Đồng loạt tăng trần, giá trị thị trường của bộ đôi Vingroup và Vincom Retail đạt gần 13 tỷ USD - vượt qua Vinamilk
Bộ đôi cổ phiếu của Vingroup đã trở thành đầu kéo chính cho chỉ số trong thời gian qua, giúp VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 900 điểm.
Phiên giao dịch ngày 20/11/2017 kết thúc với mức tăng 12,86 điểm của VN-Index. Chỉ số dễ dàng vượt qua mốc tâm lý 900 điểm với con sóng mang tên Bluechips. Đóng góp chính vào cú bứt phá mạnh mẽ này chính là bộ đôi VIC của Tập đoàn Vingroup và VRE của CTCP Vincom Retail.
VRE tăng trần, đóng cửa tại 47.700 đồng, đưa giá trị vốn hóa thị trường của Vincom Retail lên 90.681 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD). Lên sàn vào ngày 06/11, VRE nhanh chóng gia nhập danh sách những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán. Với giá trị vốn hóa ngày hôm nay, VRE đứng thứ 6 trên thị trường, ngay trên ROS và đứng sau GAS.
Dù tăng trần nhưng mức giá 47.700 đồng của VRE có thể chưa khiến nhà đầu tư cá nhân thỏa mãn bởi vì trước khi doanh nghiệp này lên sàn, cổ phiếu được chào bán trên OTC cho các cá nhân tại mức giá 42.000 đồng/cp đối với lô 100.000 đơn vị. Với lượng nhỏ hơn, giá bán khoảng 44.000 – 45.000 đồng/cp. Trong khi đó, cũng đã có nhiều nhà đầu tư mua VRE trên sàn tại giá 47.000 đồng và thậm chí là 49.500 đồng vào phiên 14/11.
Mặc dù vậy, VRE vẫn được kỳ vọng lớn bởi vị thế là công ty thành viên quản lý và vận hành các trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup, sở hữu và vận hành hệ thống TTTM có quy mô lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC có thể khiến nhà đầu tư thỏa mãn hơn nhiều khi tăng trần lên giá 76.300 đồng, cán mốc vốn hóa thị trường là 201.257 tỷ đồng (tương đương 8,8 tỷ USD), chỉ đứng sau VNM của CTCP Sữa Việt Nam (271.422 tỷ đồng – hơn 11,9 tỷ đồng).
Trong vòng 3 tháng qua, VIC đã liên tục tăng từ khoảng giá 42.000 đồng/cp và bứt phá mạnh mẽ từ giữa tháng 10 trước thềm Vincom Retail lên sàn, đem lại cho nhà đầu tư mức sinh lãi hơn 80%.
Như vậy, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/11, tổng vốn hóa thị trường của 2 doanh nghiệp gắn với tên tuổi tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lên đến gần 13 tỷ USD – cao hơn vốn hóa của VNM và trở thành đầu kéo chính cho chỉ số VN-Index trong giai đoạn vừa qua.
Một cổ phiếu khác gắn liền với Vingroup nhưng giao dịch trên UPCoM là SDI của CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng sau 9 phiên giảm giá liên tục, cũng đã bật tăng 9,4% trong phiên hôm nay, đạt 90.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa 10.800 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ