Đồng Nai: Lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cát Lái
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai được đề nghị làm chủ đầu tư lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch với quận 2 (TP.HCM).
Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận giao Sở Giao thông - vận tải làm chủ đầu tư lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu thay phà Cát Lái nối Q.2, TP.HCM với H.Nhơn Trạch. Sở Giao thông - vận tải cũng sẽ là cơ quan trực tiếp làm việc để thỏa thuận với Sở Giao thông - vận tải TP.HCM về vị trí, quy mô, tiến hành xin quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đó, Sở GTVT cũng sẽ là cơ quan trực tiếp làm việc để thỏa thuận với Sở GTVT TP.HCM về vị trí, quy mô, tiến hành xin quyết định chủ trương đầu tư. Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra 2 phương án vị trí để tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng TP.HCM về việc xây dựng cầu Cát Lái.
Theo quy định công tác lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án này không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư công, do đó Sở Kế hoạch - đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu tạm ứng nguồn ngân sách để thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng cầu Cát Lái.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra 2 phương án vị trí để tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng TP.HCM về việc xây dựng cầu Cát Lái.
Cụ thể, phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5-2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn Q.2, TP.HCM, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái. Đối với phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng Trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn Q.2, TP.HCM sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.
Trong cả 2 phương án vị trí này, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm 6 làn xe (tương ứng rộng 27m) và 8 làn xe (tương ứng rộng 35m).
Theo phương án mà UBND tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, dự án xây dựng cầu Cát Lái sẽ được chia tách ra làm 3 dự án thành phần gồm: phần đường dẫn phía TP.Hồ Chí Minh được giao cho UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT; phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT.
Đối với phần cầu chính, trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo tính toán, với các phương án xây dựng, cầu Cát Lái có tổng mức đầu tư từ 7,2 ngàn đến khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Do đó, việc tính toán nguồn vốn cho dự án hiện cũng đang được xem xét kỹ. Hiện quỹ đất để tạo vốn cho dự án trên địa bàn huyện còn khá lớn, qua rà soát, hiện còn khoảng 4000ha đất có thể tạo vốn cho dự án.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng cầu Cát Lái là rất cần thiết. Dự án giúp kết nối giao thông trực tiếp giữa đô thị Nhơn Trạch với quận 2, TP.HCM. Đồng thời kết nối các tuyến cao tốc và hệ thống cảng sông, cảng biển... tạo điều kiện để đô thị mới Nhơn Trạch phát triển. Do đó, để tạo vốn cho dự án, UBND huyện Nhơn Trạch cần sớm định vị chính xác quỹ đất để có phương án sử dụng phù hợp, nâng cao giá trị đất.