MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Đô la đang 'mỉm cười' nhưng không phải ai cũng vui

12-09-2022 - 12:59 PM | Tài chính quốc tế

Đồng Đô la đang 'mỉm cười' nhưng không phải ai cũng vui

‘Đồng Đô la đang nhoẻn cười!’ Đúng vậy, giá trị của Mỹ kim đang đạt tới đỉnh điểm kể từ những năm 2000.

Về cơ bản, đồng Đô la Mỹ thường lên giá khi nền kinh tế Hoa Kỳ đang khỏe mạnh, ví dụ như đợt tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014; và sẽ mất giá khi kinh tế nước này đi xuống so với thế giới, giống như cuộc Đại suy Thoái năm 2008. Các dấu mốc này được khái quát hóa trong lý thuyết ‘nụ cười Đô la’.

‘Đồng Đô la đang nhoẻn cười!’ Hẳn là vậy bởi vào tháng 7 vừa rồi, lần đầu tiên trong 20 năm trở lại đây, đồng Đô la Mỹ đạt mức ngang giá với đồng Euro. Có thể nói là đột biến vì sự gia tăng này thông thường phải diễn ra từ từ trong vòng hai, ba năm. Điều này xảy ra một phần do FED (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) đang tăng lãi suất.

Vì sao ‘nụ cười Đô la’ hấp dẫn?

Dù đang nằm ở đầu cực nào của ‘nụ cười’ thì Đô la Mỹ vẫn luôn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi nó là đồng tiền dự trữ quốc tế chủ yếu. Quốc gia nào cũng giữ một lượng tiền nhất định dưới đơn vị USD trong ngân hàng trung ương. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gần 7 nghìn tỉ Đô la Mỹ đang được lưu trữ tại 149 quốc gia. Nhà đầu tư ưa thích tiền Đô vì nó ổn định. Họ tin rằng Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ luôn tham gia củng cố thị trường và can thiệp vào nền kinh tế bằng bất cứ giá nào để tránh khỏi sự sụp đổ.

Quốc gia nào cũng tiến hành nhiều loại giao thương bằng Đô la Mỹ, nhu cầu nắm giữ đồng tiền này lúc nào cũng hiện hữu nên nó càng có giá trị.

Đồng Đô la đang mỉm cười nhưng không phải ai cũng vui - Ảnh 1.

Khi nền kinh tế khỏe mạnh, giá đồng Đô la nằm ở đầu bên phải đồ thị. Các nhà đầu tư phấn khích và tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ khiến lãi suất tăng. Nếu muốn mua ngoại tệ, ai cũng muốn chọn một đồng tiền mang lại lợi nhuận cao hơn so với lãi suất của ngân hàng trung ương.

Đồng Đô la đang mỉm cười nhưng không phải ai cũng vui - Ảnh 2.

Mặt khác, khi nền kinh tế gặp khó khăn, các nhà đầu tư cũng tìm đến đồng Đô la vì nó là một tài sản an toàn. Đây là tâm lý sợ hãi và cũng chính là tình trạng của chúng ta hiện nay ở cực trái đồ thị. Đồng đô la tăng giá gần đây là kết quả tổng hòa của biến động thị trường, lo ngại về tốc độ tăng trưởng, vấn đề chuỗi cung ứng khi Trung Quốc vẫn phải đang đối mặt với đại dịch COVID, vấn đề năng lượng châu Âu cũng như lạm phát toàn cầu. Tất cả khiến người ta tìm đến đồng Đô la làm nơi ‘trú ẩn’, đó phải là một tài sản có thể tự duy trì hoặc tự gia tăng giá trị trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Đồng Đô la ‘mỉm cười’, đáng nhẽ ai cũng vui, nhưng…

Đồng Đô la đang mỉm cười nhưng không phải ai cũng vui - Ảnh 3.

Sức mạnh của đồng Đô la được xác định khi so sánh với các đồng tiền còn lại của thế giới. Khi Đô la mạnh lên, các đồng tiền khác sẽ yếu đi. Đây là một con dao hai lưỡi. Nó giúp hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu vào Mỹ trở nên rẻ hơn, người Mỹ đi du lịch nước ngoài cũng ít tốn kém hơn. Nhưng nhập khẩu vào Mỹ rẻ đi thì xuất khẩu từ Mỹ lại trở nên đắt hơn với các nước khác. Ngay cả khi không thương mại trực tiếp với Mỹ, các quốc gia vẫn dùng Đô la để định giá và mua bán với nhau các thứ hàng hóa như thực phẩm, năng lượng. Một khi đồng tiền của các nước này suy yếu, mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn với họ, gây ra tăng giá và lạm phát. Nói cách khác, lạm phát sẽ được xuất khẩu từ Mỹ sang nước khác khi Đô mạnh lên.

Khi đó, hàng hóa Mỹ không còn là lựa chọn hấp dẫn với người tiêu dùng ở nước ngoài. Những công ty Mỹ có thị trường lớn ở nước ngoài sẽ thấy doanh số sụt giảm rõ rệt. Microsoft, Salesforce và Coca-Cola là một vài công ty đã chỉ ra tác động tiêu cực của Đồng đô la mạnh lên kết quả tài chính của họ. Khoảng 40% doanh thu của các công ty thuộc S&P 500 đến từ bên ngoài Hoa Kỳ. Sự sụt giảm doanh số và doanh thu trong tương lai có thể khiến cổ phiếu mất giá.

Nhưng chi phí nhập khẩu giảm và doanh thu từ nước ngoài thấp hơn cũng có thể phần nào giúp làm giảm lạm phát, bởi giá sẽ giảm mà đồng thời doanh nghiệp Mỹ cũng phải thắt chặt chi tiêu. Đồng Đô la lên giá cũng giống như việc tăng lãi suất, về cơ bản là có tác động tích cực nhưng nếu nhiều quá thì lại bắt đầu gây hại.

Lời kết

Các chuyên gia kỳ vọng đồng Đô la sẽ ổn định vào cuối năm nay. Chưa rõ khi nào điều ấy sẽ xảy ra, nhưng một vài điều kiện cần là lạm phát hạ nhiệt, bất ổn địa chính trị bớt căng thẳng, người dân và doanh nghiệp có niềm tin mạnh mẽ rằng nền kinh tế toàn cầu đang ổn định lại, tăng trưởng lại tiếp diễn và các thị trường tài chính cần bình tĩnh hơn.

Khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu ổn định, đồng Đô la có thể sẽ ngừng mỉm cười.

Tham khảo từ: Wall Street Journal

Theo Thùy An

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên