MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Nhân dân tệ suy yếu và tác động với Việt Nam

10-08-2021 - 09:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Đồng Nhân dân tệ là một trong những phương tiện giao dịch trong thương mại đầu tư lớn nhất với Việt Nam, cho nên, sự suy yếu của đồng tiền này sẽ tác động đáng kể tới chính sách tỷ giá của Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
304 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Đồng Nhân dân tệ có dấu hiệu suy yếu

Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc được nhiều chuyên gia dự báo là sẽ giảm dần trong những tháng tới, gây áp lực giảm lên tỷ giá đồng Nhân dân tệ và có nguy cơ gây khó khăn cho các đồng tiền châu Á khác. Theo đó, Trung Quốc là nhà nhập khẩu ròng hàng hóa từ nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Indonesia, và đồng Nhân dân tệ được ví như là "mỏ neo" quan trọng trên thị trường ngoại hối trong khu vực. Vì vậy, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ sẽ có tác động kích thích đến đồng tiền của các nước này.

Đồng Nhân dân tệ suy yếu và tác động với Việt Nam - Ảnh 1.

Đồng Nhân dân tệ có dấu hiệu suy yếu khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc giảm dần (Ảnh: Internet)

Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tiền tệ các thị trường mới nổi tại ngân hàng HSBC đã chia sẻ trên tờ South China Morning Post, về mặt lịch sử, các đồng tiền châu Á có xu hướng di chuyển song song với đồng Nhân dân tệ khi có khẩu vị rủi ro yếu và đà tăng trưởng đạt đỉnh.

Đây là một sự phát triển cần theo dõi, vì nó có thể biến thành một cơn gió lớn đối với những loại tiền tệ có tính nhạy cảm hơn với các chuyển động của Nhân dân tệ. Trong khi, niềm tin thấp vào triển vọng của một số nền kinh tế ASEAN có thể thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước, đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài”, Mackel nói.

Khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu trong khu vực cũng sẽ tăng theo. Các số liệu tại nước này cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong sản xuất đã giảm xuống mức 50,4% trong tháng 7, mức thấp nhất trong 17 tháng qua, thể hiện hoạt động kinh doanh đã có sự điều tiết. Bên cạnh đó, chỉ số PMI phi sản xuất giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 53,3%.

Một chiến lược gia tại Manulife Investment Management cho biết, các quốc gia châu Á thường dựa vào xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng, trong khi hoạt động trong nước vẫn chậm chạp.

“Đó là một lỗ hổng lớn, vì nó khiến nền kinh tế trở thành con tin cho nhu cầu nước ngoài. Khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu trong khu vực sẽ tăng lên. Về vấn đề này, ASEAN nổi bật là khu vực tương đối dễ bị tác động, khối này đã gia tăng sự phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc lên mức cao kỷ lục trong vài năm qua ”, vị chiến lược gia nhận định.

Vào năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành khối thương mại số một với Trung Quốc, với khối lượng thương mại đạt 4,74 nghìn tỷ Nhân dân tệ (733,6 tỷ USD), tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước và trở thành đối tác thương mại lớn nhất Đông Nam Á trong 12 năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc nhập khẩu ô tô, thiết bị và máy móc cao cấp từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), do đó nhu cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng đến các ngành này. Nhưng nhìn chung, Mỹ và EU thâm hụt thương mại với Trung Quốc, có nghĩa là họ là nguồn cung cấp nhu cầu xuất khẩu ròng cho Trung Quốc, chứ không phải ngược lại.

Còn theo Aidan Yao, nhà kinh tế cấp cao tại AXA Investment Managers, tương tác giữa Trung Quốc và các nước còn lại trong khu vực ở nhiều ngành, thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp, chặt chẽ hơn các liên kết thương mại của Trung Quốc với Mỹ và EU. “Sự chậm lại tăng trưởng của Trung Quốc, nếu đột ngột, có thể tiêu cực đối với tài sản Nhân dân tệ, làm giảm giá Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ và đồng Euro.”

Có thể thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang có sự khác biệt về đường lối chính sách tiền tệ . Cụ thể, Fed có khả năng sẽ bắt đầu giảm bớt chương trình mua trái phiếu từ thị trường, để bơm thêm thanh khoản vào cuối năm nay. Điều đó có tính hỗ trợ lớn đến đồng đô la Mỹ. Trong khi, PBoC lại giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng và gây áp lực lên giá trị của đồng Nhân dân tệ.

Chuyên gia của HSBC cũng dự báo, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ sẽ giảm khoảng 2% vào cuối năm. Như vậy, phải cần nhiều Nhân dân tệ hơn để mua một đô la Mỹ, cho thấy đồng tiền Trung Quốc sẽ yếu hơn.

Ảnh hưởng đến tiền tệ trong khu vực

Trong bối cảnh đó, đồng Won của Hàn Quốc và đồng Đô la của Đài Loan cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, do mối liên kết thương mại chặt chẽ của các nước này ở Trung Quốc và Đông Á. Hay thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia đã xấu đi đáng kể, do đại dịch và đồng Rupiah đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á khi giảm 18% so với đô la Mỹ, trong 6 tháng qua.

Đồng Nhân dân tệ suy yếu và tác động với Việt Nam - Ảnh 2.

Đồng Nhân dân tệ là một trong những phương tiện giao dịch trong thương mại đầu tư lớn nhất với Việt Nam, cho nên, sự suy yếu của đồng tiền này sẽ tác động đáng kể tới chính sách tỷ giá của Việt Nam (Ảnh: Internet)

Thậm chí, triển vọng tăng trưởng của Malaysia cũng sẽ mờ nhạt dần, sau khi quốc gia này báo cáo số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày vào tháng 7, dẫn đến những hạn chế mới đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng Ringgit của Malaysia đã giảm 2% trong tháng trước, mức giảm lớn nhất trong 4 tháng.

Trao đổi với báo chí, Gao Qi, chiến lược gia tiền tệ tại Scotiabank ở Singapore cho rằng, Fed chắc chắn sẽ bắt đầu nâng lãi suất. Bởi vậy, việc PBoC và các nhà đầu tư hiện lo ngại về sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ là điều dễ hiểu. Đồng thời, thị trường đang đặt cược vào khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, nên lòng tin vào đồng Nhân dân tệ đã giảm dần. “PBoC luôn thận trọng về sự biến động của đồng Nhân dân tệ, bất kể tăng hay giảm, bởi ngân hàng này đang cố gắng giữ cho thị trường tài chính ổn định để ngăn ngừa các rủi ro. Việc đồng Nhân dân tệ giảm giá nhanh làm tăng rủi ro về dòng vốn chảy ra, ảnh hưởng đến nỗ lực của Bắc Kinh trong việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu đồng Nhân dân tệ giảm giá quá mạnh, nhiều công ty Việt Nam nhìn thấy biên lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để bán vào nội địa, thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Khi chiến tranh thương mại leo thang và các bất ổn về kinh tế do đại dịch kéo dài, khiến tỉ giá Nhân dân tệ trên đô la Mỹ giảm mạnh, nhất định sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Bởi hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh lớn hơn, cũng như tạo nên sức ép tỉ giá đồng Việt Nam và đồng USD.

Trong cách thức tính tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ gồm các đồng tiền chủ chốt như: USD, EUR, JPY, CNY, SGD.... Trong đó, đồng Nhân dân tệ là một trong những phương tiện giao dịch trong thương mại đầu tư lớn nhất với Việt Nam, cho nên sự suy yếu của đồng tiền này sẽ tác động đáng kể tới chính sách tỷ giá của Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên