Đồng Nai xây cầu 7.200 tỷ nối với TP.HCM, DIC Corp muốn đầu tư dự án trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch hơn 600 ha
Theo hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư xây dựng khu trung tâm huyện Nhơn Trạch, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.730 tỷ đồng, trong đó vốn vay tín dụng thương mại gần 5.300 tỷ đồng còn lại là vốn của chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 8 năm.
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các sở, ngành và huyện Nhơn Trạch về dự án khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch, đã yêu cầu Sở Kế hoạch - đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại dự án còn cần bổ sung những gì để hoàn thiện hồ sơ, yêu cầu Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, đơn vị đã nộp hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư) hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng phê duyệt và thực hiện.
Theo đó, Dự án khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch có tổng diện tích hơn 600 ha. Hồ sơ dự án hiện đã trình lấy ý kiến các bộ, ngành thẩm định.
Dự tính, nguồn vốn thực hiện phát triển đô thị Nhơn Trạch từ nay đến năm 2030 vào khoảng 7,7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm hơn một nửa, còn lại là vốn vay, vốn viện trợ và vốn từ doanh nghiệp.
Dự kiến sẽ có 8 xã khu vực nội thị sẽ lên phường, đồng thời vào năm 2020 Nhơn Trạch sẽ đạt tiêu chí đô thị loại III, đến năm 2026 lập đề án công nhận đạt tiêu chuẩn loại II. Như vậy, Nhơn Trạch khó hoàn thành kế hoạch sẽ lên đô thị loại II trong năm 2020.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã báo cáo UBND tỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 5 phân khu của huyện Nhơn Trạch tại 11 xã với tổng diện tích gần 9.900 ha.
Dựa theo điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, Sở Xây dựng đã lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/5000 phân khu 3.1, 3.2 có địa giới hành chính xã Long Tân, Phú Thạnh với diện tích gần 1.900 ha.
Dự kiến, đến năm 2035, phân khu nói trên sẽ được lấp đầy với 50 ngàn người sinh sống. Phân khu này sẽ phát triển thành khu đô thị mới chất lượng cao theo mô hình sinh thái, đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó, sẽ xây dựng các khu dân cư, công trình công cộng dịch vụ, giao thông đường bộ, đường sắt.
Còn phân khu 2.1, 2.2, 2.3 thuộc địa giới hành chính xã Phước An, Long Thọ, Hiệp Phước, Phú Hữu, Phú Thanh, Vĩnh Thanh, Phú Đông, Đại Phước, Phước Khánh có diện tích rộng gần 8.000 ha, dự kiến đến năm 2035 sẽ có khoảng 92.000 người dân sinh sống. Khu vực này được lập quy hoạch thành khu trung tâm hành chính, dịch vụ đô thị mới.
Theo yêu cầu của các bộ, ngành thì phải thẩm định về năng lực tài chính của chủ đầu tư đề xuất, dự án phải có khung chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, những khu đất trong dự án có giá trị thương mại cao tiến hành đấu thầu, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư...
UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành liên quan và huyện Nhơn Trạch rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt cần có tầm nhìn xa, đưa những khu vực phát triển trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí vào cho phù hợp để sau này thu hút đầu tư các dự án phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các đường giao thông hiện hữu phải dành đất 2 bên để sau này phát triển có thể mở rộng; nhà cao tầng không nên quy hoạch gần đường cao tốc để tránh tiếng ồn...
Trong quy hoạch chi tiết của huyện Nhơn Trạch cũng cần có cái nhìn tổng quan với khu vực lân cận là huyện Long Thành nhằm điều chỉnh cho phù hợp để khi kết nối tạo thành một thể hoàn chỉnh, bổ trợ cho nhau cùng phát triển, hình thành thành phố cảng với không gian mở.
Trong đó, quy hoạch xây dựng chi tiết Nhơn Trạch nên dành những diện tích đất lớn để trong tương lai có thể thu hút phát triển khu vui chơi theo mô hình Disneyland và các khu thương mại lớn.
Với mục tiêu đưa Nhơn Trạch sớm thoát khỏi "thành phố ma" và trở thành một khu Đông mới của TP.HCM trong tương lai, mới đây tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về việc đứng ra chủ đồng mời gọi các nhà đầu tư xây dựng cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch và quận 2.
Theo báo cáo của Sở Giao Thông - vận tải Đồng Nai, dự án cầu Cát Lái có tổng chiều dài 3.782m, trong đó phần cầu chính dài 650m, phần cầu dẫn mỗi bên 1.122m, đường dẫn bên bờ quận 2 (TP.HCM) hơn 600m, đường dẫn bên bờ Nhơn Trạch hơn 260m. Cầu được thiết kế dây văng 2 trục tháp, dầm bê tông dự ứng lực, khổ thông thuyền 250m; bề rộng mặt cầu 37m, thiết kế 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.200 tỷ đồng.
Được biết, một số nhà đầu tư đã đề xuất với UBND TP.HCM xây dựng cầu Cát Lái theo các hình thức BOT, PPP.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Nhơn Trạch sẽ đóng vai trò như một trung tâm cung ứng các dịch vụ hậu cần, logistics, nhân lực chất lượng cao, các dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ tài chính ngân hàng, kho bãi, bảo hiểm, khu dân cư cao cấp, khách sạn, khu vui chơi giải trí…, để khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, các dự án giao thông hoàn tất và kết nối ngay vào Nhơn Trạch thì mọi thứ đã sẵn sàng.
Lúc đó, hình hài một thành phố vệ tinh Đông Sài Gòn hiện đại và có sức sống tự thân thực sự mới thuyết phục được nhà đầu tư và tiềm năng mới có thể "cất cánh".
Muốn vậy, ngay từ lúc này, các cơ quan chức năng liên quan cần xây dựng quy hoạch đúng, đủ, có tầm nhìn và trên hết là nỗ lực giữ gìn quy hoạch đó, không để quy hoạch bị phá vỡ bởi tình trạng đầu cơ đất, kinh doanh bất động sản thiếu kiểm soát như 10 năm trước.
Trí Thức Trẻ