Đồng Nai xem xét không mở thêm khu công nghiệp, chỉ tập trung phát triển các KĐT dịch vụ tại Long Thành, Nhơn Trạch và Tp.Biên Hòa
Số lượng khu công nghiệp (KCN) tăng khá nhanh là động lực giúp các địa phương có sự tăng trưởng cao về kinh tế nhưng đi kèm là áp lực về dân số, hạ tầng, giải quyết việc làm, an sinh xã hội…
Hiện nay, tại 3 địa phương gồm TP.Biên Hòa, huyện Long Thành và Nhơn Trạch, ngoài 20 KCN đã đi vào hoạt động, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch còn có KCN công nghệ cao Long Thành đang triển khai xây dựng. Ngoài ra, UBND huyện Long Thành cũng đề xuất đưa vào quy hoạch 4 KCN trong giai đoạn tới gồm 2 KCN tại xã Phước Bình và 2 KCN tại các xã Bình An, Tân Hiệp; UBND huyện Nhơn Trạch đề xuất đưa vào quy hoạch thêm một KCN tại xã Phước An.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 KCN đã đi vào hoạt động, trong số này, các địa phương gồm TP.Biên Hòa, 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch là những địa phương có nhiều KCN nhất. Với 20 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động, 3 địa phương này hiện chiếm gần 65% số KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh, TP.Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch có vị trí thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển đồng bộ nên có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Chính vì vậy, số lượng các KCN tại các địa phương này tăng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu đón dòng vốn từ các nhà đầu tư.
Mặc dù các KCN được mở ra đã giúp các địa phương có được động lực tăng trưởng kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” các KCN cũng đặt ra cho địa phương nhiều áp lực. Nổi bật nhất là việc mất cân đối trong cơ cấu kinh tế. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của huyện Nhơn Trạch, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm đến 90,6%. Cùng với đó, việc dân số cơ học hằng năm tăng nhanh do lao động nhập cư từ nơi khác đến làm việc tại các KCN cũng tạo ra áp lực lớn đối với địa phương trong việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như: nhà ở, y tế, giáo dục…
Chưa kể, dân số cơ học tăng nhanh chủ yếu đến từ lượng lao động ngoại tỉnh đến sinh sống, làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong các KCN trên địa bàn khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là tại các tuyến đường kết nối với các KCN. Cùng với đó, nhu cầu về nhà ở, trường học cho con em công nhân cũng tăng trong khi nguồn lực đầu tư của thành phố chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa thừa nhận, hằng năm có hàng chục ngàn lao động di cư đến Biên Hòa đã khiến dân số thành phố tăng nhanh, gây áp lực lên hạ tầng, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Theo đó, Ban TVTU cũng đã có dự kiến sẽ không mở thêm KCN tại TP.Biên Hòa, huyện Long Thành và Nhơn Trạch vì có quá nhiều rồi.
Dừng phát triển KCN, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các khu đô thị dịch vụ. “Hạt nhân” cho hướng phát triển này chính là “siêu” dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành trên địa bàn huyện Long Thành sẽ được khởi công xây dựng trong thời gian tới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Sân bay Long Thành được xây dựng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để Đồng Nai phát triển mạnh đô thị dịch vụ tại 3 địa phương TP.Biên Hòa, huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Do đó, hiện nay tỉnh đã có dự kiến quy hoạch hơn 2,7 ngàn hécta trên địa bàn 2 xã Bình An và Tân Hiệp để phát triển các KCN đô thị dịch vụ. Trước đó, khi bàn giải pháp phát triển đô thị mới Nhơn Trạch trong thời gian tới, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, tính toán đến yếu tố gắn sự phát triển của đô thị này với đô thị Sân bay Long Thành.