Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng năm 2021?
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 3,6% trong quý 1/2021 và tăng 13% trong năm 2021...
Với bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, con số 12,13% của tăng trưởng tín dụng năm 2020 mới được Ngân hàng Nhà nước công bố đã gây nhiều bất ngờ. Vậy đâu là động lực tạo nên tín hiệu tích cực này và xu hướng tín dụng năm 2021 sẽ ra sao?
CẦU TĂNG, CUNG DỒI DÀO VÀ TIÊU CHUẨN "NỚI LỎNG"
Thông thường, hoạt động tín dụng hoạt động vẫn dựa trên quy luật cung cầu. Trong đó, nguồn cung là các tổ chức tín dụng còn cầu đến từ khách hàng muốn vay vốn.
Ở phía cầu, nỗ lực vừa kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy hồi phục kinh tế của Chính phủ đã giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin vào sự hồi phục kinh tế nên có thể tính đến việc vay vốn phục vụ cho các phương án kinh doanh.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đã từng lo lắng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý 2 mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất đến tháng 9.
“Tính đến tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ mới hơn 4%, nhưng đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 8, tăng nhanh trong tháng 11 và tháng 12, kết thúc năm tăng trưởng 12,13% chủ yếu nhờ doanh nghiệp hấp thụ vốn tốt”, ông Hà nói.
Chiều ngược lại, việc nhà điều hành giữ thanh khoản hệ thống ở trạng thái dư thừa mức hợp lý đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay đến mức kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Không những thế, tại kết quả điều tra xu hướng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng còn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng và đạt mức cao nhất kể từ lần tiến hành điều tra xu hướng tín dụng hồi tháng 12/2017.
Cụ thể, có 99,2% tổ chức tín dụng cho biết đã đáp ứng từ 75% đến 100% nhu cầu vay vốn. 100% tổ chức tín dụng thuộc nhóm 15 ngân hàng thương mại trọng yếu cho biết đã đáp ứng trên 75% nhu cầu vay vốn của khách hàng.
“Hai nhân tố được đánh giá là có ảnh hưởng quan trọng nhất đến việc các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2020 là khẩu vị rủi ro của đơn vị và triển vọng kinh tế”, báo cáo nêu rõ.
Đáng chú ý, theo khảo sát, trong 6 tháng cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng cho biết đã “nới lỏng” tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiều lĩnh vực ưu tiên và giảm “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng khác.
Hiện tại, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và xuất nhập khẩu được nhiều tổ chức tín dụng lựa chọn là động lực tăng trưởng tín dụng hơn các lĩnh vực khác. Trước đó, vào năm 2019, có 56% tổ chức tín dụng lựa chọn lĩnh vực xây dựng là động lực tăng trưởng tín dụng.
TÍN DỤNG SẼ HOÀN TOÀN HỒI PHỤC?
Cũng tại khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021 và cả năm 2021, các tổ chức tín dụng dự kiến "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng.
Cơ sở để thực hiện việc "nới lỏng" tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2021 là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như bán buôn bán lẻ (55,8-57,7%); xuất nhập khẩu (54,8-56,7%); phục vụ nhu cầu đời sống (44,2-45,2%); xây dựng (38,5-44,2%)…
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 3,6% trong quý 1/2021 và tăng 13% trong năm 2021. Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, các nhóm tổ chức tín dụng còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021.
Cùng quan điểm, trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định, cho vay bán lẻ ước tính quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây sau khi gián đoạn trong năm 2020.
“Nhu cầu nợ vay có thể được hỗ trợ phần nào bởi lãi suất cho vay thấp và việc các ngân hàng có thể cân nhắc nới lỏng tiêu chuẩn cho vay về tương đương mức trước Covid-19 khi nhận thấy những dấu hiệu phục hồi rõ rệt hơn của nền kinh tế”, nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá.
Bên cạnh đó, do việc thắt chặt các điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp theo nghị định 81 của Chính phủ, do vậy doanh nghiệp có khả năng quay lại với các khoản vay ngân hàng, từ đó thúc đẩy tín dụng tăng.
Ngoài ra, các khoản cho vay tài chính tiêu dùng cũng sẽ được tái khởi động sau một thời gian các công ty đầu ngành tập trung thu hồi nợ và thắt chặt các tiêu chí cho vay do lo ngại nợ xấu tăng vì dịch Covid-19.
Với các nguyên nhân trên, SSI dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt từ 13 - 14% nhờ những tín hiệu phục hồi kinh tế. Con số này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 12,13% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.
VnEconomy