Đồng Nai dự kiến chi 2.500 tỷ đồng xây nhà ở xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các địa phương phải quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu về nơi ở cho người lao động có thu nhập thấp, coi việc này là "món nợ" phải trả sớm.
- 24-03-2022Lật tẩy chiêu trò tạo sốt đất "ảo" của nhóm “cá mập”
- 24-03-2022Đồng Nai quy hoạch thêm 181ha để làm nhà ở xã hội
- 24-03-2022“Ăn theo” Vành đai 4, NĐT săn lùng đất Sóc Sơn, có lô tăng gấp 5 lần trong 3 tháng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã có chủ đầu tư và đang được triển khai với tổng diện tích gần 60 ha.
Dự kiến khi hoàn thành, các dự án cung cấp khoảng 10.746 căn hộ. Các dự án trên tập trung ở TP Biên Hòa, TP Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, tỉnh này mới hoàn thành gần 3.800 căn, chỉ đáp ứng tỷ lệ rất nhỏ nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp.
4 địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội nhiều nhất là TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Đây là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nên thu hút đông lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, nhà ở xã hội phát triển chậm nên công nhân và người có thu nhập thấp đa số phải thuê phòng trọ của các hộ dân để ở. Vừa qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến phải giãn cách xã hội, nhiều công nhân, người lao động mấy tháng liền phải ở trong phòng trọ, không thấy ánh nắng mặt trời:
"Đây là hậu quả của việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội, nên thiếu nơi ở đàng hoàng cho người lao động".
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các địa phương phải quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu về nơi ở cho người lao động có thu nhập thấp. UBND tỉnh, các huyện, thành phố coi việc này là "món nợ" phải trả sớm.
Từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ phát triển mới, mở rộng hơn 10 khu công nghiệp, dự tính thu hút khoảng 450.000 lao động ở nhiều tỉnh khác đến làm việc. Do đó, nếu các địa phương không có tính toán chi tiết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nơi ở đảm bảo cho họ.
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai này vừa có tờ trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển Nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.
Sở đề xuất khoảng 104 địa điểm để triển khai dự án nhà ở xã hội. Trong đó, có 84 vị trí thuộc quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, 20 địa điểm ở những khu vực ngoài quỹ đất này.
Về vấn đề quỹ đất xây nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Minh Đức cho rằng, phải quy hoạch riêng quỹ đất chứ không đợi quỹ đất 20% của nhà ở thương mại vì sẽ mất thời gian rất lâu.
"Các địa phương nên rà soát lại quỹ đất công, những khu vực phù hợp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đưa vào quy hoạch để sớm thực hiện dự án. Quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại sau này không thích hợp để xây dựng nhà ở xã hội có thể tiến hành đấu giá tăng thêm nguồn thu", lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết.
Tại cuộc họp lấy ý kiến quy hoạch các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 được tổ chức vào ngày 18/3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng thông tin, dự kiến đến năm 2025, Đồng Nai sẽ hoàn thành 2.500 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn 200.000 m2. Vốn xây dựng dự kiến hơn 2.500 tỷ đồng.