đã được S&P nâng lên “ổn định” từ mức “tiêu cực” trước đó. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia có thay đổi tích cực, thì điểm tín nhiệm của hệ thống NH Việt mới có cơ hội cải thiện. Một trong những tín hiệu đáng mừng là việc Moody’s ngày 5/9 tuyên bố xem xét nâng xếp hạng tín nhiệm của bảy NHTM Việt Nam.

Có thể nói rằng, minh bạch hoá hệ thống NH sẽ tác dụng tích cực tới việc nâng cao xếp hạng tín nhiệm của NH Việt Nam. “Vấn đề tái cơ cấu phải mạnh dạn hơn nữa trong việc loại trừ lợi ích nhóm, sở hữu chéo”, ông Hiếu nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Basel II cũng phải được khẩn trương áp dụng tại Việt Nam để làm cơ sở gia tăng niềm tin ở các nhà đầu tư ngoại.

Theo Thanh Huyền

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên