MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Nai: 46 dự án chuẩn bị đầu tư chậm giải ngân nguồn vốn

19-12-2021 - 08:59 AM | Bất động sản

Đồng Nai: 46 dự án chuẩn bị đầu tư chậm giải ngân nguồn vốn

Nguyên nhân chậm giải ngân nguồn vốn đối với các dự án này được xác định là do chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn lập hồ sơ dự án chậm thực hiện nên chưa hoàn chỉnh hồ sơ trình duyệt dự án đầu tư.

Theo Sở KH-ĐT, trong năm 2021, trên địa bàn Đồng Nai có 46 dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư được bố trí nguồn vốn đầu tư công hơn 50,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11, các dự án này mới chỉ thực hiện giải ngân nguồn vốn gần 13 tỷ đồng, đạt khoảng 26% kế hoạch vốn được bố trí.

Nguyên nhân chậm giải ngân nguồn vốn đối với các dự án này được xác định là do chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn lập hồ sơ dự án chậm thực hiện nên chưa hoàn chỉnh hồ sơ trình duyệt dự án đầu tư. Đồng thời, một số dự án trình thẩm định hồ sơ chưa đạt yêu cầu nên phải chỉnh sửa nhiều lần làm kéo dài thời gian thực hiện.

Được Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh sau điều chỉnh là hơn 24,4 ngàn tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho năm 2021 hơn 5,1 ngàn tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương bố trí trong năm 2021 gần 8 ngàn tỷ đồng; phần còn lại là nguồn vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2021.

Đầu năm 2021, Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ giải ngân đạt trên 95% tổng nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến hết tháng 11/2021, toàn tỉnh chỉ mới giải ngân nguồn vốn gần 11 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 45% kế hoạch vốn trong năm. Trong số này, nguồn vốn ngân sách trung ương mới chỉ giải ngân được hơn 1 ngàn tỷ đồng, đạt gần 21% kế hoạch và nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân được khoảng 4,6 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 58% kế hoạch.

Theo lãnh đạo tỉnh này, năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến Đồng Nai phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch trong thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công. Sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội, các dự án lại phải đối mặt với các khó khăn do thiếu lực lượng lao động, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Cùng với đó, một số vấn đề vướng mắc thường xuyên xảy ra nhiều năm qua như: khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị dự án chưa đạt chất lượng dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, công tác thẩm định của các cơ quan chuyên môn kéo dài khiến tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn bị chậm. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp được UBND tỉnh nhìn nhận chính là sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động trong việc giải ngân nguồn vốn được bố trí của các chủ đầu tư.

Chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2021, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn "chạy nước rút" để hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Bảo Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên