MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực nào đẩy vốn hóa Vinamilk tăng 1,3 tỷ USD sau 2 tháng, ngoài bộ nhận diện thương hiệu mới?

Động lực nào đẩy vốn hóa Vinamilk tăng 1,3 tỷ USD sau 2 tháng, ngoài bộ nhận diện thương hiệu mới?

Tính từ đáy hồi cuối tháng 6, cổ phiếu Vinamilk đã tăng gần 23% thị giá, tương ứng vốn hóa thị trường có thêm 30.300 tỷ (~1,3 tỷ USD).

Thị trường chứng khoán vừa có phiên bứt phá mạnh trở lại mốc 1.200 điểm với “đầu tàu” là cổ phiếu Vinamilk (mã VNM). Cổ phiếu này tăng 4% lên mức 77.900 đồng/cp, cao nhất trong vòng 7 tháng. Mức tăng này đưa VNM trở thành cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào VN-Index trong phiên 28/8 vừa qua.

Thực tế, cổ phiếu VNM đã bắt đầu đi lên từ cuối tháng 6 và được tiếp thêm động lực để tăng tốc với sự kiện ra mắt nhận diện thương hiệu mới ngày 6/7. Kể từ sự kiện đó đến nay, cổ phiếu này đã tăng thêm 14%. Tính từ đáy cách đây hơn 2 tháng, VNM đã tăng gần 23% thị giá, tương ứng vốn hóa thị trường có thêm 30.300 tỷ (~1,3 tỷ USD), lên gần 163.000 tỷ đồng.

Động lực nào đẩy vốn hóa Vinamilk tăng 1,3 tỷ USD sau 2 tháng, ngoài bộ nhận diện thương hiệu mới? - Ảnh 1.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng sự kiện tái định vị thương hiệu với việc thay đổi logo, mẫu mã sản phẩm, ứng dụng công nghệ vào trong tương tác với khách hàng cho thấy những nỗ lực trẻ hóa thương hiệu để hướng đến nhóm tiêu dùng trẻ, năng động. Các dự án số hóa nhằm ứng dụng công nghệ sẽ giúp Vinamilk có thể tiếp cận và hiểu được khách hàng một cách nhanh chóng và kịp thời, nhằm đưa ra các giải pháp giúp tăng hiệu suất hoạt động.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, Vinamilk tự tin sẽ giành lại được thị phần trong các quý sắp tới nhờ vào Chiến dịch tái định vị thương hiệu và thay đổi bao bì sản phẩm mới (công ty đã giành lại được thị phần trong tháng 6). Hiện tại, thị phần của ngành hàng Sữa nước đang đạt hơn 60%, Sữa chua khoảng 80%, Sữa đặc lớn hơn 80% và Sữa bột ở mức quanh 20%.

Biên lãi gộp tiếp tục cải thiện

Bên cạnh hoạt động tái định vị thương hiệu, một yếu tố quan trọng được đánh giá có tác động lớn đến kết quả kinh doanh của Vinamilk là xu hướng giảm giá nguyên vật liệu đầu vào. Giá sữa bột gầy (SMP) và sữa nguyên kem (WMP) trong thời gian qua đã liên tục điều chỉnh giảm kể từ thời điểm nổ ra xung đột tại Ukraine.

Giá nguyên liệu đầu vào giảm giúp biên lợi nhuận gộp của Vinamilk có mức cải thiện lớn nhất kể từ đầu năm 2021. Biên lãi gộp trong quý 2/2023 đạt 40,5% (lũy kế 6 tháng năm 2023 đạt 39,7%), tương ứng với mức tăng 170 điểm cơ bản so với quý trước. Theo PHS, Vinamilk kỳ vọng xu hướng hồi phục của biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp diễn trong các quý tiếp theo với mục tiêu quay trở về mức trước đại dịch Covid.

Động lực nào đẩy vốn hóa Vinamilk tăng 1,3 tỷ USD sau 2 tháng, ngoài bộ nhận diện thương hiệu mới? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, PHS đánh giá Vinamilk cũng không miễn nhiễm với các tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoạn El Nino khi nhiệt độ tăng cao có thể làm tăng giá nguyên liệu chăn nuôi, cũng như làm giảm sản lượng sữa. Theo CTCK này, Vinamilk đã điều chỉnh giá thu mua sữa lên 7% để chia sẻ với người nông dân trong thời gian vừa qua và đã chốt giá nguyên vật liệu tới cuối quý 3 và đầu quý 4/2023.

PHS dự phóng thị trường sữa và các sản phẩm liên quan tại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng CAGR khoảng 4,0%/năm. Trong khi đó, thị phần của Vinamilk có thể tăng 0,3 điểm phần trăm mỗi năm. Biên lợi nhuận gộp trong năm 2023 theo dự phóng của CTCK này có thể đạt 41,2%, tăng 136 điểm cơ bản so với năm trước nhờ vào xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu.

Tương tự, SSI Research trong một báo cáo mới đây, cũng kỳ vọng xu hướng giảm giá sữa bột nhập khẩu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận ròng của Vinamilk thời gian tới. Bên cạnh đó, chiến lược chuyển đổi trung hạn của Vinamilk với nhận diện thương hiệu mới, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh thu và bảo vệ thị phần. Trong năm 2024, SSI Research dự phóng tỷ suất lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ tăng từ 42,1% lên 43% để phản ánh xu hướng giảm của sữa bột nhập khẩu.

Động lực nào đẩy vốn hóa Vinamilk tăng 1,3 tỷ USD sau 2 tháng, ngoài bộ nhận diện thương hiệu mới? - Ảnh 3.

Trong một diễn biến khác, Villico (công ty con của VNM) đã công bố kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với thời gian nhận đăng ký mua sẽ diễn ra từ ngày 24/7 đến 28/8/2023. Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 603 tỷ đồng sẽ được Villico sử dụng để tăng phần vốn góp tại công ty liên doanh với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản, để thực hiện dự án bò thịt. Dự án đã được khởi công vào quý 1/2023 và dự kiến hoàn thành và tung sản phẩm ra thị trường vào cuối quý 3/2024.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên